Ngân hàng đối mặt nguy cơ ''thủng đáy'' an toàn vốn
Không thể tăng vốn như kỳ vọng trong khi tín dụng tăng nhanh đang khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng giảm mạnh, xuống sát mức tối thiểu (9%). Đây là áp lực căng thẳng nhất của các nhà băng trong năm 2018.

thương hiệu vàng

Nhà băng càng to, nỗi lo càng lớn

Không phải tín dụng hay lãi suất, tăng vốn chủ sở hữu mới là rủi ro lớn nhất, không chỉ trong năm 2018, mà còn cả trong trung và dài hạn đối với nhiều ngân hàng. Kết thúc năm 2017, kế hoạch tăng vốn của hàng loạt ngân hàng đã lỗi hẹn. Đây là lý do khiến dù lãi lớn, nhiều ngân hàng vẫn chưa dám mừng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuỳ, Phó trưởng ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - NFSC), dù các ngân hàng năm nay tăng tới 40% lợi nhuận, song vẫn phải đối mặt với áp lực rất lớn.

Con số thống kê từ nhiều nguồn cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng đều sụt giảm mạnh. Nếu cuối năm 2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống đạt hơn 12% thì hiện chỉ còn 11%. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước thấp nhất, xoay quanh 9%, chạm mức tối thiểu. Tín dụng tăng nhanh (18-19%), trong khi vốn chủ sở hữu không tăng kịp là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này.

Hơn nữa, theo ông Thùy, nếu theo chuẩn của Hiệp ước Basel II, thì hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã ở dưới mức 8%, tức là cần phải cải thiện mạnh. “Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại”, ông Thuỳ nói.

Đồng tình với nhận xét này, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) lưu ý, Basel II đang tiến hành thí điểm và chính thức có hiệu lực từ năm 2020, tức chỉ còn 2 năm nữa là vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ phải tăng gấp khoảng 2 lần. “Đây sẽ là một thách thức rất lớn với các ngân hàng”, ông Thành nói.

Thách thức lớn nhất với hoạt động tăng vốn thuộc về khối ngân hàng thương mại quốc doanh. Nhiều ngân hàng trong khối này chưa thể giải quyết vấn đề tăng vốn bởi việc chia lợi nhuận bằng cổ tức để tăng vốn không được Bộ Tài chính đồng ý, việc bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài chưa thành công hoặc ngân sách đã cạn tiền để tăng vốn.

Nếu không có kế hoạch khả thi để tăng vốn trong năm 2018, hàng loạt ngân hàng, nhất là 4 ông lớn sẽ phải hãm phanh tín dụng (vì tín dụng càng tăng, hệ số CAR càng giảm, nếu vốn chủ sở hữu không tăng). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2018.

Ngân hàng khao khát có nhà đầu tư

Trước áp lực như vậy, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng vốn sẽ là hoạt động trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2018, nhất là với Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Theo tính toán của NFSC, trong giai đoạn 2018-2020, để đáp ứng tỷ lệ CAR ở mức 8%, các ngân hàng trên gần như phải tăng 2 lần vốn tự có so với hiện tại, đây là số vốn không hề nhỏ. Muốn làm được điều này, các nhà băng này khó lòng thực hiện bằng cách tăng vốn nhỏ giọt như thời gian qua, mà phải gấp rút tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài hoặc thông qua con đường M&A.

Một cách nữa để tăng vốn nhanh nhất và khả thi nhất là trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, giải pháp này cần có sự thống nhất của các thành viên Chính phủ dựa trên sự cân đối hài hòa lợi ích của tổng thể nền kinh tế, đặc biệt là cái “gật đầu” của Bộ Tài chính.

Việc gọi vốn từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Mặc dù hiệu suất sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cải thiện mạnh so với các nước trong khu vực, song năm 2018, do hệ thống ngân hàng vẫn đang tái cơ cấu, cùng với quy định một nhà đầu tư không được sở hữu quá 20% vốn của một ngân hàng khiến nhà đầu tư ngoại khó đạt được tiếng nói có trọng lượng đối với ngân hàng tham gia mua cổ phần.

Việc quá nhiều ngân hàng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn cấp 2, phát hành cổ phiếu riêng lẻ… cũng khiến thị trường cổ phiếu ngân hàng bị cạnh tranh quyết liệt, nhà đầu tư bị phân tán. Năm qua, có tới gần 20 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, nhưng chỉ có vài ba ngân hàng hoàn thành kế hoạch, dù thị trường chứng khoán tăng trưởng khá tốt.

Thùy Liên