Làm thế nào để phân biệt giữa Branding, Marketing, Quảng cáo và PR
Đây là 4 khái niệm hoàn toàn khác biệt nhưng thường bị nhầm lẫn hoặc gộp chung thành 1 khái niệm duy nhất, không chỉ đối với đại đa số người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường. Việc phân biệt được rõ ràng những khái niệm này sẽ giúp bạn có những bước đi và lựa chọn đúng đắn hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Dưới đây là những định nghĩa và so sánh giúp bạn nhìn đúng được bản chất của từng thuật ngữ Branding, Marketing, Quảng cáo, PR.

1. Marketing


Philip Kotler – cha đẻ của Marketing hiện đại đã đưa ra định nghĩa “Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi”. Trong khi đó, Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ cho rằng “Marketing là quá trình lên kế hoạch và tạo dựng mô hình sản phẩm, hệ thống phân phối, giá cả và các chiến dịch xúc tiến nhằm tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân hoặc tổ chức nhất định”.

Như vậy, có thể hiểu Marketing là những nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu và thỏa mãn người tiêu dùng, biến những nhu cầu đó trở thành cơ hội thu được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Marketing bắt nguồn từ việc nghiên cứu thị trường, phát hiện nhu cầu và cung cấp hàng hóa thỏa mãn những nhu cầu đó.

Hoạt động của Marketing giống như việc khách hàng của bạn đang đói, bạn liền nướng một chiếc bánh và tự mình nói với họ rằng “Tôi đã tạo ra một chiếc bánh rất ngon và có thể khiến bạn no bụng”. Chiếc bánh của bạn chính là sản phẩm vừa thỏa mãn được nhu cầu ăn no của khách hàng, vừa giúp bạn có được lợi nhuận từ việc kêu gọi người khác mua nó.

Bạn có thể hiểu hơn bản chất của Marketing bằng việc nhìn vào hoạt động của Samsung khi không ngừng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm Galaxy S của mình để cho ra đời các dòng smartphone hiện đại từ S1 tới S8. Những chiếc smartphone này không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe gọi thông thường mà còn thỏa mãn rất nhiều những mong muốn và sở thích của người dùng như thiết kế đẳng cấp, cấu hình khủng, chụp ảnh đẹp, chống nước… Smartphone đời sau có nhiều tính năng vượt trội và làm hài lòng khách hàng hơn đời trước chính là bằng chứng cho thấy hoạt động Marketing của Samsung đã diễn ra rất hiệu quả.

2. Quảng cáo



Quảng cáo là khái niệm dễ bị nhầm lẫn nhất với Marketing, bởi hoạt động quảng cáo cũng mang nội dung trực tiếp liên quan tới sản phẩm hoặc dịch vụ. Hiệp hội quảng cáo Mỹ định nghĩa: “Quảng cáo là hoạt động truyền bá thông tin, trong đó nói rõ ý đồ của chủ quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ của chủ quảng cáo trên cơ sở thu phí quảng cáo, không trực tiếp nhằm công kích người khác”.

Bản chất của quảng cáo chính là một hình thức truyền thông phải trả phí để thực hiện, sử dụng các phương tiện thông tin bao gồm quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên internet, quảng cáo ngoài trời… với nhiệm vụ là phủ sóng tối đa hình ảnh và thông tin sản phẩm khiến khách hàng.

Mục đích của quảng cáo là thu hút sự chú ý của khách hàng thông qua những thông điệp cụ thể như giới thiệu về ưu điểm, tính năng, mẫu mã vượt trội của sản phẩm nhằm kích thích trí tò mò và sự thích thú, từ đó đi đến quyết định mua của khách hàng. Bên cạnh đó, quảng cáo cũng là cách giúp doanh nghiệp bảo vệ thị phần, gây sức ép lên đối thủ, củng cố hình ảnh thương hiệu và thay đổi thái độc của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Trong trường hợp này, bạn vẫn là người nướng bánh và tự nói về chiếc bánh của mình nhưng bất kể người xung quanh có đói hay không. Bạn có thể nhắc đi nhắc lại về hương vị, thành phần hoặc dinh dưỡng của chiếc bánh đó cho tới khi họ ghi nhớ rằng bạn là người làm bánh tài hoa và chiếc bánh của bạn thực sự mang lại lợi ích. Những người đói sẽ quyết định mua bánh để ăn, những người không đói cũng sẽ được kích thích vị giác và cuối cùng đưa ra quyết định mua chúng.

