Doanh nghiệp muốn thành công phải đi những bước đi thật vững chắc
“Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tương tự như một cuộc chạy đua marathon. Do đó, muốn đi từ một doanh nghiệp nhỏ hoặc cỡ vừa tiến lên trở thành doanh nghiệp lớn cần phải có thời gian và thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp”. Doanh nhân Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái- chia sẻ như vậy với báo Nhà báo & Công luận trong cuộc trò chuyện trước thềm Xuân Ất Mùi 2015.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái: Doanh nghiệp muốn thành công phải đi những bước đi thật vững chắc
 
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái
 
+ Trong bối cảnh đời sống kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều thách thức như hiện nay, để một doanh nghiệp nhỏ tiến lên thành một thương hiệu – doanh nghiệp lớn, thực sự là điều không dễ dàng, thưa ông?
 
- Thực ra Việt Nam có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên vấn đề tận dụng cơ hội để cất cánh lại là chuyện khác. Doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra biển lớn và trở thành doanh nghiệp vĩ đại cần thiết phải đi những bước đi thật vững chắc theo thế “kiềng ba chân”. 
 
Nếu doanh nghiệp đang từ nhỏ phấn đấu lên trung bình, lớn cần thiết phải có sự quan tâm, hỗ trợ một phần nào đấy từ phía Nhà nước. Câu chuyện này ở nước ngoài cũng tương tự, có nghĩa cần sự giúp sức từ bàn tay của Nhà nước mới phát triển và trở thành thương hiệu lớn. Nếu để tự doanh nghiệp chống chọi lại với thương trường là rất khó khăn. Điều này cũng giống như một con thuyền khi vươn ra biển lớn rất dễ bị sóng to, gió lớn nhấn chìm. Vì khi quy mô lớn hơn, tiến ra sân chơi rộng hơn thì ắt hẳn rủi ro, tỷ lệ đổ vỡ sẽ cao hơn. Đặc biệt, khi vươn ra biển lớn đương nhiên gặp phải sự cạnh tranh hay phản kháng gay gắt của các thương hiệu lớn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài… Do đó, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước mới trụ vững và phát triển lớn mạnh được.
 
+ Có một thực trạng là các doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển đến quy mô lớn thường hay bị nước ngoài thâu tóm hoặc bị phân tán dần. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
 
- Theo tôi, trên thương trường, sự mua bán hay sáp nhập đều là hoàn toàn bình thường. Có điều, những ngành nghề rất nhạy cảm phải cần được Nhà nước thông qua. Một doanh nghiệp được đánh giá cao và bán được giá cao chính là “đỉnh cao nhất” của sự quản lí và phát triển doanh nghiệp. Rõ ràng những doanh nghiệp một khi đã phát triển đến một quy mô nhất định và đứng đầu trong lĩnh vực mà mình sản xuất kinh doanh thì có giá trị rất lớn. Đây là những điển hình xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu mà cộng đồng doanh nghiệp cần học hỏi. 
 
Doanh nghiệp Việt Nam và người Việt Nam có thể tạo dựng được một thương hiệu từ 1 sao lên 3 sao.Tuy nhiên, khi từ 3 sao lên 5 sao thì kỹ năng cần phải có sự thay đổi rất cao. Nếu người Việt Nam không làm được thì cần phải nhờ đến người nước ngoài, chỉ có cách này thì may ra mới có cơ hội để phát triển lên một tầm cao hơn nữa. Tuy nhiên, để nước ngoài họ quan tâm đầu tư vào doanh nghiệp thì cũng cần phải lưu ý rằng họ rất quan tâm đến doanh nghiệp và người làm chủ của doanh nghiệp (bộ máy lãnh đạo và vận hành) là quan trọng nhất. Trong đó, họ rất đề cao tính chuyên nghiệp và tính minh bạch; tính pháp luật và tính đạo đức của doanh nghiệp. Khi những tiêu chí này được thẩm định kỹ lưỡng thì giá trị doanh nghiệp, giá trị thương hiệu sẽ được mua cao hơn.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đã thấm nhuần được điều này, do đó đang tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhà nước hoặc để tồn tại và phát triển mạnh hơn nữa dựa vào yếu tố nước ngoài về các nguồn tài chính để đảm bảo sự an toàn bền vững. Vì thực tế các doanh nghiệp của chúng ta đa số đều cỡ vừa, do đó khi phát triển lên tầm cao hơn rất lúng túng trong quản lí và điều hành; ngành nghề kinh doanh được mở rộng nhưng để duy trì thì gặp khó khăn về vốn, sản xuất kinh doanh có đầu vào nhưng không có thị trường tiêu thụ… Do đó các ông chủ doanh nghiệp luôn cảm thấy mệt mỏi nên cần phải liên doanh, liên kết, sáp nhập hoặc mong được tiếp sức, trợ giúp từ phía Nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài
 
