Các nhà khoa học Nga sản xuất thành công đất nhân tạo
Các nhà khoa học tại trường Đại học Liên bang Sibery ở Krasnoyarsk (Nga) đã nghiên cứu và phát triển thành công “đất nhân tạo”, gọi là Biomat, giúp khôi phục hiệu quả các khu vực đất bị thoái hóa, bạc màu phục vụ việc trồng trọt.

Theo hãng thông tấn Tass, bà Alena Burnova thuộc nhóm nghiên cứu nói trên cho biết Biomat được làm từ các sợi tự nhiên, ngâm bão hòa trong một dung dịch đặc biệt để giữ trong một thời gian dài.

Các khoảng trống giữa các sợi nói trên sẽ được phủ kín các chất hữu cơ liên kết tự nhiên và hoạt động linh hoạt theo cơ chế sinh học. Khi cần, Biomat có thể được bổ sung thêm các chất gel giãn nở để tăng khả năng giữ nước, rất cần thiết cho các cây con.

Biomat sẽ tự phân hủy hết trong vòng 4 đến 5 năm, và các chất sau khi phân hủy sẽ trở thành các chất màu, chất dinh dưỡng của đất, tạo độ màu mỡ để cây sử dụng.

Bà Burnova mô tả Biomat giống như là “một tấm thảm, rất nhẹ”, có thể được sử dụng ở mọi nơi, nhất là tại các vùng đất phía bắc xa xôi của Nga, nơi việc trồng trọt hoa màu cực kỳ phức tạp, do đất tại các khu vực này thường xuyên bị tàn phá bởi khí hậu khắc nghiệt.
 

Nguyễn Vũ/Báo Tin Tức