Người phụ nữ hết lòng vì cây thuốc quý
Là người dành hơn 20 năm miệt mài và gìn giữ cây thuốc quý Hoàn Ngọc, bà bảy Nga còn tiên phong trong các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng tại tỉnh Tây Ninh.

Bà Bảy Nga sinh năm 1954, là con thứ 7 trong một gia đình nông dân có tới 9 anh chị em, ở một vùng đất thanh bình và trù phú thuộc cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình tuy không khá giả, song truyền thống gia đình dường như đã ăn sâu vào trong huyết quản của bà.

nguoi-phu-nu-het-long-vi-cay-thuoc-quy

Bà Bảy Nga bên cây thuốc quý.

Bà kể, khi còn nhỏ đã chứng kiến cảnh ba xoay sở, lo lắng cho những người di cư từ Bắc vào Nam, rồi chắt chiu tiền bạc mở đường, xây cầu cho người dân được đi lại thuận tiện hơn. Cũng chính vì những việc làm của ba, mà khi vào đại học, bà lại hăng hái, tiên phong trong các phong trào xã hội như thăm hỏi, trao quà, quyên góp cho trẻ em nghèo, khuyết tật… Bà cho biết chính người cha chân yêu đã truyền cho bà thêm nhiệt huyết và nỗ lực cống hiến vì cộng đồng.

Dường như mỗi người khi sinh ra đều mang trong mình một số phận, một tương lai được ông trời sắp đặt sẵn, vì vậy cho dù thế nào đi chăng nữa thì duyên phận cũng sẽ gắn lấy cuộc sống khó mà rời ra buông bỏ được. Và với bà Bảy Nga thì điều này quả thật không sai chút nào. Theo đuổi ngành nông nghiệp, nhưng duyên phận lại đẩy đưa bà đến với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu dược liệu, một ngã rẽ mà bà không bao giờ ngờ tới.

Nói về duyên phận đẩy đưa bà Nga đến với cây Hoàn Ngọc cũng rất thú vị. Sau khi thân sinh bà lâm bệnh, dù chạy chữa bao nhiêu nơi cũng không khỏi, vậy mà chỉ khi được mách dùng cây Hoàn Ngọc để uống thì bệnh không những thuyên giảm mà còn dứt hẳn. Và để chia sẻ cho nhiều người biết về cây thuốc quý này, bà cùng chồng thức khuya dậy sớm nấu nước pha trà phục vụ miễn phí cho những người đang có bệnh. Thật kỳ diệu, mọi người sau khi uống nước được nấu từ cây Hoàn Ngọc thì khỏe hẳn ra, nhiều người có bệnh trong người lại được thuyên giảm trông thấy rõ.

Sau nhiều lần tìm tòi, bà tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xin được nghiên cứu, giải thích bằng khoa học. Trước đó, loại cây này đã được nghiên cứu về khả năng điều trị 25 chứng bệnh. Tuy nhiên, chưa ai dám phát triển, mở rộng vì nhiều khó khăn. Ấy vậy mà, một người không phải là dược sĩ, cũng chẳng phải là chuyên gia nghiên cứu khoa học lại dám bắt tay vào nghiên cứu chính loại cây lạ này.

nguoi-phu-nu-het-long-vi-cay-thuoc-quy-1

Xuất thân từ gia đình khó khăn nên bà Nga đồng cảm với người nghèo.

Khi chưa làm đã thấy một biển trời mênh mông những khó khăn, gian khổ và khi bắt tay vào nghiên cứu lại càng thấy khó khăn hơn vạn lần vì đây là giống cây thuốc mới, chưa có đề tài nghiên cứu nào hướng dẫn về cách trồng, chăm bón lại rất dễ bị sâu bệnh, nấm… Hơn nữa, cây trồng này không phải gieo bằng hạt, mà phải trồng từng cây, lại kén đất, không chịu nắng, mưa. Nếu trồng được mà không biết cách chăm sóc cũng chẳng thể phát huy tác dụng. Vì sự quyết tâm phải làm cho bằng được, bà bảy Nga lại phải thức ngày đêm để nghiên cứu thật kỹ về loại cây này.

