Hoa khôi thể thao Trần Thị Quỳnh: để mỗi ngày trôi qua không trở thành vô ích
Tiếp xúc với Hoa khôi thể thao Trần Thị Quỳnh, trông sự trẻ trung, nhanh nhẹn và sự quyết đoán của cô ít ai có thể nghĩ rằng, khi còn nhỏ, Trần Thị Quỳnh là một cô bé nhút nhát, ốm yếu. Để có một hoa khôi Trần Thị Quỳnh cá tính, hoạt bát như ngày hôm nay là cả một quá trình rèn luyện, nỗ lực không ngừng của người đẹp đến từ thành phố Cảng.

Năm Quỳnh 13 tuổi, bố mẹ gửi cô vào lớp năng khiếu bóng chuyền của thành phố Hải Phòng chỉ mong trong môi trường thể thao, con mình khỏe mạnh, tự tin hơn. Xa gia đình và sống trong môi trường tập thể, như nhiều các bạn khác trong trường, ngoài thời gian luyện tập chuyên môn, Quỳnh phải tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Quỳnh tiếp thu khá nhanh giáo trình của các thầy cô đưa ra và tỏ ra có năng khiếu ở cả những môn thể thao khác. Theo nhận xét của các thầy cô; Quỳnh có kỹ thuật khá tốt nhưng thể lực hơi yếu. Biết nhược điểm của mình như vậy, hàng ngày Quỳnh nỗ lực luyện tập, tự đặt ra mục tiêu cho mình để phấn đấu. Kiên trì ngày này qua ngày khác, cuối cùng Quỳnh cũng khắc phục được nhược điểm về thể lực của bản thân, đáp ứng giáo trình luyện tập của các thầy cô đưa ra.

Năm 2004, Quỳnh có tên trong danh sách đội tuyển trẻ quốc gia tham dự giải Bóng chuyền trẻ các nước Đông Nam Á, lần ấy Quỳnh cùng đồng đội đoạt huy chương đồng. Đấy là thành tích cao nhất và cũng là thành tích cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp của Quỳnh. Cô nhận ra có gì đó không ổn trong cuộc đời của một vận động viên chuyên nghiệp. Quỳnh quyết định chia tay với cuộc đời vận động viên, theo học khoa sinh-thể dục của Trường Đại Học Hải Phòng.

Lúc ấy, cô chỉ suy nghĩ giản đơn, muốn có một công việc gì đó tốt hơn làm một vận động viên chuyên nghiệp chứ cũng không nghĩ đến điều gì sâu xa. Tốt nghiệp với số điểm khá cao, cô cũng đi dạy học, mặc dù có chuyên môn tốt, được học sinh quý mến nhưng cô lại cảm thấy không thích cái nghề này. Cô nghĩ: nếu cuộc sống chỉ có sáng đến trường, chiều về nhà thì nhàm chán quá. Từ nhỏ đã phải sống trong khuôn khổ, chỉ biết có tập luyện và thi đấu, cô rất tò mò muốn tìm hiểu thế giới rộng lớn ở bên ngoài như thế nào? Chia sẻ điều này với bố mẹ, bố mẹ cô chỉ muốn cô an phận với vai trò của một người phụ nữ trong gia đình.

Đã quen tự sắp xếp cuộc sống của mình nên Quỳnh quyết định đập con heo đất, lấy tiền lên Hà Nội thuê nhà và xin vào làm ở một công ty truyền thông. Mặc dù làm trái nghề nhưng Quỳnh được sếp đánh giá là người có tố chất làm truyền thông. Cô tiếp thu, học hỏi khá nhanh và trở thành một nhân viên xuất sắc. Khi kênh O2TV tuyển nhân viên, cô cũng mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển. Công việc mới khá vất vả khiến cho cô sụt cân. Đúng lúc Quỳnh cảm thấy công việc này không phù hợp với sức khỏe của mình thì kênh VOV Giao thông tuyển vị trí Đại sứ thiện chí, Quỳnh nộp hồ sơ ứng tuyển và trở thành nhân viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam phụ trách các chương trình giao lưu trực tiếp với thính giả trên sóng phát thanh trong “Giờ cao điểm”. Làm việc ở đài Quỳnh được học về nghiệp vụ báo chí, có điều kiện tiếp xúc với các anh chị phóng viên, biên tập, Quỳnh lại phát hiện ra mình có khả năng về viết lách, kinh doanh và xây dựng kịch bản. Trong 4 năm này, gần như Trần Thị Quỳnh vắng bóng ở hầu hết các chương trình văn hóa, giải trí vì muốn gắn bó trọn vẹn với công việc nhà đài. Nhiều khi cô quên mất mình là một hoa khôi thể thao, cứ lăn xả vào công việc một cách nhiệt tình, trách nhiệm.