+ Với tư cách là chủ doanh nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về nguồn vốn FDI khi Việt Nam đã để tuột đi những cơ hội đầu tư lớn?
 
- Nguồn vốn FDI trong những năm qua đối với nền kinh tế Việt Nam là rất quan trọng. Nguồn vốn này giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đề ra trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để ngày càng hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, xử lý nạn tham ô, tham nhũng… Bởi thực tế có rất nhiều tập đoàn lớn mong muốn được đầu tư tại Việt Nam, nhưng khi họ vào tìm hiểu mới nhận ra Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt nên đã chuyển hướng quay sang đầu tư tại các nước khác trong khu vực. Điều này chứng tỏ Việt Nam để tuột đi những con cá thực sự lớn. Cái mà chúng ta vớt được là cá bé, cá vừa. Do đó, vấn đề chính sách vĩ mô và vi mô rất quan trọng. Những năm qua Đảng, Nhà nước có những chiến lược rất tốt ở tầm vĩ mô, tuy nhiên khi triển khai thực hiện ở cấp độ vi mô lại rất phức tạp, gây quá nhiều nhũng nhiễu, phiền hà khiến cho doanh nghiệp ái ngại và vô tình đã làm cản trở về thu hút đầu tư.
 
+ Qua 21 năm hoạt động trên thương trường, vậy những lĩnh vực nào được Tập đoàn Phú Thái tập trung hướng đến và chọn làm trọng tâm cho sự phát triển của mình, thưa ông?
 
- Với tầm nhìn: Trở thành một tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, trong 21 năm hình thành và phát triển, đến nay Phú Thái đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn xác định “Chuyên nghiệp và quốc tế hóa” đạt được trình độ cao hơn nữa. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với Phú Thái. Tuy nhiên, mình hợp tác nhưng vẫn phải giữ sự chi phối để phát triển. Ví dụ, một doanh nghiệp của Phú Thái chúng tôi liên kết với đối tác Nhật Bản, nhưng chỉ ở mức độ chưa đến 20%, mục đích phát triển theo chiều hướng quốc tế hóa, đồng thời hàng hóa của Phú Thái phát triển ra các nước xung quanh và thị trường Nhật Bản bằng các sản phẩm tốt. Kinh tế Việt Nam phải gắn liền với xuất khẩu, nếu không xuất khẩu thì không thể cất cánh nhanh. Thông qua các hoạt động liên doanh liên kết ở mức độ hợp lý, do đó Phú Thái không chỉ phát triển mạnh mà còn rất bền vững. Đối tác đến với Phú Thái là đến với sự minh bạch, rõ ràng. Hiện chúng tôi có 5.000 lao động, hàng năm doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng. Tới đây, Phú Thái sẽ mở rộng tại thị trường nội địa và vươn mạnh mẽ ra nước ngoài.
 
+ Cảm ơn ông. Nhân dịp xuân mới, chúc Tập đoàn Phú Thái và cộng đồng doanh nghiệp An khang Thịnh vượng!
LÊ NGUYỄN – KIM THANH (Thực hiện)