Chùa Phước Long – Ngôi chùa của những tấm lòng
Bề thế và uy nghi, sang trọng và cổ kính là những mỹ từ được các phật tử gần xa miêu tả về ngôi chùa Phước Long (Ấp Cù Lao Bà Sang, Phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM), một trong 10 ngôi chùa được Unesco công nhận là top 10 thương hiệu du lịch tâm linh tốt nhất Việt Nam năm 2013, top 100 điểm văn hóa du lịch tâm linh ấn tượng. Để có được ngôi chùa khang trang như hiện nay, phần lớn chính nhờ sư thầy Trụ trì Hòa Thượng Thích Nhật Phát cùng các quý phật tử gần xa.

thích nhật phát, chùa phước long, quận 9

Hoà thượng Thích Nhật Phát trong một chuyến gặp mặt phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Về trụ trì chùa Phước Long vào năm 1974, khi ấy chùa chỉ là một tịnh thất nhỏ, đơn sơ, ít người qua lại, cúng bái. Thầy Thích Nhật Phát đã trãi qua nhiều công việc cơ cực để giữa chùa và tu bổ chùa. Nhìn thấy cái tâm của người tu nhân, sự hi sinh của một bật Hòa Thượng, người dân trong vùng đã cùng chung tay với thầy củng cố ngôi chùa ngày một linh thiêng hơn.

Mặc dù mong muốn sớm được tu sửa và nâng cấp chùa Phước Long, nhưng thầy Thích Nhật Phát lại luôn đau đáu lòng mình bởi những hoàn cảnh khốn khó, chính vì lẽ đó, thầy chú trọng nhiều hơn đến việc hành thiện tích đức. Thầy cùng Phật tử của chùa thường xuyên tổ chức những chuyến đi thuyết giảng, những chuyến đi từ thiện để giúp đỡ người nghèo.

Hoà thượng Thích Nhật Phát trong một chuyến gặp phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Hoà Thượng Thích Nhật Phát nhận kỷ niệm chương của Văn phòng Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam do ông Mai Xuân Hùng, phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc Hội trao tặng

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phật tử tìm đến chùa để cùng thầy làm thiện. Cũng từ đây, chùa Phước Long có nhiều sự trợ giúp, phát tâm của Phật tử. Cùng với sự dành dụm, chắc chiu của Thầy Thích Nhật Phát, ngôi chùa đã được mở rộng ra thêm 7000m2. Tâm niệm của Thầy Thích Nhật Phát là làm sao để ngôi chùa ở vùng sông nước hẻo lánh này được nhiều người biết đến, phát huy tối đa sức mạnh của phật pháp trong lòng quần chúng. Do đó, thầy lại tiếp tục dành dụm trong vòng 5 năm rồi mới cùng với các phật tử chính thức trùng tu chùa. Chùa Phước Long mới có chiều dài 80m, chiều rộng 25m, gồm 3 gian bằng gỗ căm xe Myanma, tổng cộng hơn 1500 khối gỗ. Các tượng Phật trong chùa cũng được chế tác bởi bằng tay tài hoa của các nghệ nhân có tiếng.

Không gian thờ

Đến hôm nay, ngôi chùa Phước Long nhỏ bé ngày nào đã vang danh gần xa bởi lối kiến trúc cổ độc đáo và được ví von như một “bảo tàng gỗ” giữa dòng sông Đồng Nai. Hòa Thượng Thích Nhật Phát cũng đã chứng minh được câu nói “Cho đi chính là nhận lại”. Thầy bắt đầu từ những bài thuyết giảng đơn sơ của nhà Phật, đi vào tâm thức của phật tử gần xa, để hôm nay, chùa Phước Long trở thành nơi tâm linh tín ngưỡng của biết bao du khách. HT Thích Nhật Phát lại tiếp tục dùng sự quan tâm, cúng dường của quý Phật tử để hành thiện tu thân, cứ như thế, tình yêu thương sẽ được nhân rộng và hiệu quả hơn.

Khuôn viên chùa Phước Long

Cảm tạ và tri ân quý phật tử gần xa đã đồng hành cùng chùa Phước Long trong nhiều năm qua, chùa cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo địa phương, duy trì việc đãi cơm chay và nước uống cho quý phật tử gần xa ghé thăm, quyên góp gần 700 triệu đồng cho quỹ người nghèo phường Long Bình, ủng hộ cho Hội Khuyến Học, Hội Chữ thập đỏ…hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ gần 40 căn nhà cho người dân nghèo cho các tỉnh…cùng nhiều hoạt động ủng hộ lớp Sơ cấp Phật học Quận 9. Đó chính là những hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực mà chùa đang thực hiện.

Hành thiện xuất phát từ cái tâm, người hành thiện nếu còn suy tính cho bao nhiêu thì chưa gọi là hành thiện. Của ít nhưng lòng nhiều, Chùa Phước Long luôn rộng mở để chào đón quý phật tử có tâm đến với ngôi chùa linh thiêng này, cùng chùa bước tiếp trên bước đường hành thiện.

Kathy Nguyễn