EU và Việt Nam đạt thỏa thuận về hiệp định thương mại gỗ
Ngày 18/11/2016, EU và Việt Nam chính thức công bố đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT).

Theo đó, cơ chế này sẽ giúp cải thiện việc quản trị rừng, xử lý nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận giữa Việt Nam và EU. Việt Nam là một trong số 15 nước hiện đang đàm phán VPA với EU. Ngày 15/11/2016, Indonesia đã trở thành nước đối tác VPA đầu tiên của EU cấp giấy phép FLEGT.

Cao ủy EU về Môi trường Karmenu Vella và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã nhất trí về nguyên tắc trong việc cùng hợp tác hướng tới việc giảm thiểu nạn khai thác gỗ trái phép, đồng thời thúc đẩy thương mại lâm sản hợp pháp giữa EU và Việt Nam thông qua một hệ thống cấp phép dành cho gỗ cũng như các sản phẩm gỗ Việt Nam. Hệ thống này sẽ đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nguồn gốc hợp pháp. Sau gần 6 năm đàm phán, nội dung chính của Hiệp định đã được thống nhất và hiện chỉ còn một số phụ lục có nội dung kỹ thuật đang chờ các nhà đàm phán hoàn tất trong một vài tháng tới. EU và Việt Nam kỳ vọng có thể khởi động thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017.

Tại lễ công bố chung kết thúc cơ bản đàm phán, Cao ủy EU về Môi trường, Các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Karmenu Vella nói: “Ngày 18/11/2016, Việt Nam và EU đã ghi một dấu mốc về hợp tác song phương trong cuộc chiến toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép. Ngay bây giờ, chúng ta cần tập trung vào việc thực thi nhằm đảm bảo VPA này đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường và kinh tế. Cam kết trọng tâm ở đây đó là thiết lập một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, cho phép sự tham gia của tất cả các bên liên quan và bao gồm những cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện được những vi phạm, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc Việt Nam tổ chức thực thi hiệp định này.”

Trong thập kỷ qua, Việt Nam là một nước nhập khẩu và chế biến gỗ lớn, Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng hết sức nhanh chóng của các ngành công nghiệp về gỗ của mình và đã có một vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn là một thách thức không nhỏ, đã khiến chính phủ bị thất thu ngân sách, đe dọa tới sự đa dạng sinh học và gây ra những sự xung đột với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.

Để thực thi VPA, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ cũng như tiến hành các cải cách được nêu trong Hiệp định, trong đó có việc ban hành quy định luật pháp cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu làm đầu vào cho chế biến. Một Ủy ban Thực thi chung giữa EU và Việt Nam sẽ có nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi khi Hiệp định đi vào hiệu lực. Từ nay đến thời điểm đó, các nội dung chính của những thỏa thuận tạm thời đã được thống nhất sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang giai đoạn thực thi.

Khi VPA được thực thi đầy đủ, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tin cậy vào tính hợp pháp của sản phẩm gỗ do Việt Nam xuất khẩu, qua đó sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và môi trường lớn hơn. Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT, thể hiện rõ nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp đơn giản hóa công việc của các thương nhân gỗ bởi các sản phẩm được cấp phép FLEGT sẽ mặc nhiên đáp ứng các yêu cầu của Quy định về Lâm sản của EU, là quy định về việc nghiêm cấm đưa gỗ phi pháp vào thị trường EU. Vì vậy, các thương nhân của EU có thể đưa gỗ đã được cấp phép FLEGT vào thị trường EU mà không cần phải tiến hành thẩm định pháp lý theo các điều khoản nêu trong Quy định về Lâm sản của EU.

FLEGT là giấy phép về Thực thị Lâm luật, Quản lý và Thương mại Lâm sản, đây là một biện pháp đối phó của EU đối với vấn đề khai thác gỗ phi pháp. Nhằm giải quyết vấn đề ở cấp độ EU, Ủy ban châu Âu đã thông qua Kế hoạch Hành động FLEGT, với mục tiêu giảm thiểu nạn khai thác gỗ trái phép thông qua việc tăng cường tính bền vững và hợp pháp của việc quản lý rừng, cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại lâm sản hợp pháp. FLEGT đóng góp vào các nỗ lực nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các quyền và nâng cao sự minh bạch.

Kế hoạch Hành động FLEGT là nhằm đóng cửa thị trường EU đối với các sản phẩm gỗ phi pháp thông qua các hành động, trong đó hai công cụ chủ chốt đó là Quy định về Lâm sản của EU và các Hiệp định Đối tác Tự nguyện.

Các biện pháp từ góc độ nhu cầu tiêu dùng trong Kế hoạch Hành động FLEGT của EU, trong đó có cả Quy định về Lâm sản của EU, nghiêm cấm việc các thương nhân EU đưa lâm sản phi pháp vào thị trường EU. Trong khi đó các biện pháp từ phía cung bao gồm các Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) với các quốc gia bên ngoài EU, những nước đã cam kết phát triển một hệ thống mạnh mẽ để chứng nhận tính hợp pháp của lâm sản, đồng thời sẽ chỉ xuất khẩu sang EU những sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận thông qua các giấy phép FLEGT. Khi một nước đối tác VPA bắt đầu cấp phép FLEGT, các nước thành viên EU sẽ không cho phép các sản phẩm có trong danh sách quy định trong VPA được tiếp tục nhập khẩu vào EU trừ khi những sản phẩm này đi kèm theo giấy phép FLEGT.

Việt Nam nằm ngay ở vị trí trung tâm của thương mại lâm sản toàn cầu. Việt Nam nhập khẩu gỗ từ khoảng 80 quốc gia như: Châu Phi, châu Á, và Nam Mỹ. Và xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang tất cả các thị trường lớn. Năm 2014, thương mại gỗ giữa Việt Nam và EU đã đạt giá trị 705 triệu USD.

Phạm vi của VPA bao trùm toàn bộ các thị trường xuất khẩu và trong nước của Việt Nam. Khi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) đi vào hoạt động theo quy định trong VPA, Việt Nam sẽ cấp giấy phép FLEGT cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đi EU.

Hiệp định này bao hàm cả gỗ nhập khẩu, là nguồn gỗ nguyên liệu chính của Việt Nam, cũng như tất cả các nguồn gỗ trong nước, trong đó có cả rừng trồng và rừng tự nhiên, gỗ bị tịch thu (theo những điều kiện cụ thể), gỗ khai thác tại vườn nhà, nông trại, cây trồng phân tán và gỗ cao su. Danh mục các sản phẩm gỗ thuộc phạm vi của Hiệp định bao gồm tất cả các sản phẩm chính được xuất khẩu vào EU, đặc biệt là năm loại gỗ bắt buộc đã được xác định trong Quy định FLEGT 2005 (gỗ tròn, gỗ xẻ, tà-vẹt đường sắt, gỗ dán, gỗ veneer) và kể cả các sản phẩm gỗ khác như gỗ dăm, ván sàn gỗ, ván dăm và đồ gỗ nội thất.

                                                                                                                                                                                                                                                                                        T.Lan