Hiểu đúng về ''nhượng quyền thương hiệu” và ''nhượng quyền thương mại'' ?
Hiện nay, khái niệm “Thương hiệu”, “Nhượng quyền thương hiệu” đã được được sử dụng rộng rãi trong văn phong giao dịch hàng ngày, ngôn ngữ báo chí và phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, tuy nhiên pháp luật Việt Nam đến nay cũng chưa đề cập cụ thể hai khái niệm trên. Thương hiệu, trong tiếng Anh là “Brand”, và nhãn hiệu là “Trademark” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng trên thực tế nhiều doanh nhân vẫn hiểu theo hướng đồng nhất.

Khi nghiên cứu về mặt từ ngữ, chúng ta nhận thấy “thương hiệu” là một khái niệm có nội hàm rộng hơn khái niệm “nhãn hiệu”. Theo Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Như vậy, có thể cho rằng nhãn hiệu là các dấu hiệu (mà giác quan con người có thể nhận biết được) để phân biệt sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) của các chủ thể kinh doanh.

Về khái niệm “Thương hiệu”, dù được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhưng vẫn chưa được định nghĩa trong các tài liệu học thuật, hoặc văn bản pháp luật một cách chính thống. Có thể hiểu khái niệm “Thương hiệu” từ cách nhìn của người tiêu dùng, đó là sự cảm nhận và chứng nhận của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu sản phẩm, là mọi dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng về cái tên đó  (Bá Châu, Tạp chí Marketing, số 39-2007, tr.57). Như vậy, để nhận biết một thương hiệu, mỗi người phải sử dụng cả một quy trình nhận thức gồm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính mới có thể xác định chính xác về thương hiệu. Đây cũng là một đặc điểm khác biệt cơ bản giữa “Nhãn hiệu” và “Thương hiệu”.

Về khái niệm “nhượng quyền thương mại”(franchise), Hội đồng Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Commission – gọi tắt là FTC ) định nghĩa như sau:

Nhượng quyền thương mại là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều người, trong đó:

+ Bên nhận quyền được cấp quyền bán hoặc phân phối sản phẩm/ dịch vụ theo cùng một kế hoạch hay hệ thống tiếp thị của bên nhượng quyền.

+ Hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền phải triệt để tuân thủ kế hoạch hay hệ thống tiếp thị  gắn liền với nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng, tiêu chí quảng cáo và những biểu tượng thương mại khác của bên nhượng quyền.

+ Bên nhận quyền có nghĩa vụ trả một khoản phí, trực tiếp hoặc gián tiếp, gọi là phí nhượng quyền thương mại”. (Erwin J.Keup, 2000, Franchise Bible, The Oasis Press, Oregon-US,tr.5)

Theo Ủy ban nhượng quyền thương mại của Úc (Franchise Council of Australia – gọi tắt là FCA) thì Nhượng quyền thương mại được hiểu là “một quan hệ kinh doanh theo đó bên nhượng quyền với tư cách là chủ sở hữu của sản phẩm hoặc dịch vụ giao cho cá nhân độc lập (bên nhận quyền) quyền được sản xuất và phân phối sản phẩm/dịch vụ của bên nhượng quyền cùng với việc sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu của bên nhượng quyền trong một khoảng thời gian nhất định” (www.franchise.org.au/content/?id=183)

Hiệp hội nhượng quyền thương mại quốc tế (The International Franchise Association – gọi tắt là IFA) cho rằng: nhượng quyền thương mại là  “một quan hệ ổn định và liên tục, trong đó bên nhận quyền nhận được một đặc quyền thương mại được cấp phép bởi bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh dưới cùng một thương hiệu với bên nhượng quyền  đồng thời với việc nhận được sự hỗ trợ của bên này. Đổi lại, bên nhận quyền trả một khoản phí được xem như là một sự trao đổi ngang giá với đặc quyền được hưởng từ bên nhượng quyền” (www.franchise.org/industrysecondary.aspx?id=10008)

Luật Thương mại 2005 của Việt Nam, Điều 284 định nghĩa như sau:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1.  Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2.  Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Như vậy, mỗi quốc gia hoặc tổ chức đều có khái niệm riêng về nhượng quyền thương mại (franchise), nhưng đều mô tả được những đặc điểm chung nhất của loại hình kinh doanh này.

Ngoài ra, “Nhượng quyền thương hiệu” có thể hiểu gồm 2 hoạt động: nhượng quyền sở hữu thương hiệu và nhượng quyền sử dụng thương hiệu, còn trong nhượng quyền thương mại: bên nhượng quyền dù chỉ chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (một đối tượng sở hữu công nghiệp), nhưng kèm theo đó lại chuyển giao bí quyết kinh doanh, quy trình sản xuất sản phẩm, hệ thống quản trị, huấn luyện…cho bên nhận quyền, kèm theo bên nhượng quyền còn có nghĩa vụ kiểm soát/hỗ trợ toàn diện khi đã chuyển giao xong, cơ sở nhận quyền đi vào hoạt động. Rõ ràng, hai hình thức này hoàn toàn khác biệt nhau về khái niệm, đối tượng và phạm vi chuyển giao, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể kinh doanh.

Tóm lại, việc phân biệt rõ các khái niệm “Thương hiệu”, “Nhãn hiệu”, “Nhượng quyền thương hiệu” và “Nhượng quyền thương mại” rất có ý nghĩa thực tiễn. Điều này vừa giúp doanh nhân nhanh chóng nắm bắt những cơ hội kinh doanh hiện đại, phù hợp xu thế kinh doanh toàn cầu, đồng thời cũng hỗ trợ doanh nhân định hướng đúng khi xác lập chiến lược phát triển phù hợp, hạn chế rủi ro trong giai đoạn đầu Việt Nam hòa nhập WTO, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay./.

Luật sư Th.s NGUYỄN HẢI VÂN