Việt Nam có thêm một tỷ phú ngành chứng khoán
Bà Nguyễn Thanh Phượng nắm giữ 4,84% vốn, còn ông Tô Hải nắm tới 22,24% vốn của Chứng khoán Bản Việt...

Ông Tô Hải và bà Nguyễn Thanh Phượng đang nắm giữ

Ông Tô Hải và bà Nguyễn Thanh Phượng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) vừa cho biết Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ niêm yết 103,2 triệu cổ phiếu trên sàn từ ngày 7/7 tới. Với mã chứng khoán VCI, giá tham chiếu của cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 48.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Chứng khoán Bản Việt được định giá thị trường khoảng 4.950 tỷ đồng.

Với mức vốn hoá này, Bản Việt là công ty chứng khoán lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán sau Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp. HCM (HSC) với giá trị thị trường lần lượt là 13.838 tỷ đồng và 6.061 tỷ đồng.

Việc Chứng khoán Bản Việt niêm yết nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư bởi đây là doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành chứng khoán từ năm 2007 và có sự tăng trưởng nhanh hàng đầu trong ngành chứng khoán những năm qua. Sự chú ý của giới tài chính còn đổ đồn vào cơ cấu cổ đông của Công ty này.

Theo bản cáo bạch, bà Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Mặc dù giữ vị trí cao nhất doanh nghiệp này song bà Phượng không phải là cổ đông lớn nhất.

Tính đến 19/6, bà Nguyễn Thanh Phượng nắm giữ 5 triệu cổ phiếu tại VCI, chiếm 4,84% vốn điều lệ, tương ứng 240 tỷ đồng. Đây là sở hữu cá nhân, bà Phượng cũng không đại diện cho tổ chức nào sở hữu tại Chứng khoán Bản Việt.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng đang giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị và không nắm giữ cổ phần nào tại Chứng khoán Bản Việt. Ông Bảo Hoàng hiện là Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Việt Nam.

Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt Tô Hải chính là cổ đông cá nhân lớn nhất tại công ty với tỷ lệ sở hữu 22,24%, tương ứng 22,9 triệu cổ phiếu. Với định giá tham chiếu VCI ngày đầu giao dịch, ông Tô Hải sở hữu khối tài sản chứng khoán vượt 1.100 tỷ đồng.

Ông Tô Hải trở thành tỷ phú chứng khoán thứ hai, sau ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI.

Khối tài sản này cũng giúp ông Hải lọt top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong một động thái liên quan, ngày 19/5, ông Tô Hải đã nhận chuyển nhượng 13 triệu cổ phần VCI từ bà Trương Nguyễn Thiên Kim. Bà Thiên Kim giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,84% tương ứng 6,025 triệu cổ phần. Bà Thiên Kim chính là vợ của ông Tô Hải.

Công ty Chứng khoán Bản Việt đang sở hữu Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt. Công ty này cũng do bà Nguyễn Thanh Phượng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra, bà Phượng cũng là thành viên hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Bất động sản Bản Việt, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt.

Ông Tô Hải sinh năm 1973 tại Thái Bình, là thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng. Ông Tô Hải từng làm việc cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, sau đó làm cho Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Đông Á… Đến năm 2007, ông Hải về Bản Việt và giữ vị trí Tổng giám đốc từ đó đến nay.

Ngoài chức vụ này, ông Hải còn đang là thành viên hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1.

Trong phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty Chứng khoán Bản Việt, giá chào bán 48.000 đồng/cổ phiếu, vợ ông Tô Hải là bà Nguyễn Thị Thiên Kim tiếp tục đăng ký mua 5 triệu cổ phần.

Danh mục đầu tư của công ty tính đến cuối năm 2016 có rất nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn như VNM, TCM, MSN, MWG, PC1, KHA, KDH, HT1, CSM, CVT, VLC,… Tổng giá trị sổ sách đầu tư khoảng 752 tỷ đồng, giá thị trường khoảng 1.034 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang tạm lãi khoảng 304 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có nhiều khoản đầu tư công ty cũng thua lỗ và phải trích lập dự phòng như CSM, MSN, TCM,...

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2016 của Chứng khoán Bản Việt đạt 899 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 415 tỷ. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu 1.015 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế tăng tới 32,25% lên 550 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến cho năm 2017 trả bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.

Mục tiêu của Chứng khoán Bản Việt trong 3 năm tới đó là tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân 20%/năm, top 3 thị phần môi giới, dẫn đầu mảng ngân hàng đầu tư, triển khai dịch vụ mới chứng khoán phái sinh, không ưu tiên vốn cho vay ký quỹ,...

Bạch Dương