Năm 2011, cô kết hôn và theo chồng vào Nam. Thời gian đầu sau kết hôn, Quỳnh dành thời gian đi học một số thứ cần thiết cho cuộc sống gia đình. Cô cũng tập tành nấu ăn để có thể chăm sóc gia đình tốt hơn. Từ một người vụng về, hậu đậu khi đứng trước gian bếp, đến nay Quỳnh đã hoàn toàn tự tin với kha khá bí quyết nấu các món ngon cho cả gia đình, bè bạn. Gặp lại Quỳnh, phần lớn bạn bè cô phải ngạc nhiên bởi Quỳnh đằm thắm hơn, chín chắn hơn, sâu sắc hơn. Khi con gái Cherry cứng cáp hơn, Quỳnh bắt đầu tham gia các công việc liên quan đến giải trí, truyền hình như làm MC cho chương trình S - Việt Nam, Cuộc sống tôi yêu cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện do bạn bè, đồng nghiệp tổ chức…

Mặc dù chồng Quỳnh có công ty riêng chuyên về thiết kế nội thất, kinh doanh nhà hàng, điều kiện vật chất của Quỳnh không phải quá khó khăn, nhưng do có thói quen tự lập từ nhỏ, thích tự sắp xếp cuộc sống cho mình, Quỳnh quyết định thử sức ở một vài lĩnh vực. Lĩnh vực nào bắt tay vào cô cũng học tập, nghiên cứu hết sức nghiêm túc và được đánh giá cao. Tuy nhiên do điều kiện gia đình, phải chăm sóc con nhỏ nên Quỳnh không thể theo được mà phải bỏ dở. Tình cờ, trong một lần Quỳnh được một người bạn rủ đi cùng  tới một công ty bánh kẹo để đàm phán mua lại. Tuy thương vụ không thành nhưng nó khiến cho Quỳnh suy nghĩ rất nhiều. Cô nhớ về mình đã được ăn ở nước ngoài. Những chiếc bánh rất ngon đó Quỳnh chưa từng được ăn ở Việt Nam, có thể vì nó không có nhiều hoặc là không có. Một câu hỏi lóe lên trong đầu Quỳnh: tại sao mình không thử làm bánh nhỉ?

Cô đi tới các tiệm bánh, mua về rất nhiều các loại bánh và mời những người bạn cùng ăn, vừa ăn Quỳnh vừa cảm nhận hương vị của từng chiếc bánh. Từ đó, suốt ngày đầu óc cô chỉ nghĩ về những chiếc bánh. Cô lên mạng tìm đọc các bài viết về bí quyết làm bánh, phong cách làm bánh của các nước trên thế giới, khi mọi người đã ngủ, cô mở youtube để xem các clip dạy làm bánh và học đến thuộc lòng các công thức. Cô phát hiện ra làm bánh là một nghệ thuật rất tuyệt vời, nó có nhiều chỗ để cho mình thỏa sức sáng tạo. Quỳnh quyết định đi học làm bánh. Vì đã nắm vững các bước cơ bản nên Quỳnh học luôn cách làm các loại bánh cao cấp để khi học về thì có thể bắt tay vào làm các sản phẩm thương mại luôn chứ không phải mất thời gian thử nghiệm nữa.

Vì bánh ngọt có xuất xứ từ Châu Âu nên Quỳnh cũng chọn theo phong cách làm bánh của Châu Âu với các nguyên liệu cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài về. Tên thương hiệu cô cũng chọn một cái tên gọi “rất Âu”, đó là La Vita Bakery. Theo như cô giải thích: La Vita trong tiếng Ý có nghĩa là “cuộc sống”, cô đặt tên thương hiệu như vậy cũng có ý rằng tiệm bánh của cô sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống. Nhiều người bước chân vào tiệm bánh của Quỳnh tỏ ra hết sức ngạc nhiên không dám tin những chiếc bánh cao cấp, có hương vị rất đặc biệt tại đây do chính tay Quỳnh làm. Mọi người cứ nghĩ người đẹp thì phải xuất hiện trên sân khấu hay sàn catwalk chứ không ai nghĩ một cô hoa hậu từng tham gia cả chục cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước lại đi làm bánh. Nhưng Quỳnh thì lại nghĩ; mình chính là người tự quyết định cuộc sống và số phận của mình. Cô luôn nỗ lực vươn lên, tự đặt ra mục tiêu cho mình phấn đấu và lên kế hoạch cụ thể cho mục tiêu đó. Với cô, cuộc sống sẽ rất vô nghĩa nếu như mình bằng lòng với chính bản thân mình, bằng lòng với những gì mình đang có. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng cô cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng; cuộc sống không chỉ có màu hồng, muốn thành công thì phải nỗ lực. Lúc nào cô cũng nghĩ về những điều tích cực, nghĩ rằng mình luôn phải vươn lên, làm sao đó để mỗi ngày trôi qua không trở thành vô ích.

Viết Cương