Lối đi nào giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ?
Sáng ngày 1 tháng 7 năm 2016, tại khách sạn Kim Đô, CLB Doanh nhân Sài Gòn và Trung tâm xúc tiến Thương mại & Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Liên Hiệp Khoa Học Doanh Nhân Việt Nam) phối hợp tổ chức buổi hội thảo "Giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ".

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã bày tỏ sự trăn trở về việc phát triển thị trường bán lẻ, các kênh phân phối, tạo lối ra cho sản phẩm và mối lo ngại về việc các thương hiệu bán lẻ nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam. Những thắc mắc này đã được các diễn giả, đại diện các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã thành công trong phát triển thị trường bán lẻ, giải đáp và để xuất một số phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đánh giá về sự phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam , các chuyên gia cho rằng; dù nhiều hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh và rầm rộ, nhưng chưa chiếm tỷ lệ lớn trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm... vẫn đang chiếm ưu thế số lượng trong mạng lưới phân phối tại Việt Nam . Vì vậy, doanh nghiệp nội địa còn nhiều điều kiện thuận lợi trên "sân nhà".

Mặt khác, một trong những giải pháp phát triển mạng lưới phân phối doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khai thác là phát triển mô hình thương mại điện tử. Đây là mô hình kinh doanh được nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng và thành công, nhưng tại Việt Nam lại chiếm thị phần rất khiêm tốn.

Mô hình thương mại điện tử được đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh trong đó các doanh nghiệp không có chung ngành hàng, nhưng liên kết lại trong cùng mạng lưới phân phối để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, thương hiệu...

Trước sự cạnh tranh gay gắt giành thị phần bán lẻ trong nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, nhiều nhà bán lẻ nội địa không ngừng nỗ lực phát triển mạng lưới phân phối hiện đại.

Đơn cử, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Satra sẽ xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Song song với việc cải tiến hoạt động các điểm bán hiện hữu, Saigon Co.op sẽ xây dựng thêm các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc mới vào năm 2017.

Về một số ý kiến đề xuất rằng doanh nghiệp sản xuất khác ngành, không cùng mặt hàng cần liên kết lại để phát triển kênh bán hàng riêng nhằm giảm chi phí. Đề xuất này nghe cũng phù hợp và được cho là như cái "phao" cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bấu víu trong bối cảnh nhà bán lẻ ngoại chèn ép, gây khó khăn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là có được bao nhiêu doanh nghiệp lớn đi tiên phong đứng ra sẵn sàng làm việc này hay là có một chiến lược lâu dài nào của nhà nước, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp?

Theo các doanh nghiệp và các chuyên gia, một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển thị trường bán lẻ tại ngay chính thị trường Việt Nam là doanh nghiệp phải tự lực, tự nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp, liên kết với nhau tạo sự cạnh tranh, chất lượng sản phẩm tốt, giá thành tốt. Bên cạnh đó, cần có hệ thống phân phối tốt và hệ thống quản lý khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào từng khâu nhằm tiết kiệm chị phí và nhân lực.

Viết Cương - Tạp chí Văn Hóa Doanh Nhân