Bên cạnh việc nghiên cứu để nhân giống cây Hoàn Ngọc, bà Bảy Nga còn vấp phải một khó khăn rất lớn đó chính là nguồn vốn. Để có vốn đầu tư trồng cây Hoàn Ngọc, bà đã phải dùng hết số tiền của gia đình, bán bớt một số tài sản… thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng và bán chôm chôm, nhãn, khoai mì, cà phê, bạch đàn, điều, chăn nuôi thêm gia cầm, gia súc…

Khi một người dành tâm huyết cho công việc, cho đam mê thì ắt hẳn ông trời cũng chẳng phụ bao giờ. Sau những nỗ lực của bản thân, cuối cùng số phận cũng đã mỉm cười. Năm 2010, hội đồng thẩm định của chương trình trọng điểm quốc gia về Công nghệ Hóa Dược Việt Nam đã đầu tư 880 triệu đồng để bà và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu về cây Hoàn Ngọc.

Sau một năm, tâm huyết của bà đã Nhà nước nghiệm thu và đánh giá cao đề tài về độ tinh khiết và tính năng ức chế ung thư của sản phẩm. Năm 2012, Nhà nước lại cấp thêm 2,8 tỷ đồng và giao cho bà làm chủ nhiệm thực hiện dự án cấp nhà nước “Hoàn thiện quy trình tạo 2 chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ cây Hoàn Ngọc”. Bà đầu tư thêm 20 hecta cây nâng tổng diện tích lên thành 40 hecta. Sau đó, bà xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn GACP WHO, đúng mùa vụ, sơ chế và chiết xuất, tinh chế tại nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 do TUV SUD - Đức chứng nhận.

Được Nhà nước rót vốn đầu tư thì bao khó khăn, lo lắng lại chồng chất cao hơn, bởi nếu thất bại chẳng những sẽ mất tất cả mà bao nhiêu công sức nỗ lực bấy lâu nay sẽ đổ sông đổ biển hết. Nghiên cứu thành công, bà tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền phát minh sáng chế về trình chiết xuất và tinh chế Tritecpen từ cây Hoàn Ngọc và tung ra thị trường 2 sản phẩm viên nang là TANU Gold và TANU Green. Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư cho bà nghiên cứu, sản xuất chế biến viên nang hỗ trợ phòng chống khối u.

Không chỉ dành tâm huyết với cây Hoàn Ngọc, bà Bảy Nga còn là người tiên phong trong các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng tại tỉnh Tây Ninh. Hiện bà là thường vụ Ban chấp hành Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh Tây Ninh, tham gia Hội Chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ của tỉnh, giúp đỡ cho nhiều nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn phát triển và ổn định kinh tế bằng nhiều biện pháp như tạo công ăn việc làm ổn định, chăm sóc sức khỏe, xây dựng nhà ở, cải thiện môi trường sống…

nguoi-phu-nu-het-long-vi-cay-thuoc-quy-2

Bà Bảy Nga trong một lần được tôn vinh vì những đóng góp dành cho người nghèo.

Với những nỗ lực cống hiến vì cộng đồng, bà Bảy Nga được chọn là gương thi đua yêu nước của tỉnh Tây Ninh, nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bàn còn nhận nhiều giải thưởng danh giá như: cúp “Bàn tay Vàng” nông nghiệp Việt Nam; cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng; cúp vàng thương hiệu Việt; cúp vàng "An toàn, an sinh xã hội"; bằng độc quyền phát minh sáng chế "Quy trình chiết xuất và tinh chế các Tritecpen từ rễ cây Hoàn Ngọc; Thương hiệu Sao vàng Tam Nông; Top 10 thương hiệu đồ uống được ưa chuộng nhất; Giải khoa học công nghệ toàn cầu; Giải nhất chất lượng toàn cầu…

Mai Dung