Bạn có thể gặp rất nhiều đoạn quảng cáo trên tivi hay internet từ mọi doanh nghiệp, trong đó có thể kể tới những cái tên thường xuất hiện trên truyền hình như P/S, Vinamilk, X-men, Kotex, Neptune…

3. PR – Public Relations



PR (Public Relations) có nghĩa là quan hệ công chúng. Hiệp hội Quan hệ công chúng Mỹ (PRSA) định nghĩa “Quan hệ công chúng là một quá trình truyền thông chiến lược nhằm xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa các tổ chức và các nhóm công chúng của nó”.

PR là cách mà doanh nghiệp quản lý hình ảnh của mình thông qua một tiếng nói thứ 3 như báo chí, người nổi tiếng… Hoạt động PR của doanh nghiệp chính là việc phân tích xem ai là những người có khả năng tác động đến công chúng mục tiêu của doanh nghiệp và thuyết phục họ chấp nhận truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến công chúng. Những người thuộc bên thứ 3 này đa phần là các cơ quan báo chí, những người có uy tín và hiểu biết sâu sắc trong xã hội.

Trong PR, doanh nghiệp không hoàn toàn làm chủ thông điệp về hình ảnh của mình bởi những hình ảnh và thông tin dù tốt đẹp hay không tốt đẹp cũng đều có thể được những bên thứ 3 lan truyền rộng rãi.

Quay trở lại với câu chuyện chiếc bánh, một vị khách đã quyết định thưởng thức chiếc bánh bạn làm và nhận ra nó thực sự ngon miệng. Do ý muốn chủ quan hoặc do sự nhờ vả của bạn, anh ta kể lại với những người khác về chiếc bánh thú vị đó và kêu gọi họ cũng nên ăn thử. Và như vậy, tất cả mọi người đều biết đến bạn thông qua anh chàng nọ thay vì nghe bạn tự giới thiệu về chiếc bánh của mình. Điều này khiến những đánh giá về bạn trở nên khách quan và đáng tin cậy hơn.

“1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo” của Vinamilk là ví dụ điển hình cho hoạt động PR của doanh nghiệp. Với chiến dịch này, Vinamilk đã thành công trong việc thu hút lượng lớn khách hàng với thông điệp “Với Vinamilk, uống sữa là sẻ chia” và được báo chí cùng các tổ chức liên quan nhắc tên như một người hùng. Khách hàng rõ ràng sẽ lựa chọn sản phẩm của Vinamilk khi biết mình đang góp tay xây dựng tương lai tốt đẹp cho trẻ em Việt thay vì một nhãn hàng khác.

4. Branding



Branding hay xây dựng thương hiệu chính là việc khởi dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng với sản phẩm và danh tiếng của doanh nghiệp bạn, giúp họ nhận diện và phân biệt sản phẩm của bạn với vô số những sản phẩm khác trên thị trường. Việc có được thương hiệu sẽ giúp bạn định vị chính mình trong tâm trí khách hàng và trở nên nổi bật giữa hàng ngàn đối thủ khác.

Không giống với 3 khái niệm đã nêu trên, Branding là quá trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp khiến khách hàng phải tự mình thốt lên những cảm nhận của họ về tên tuổi và sản phẩm của bạn.

Với ví dụ chiếc bánh, Branding thành công chính là việc chỉ cần nhìn vào bạn hay chiếc bánh mà bạn tạo ra, tất cả mọi người đều phải nghĩ trong đầu rằng “Đó là một người làm bánh tài giỏi” hoặc “Bánh của người đó làm ra chắc chắn tuyệt hảo”, và khi có nhu cầu mua bánh, họ chắc chắn muốn tìm tới bạn.

Khi muốn mua điều hòa, bạn nghĩ ngay tới Daikin, LG; khi muốn uống cà phê, bạn nghĩ tới Trung Nguyên, Highlands; khi nhìn thấy một người phụ nữ sử dụng túi xách của Louis Vuitton hay Chanel, bạn trầm trồ rằng họ thực sự đẳng cấp… Đó là một vài trong số rất nhiều ví dụ cho thấy hoạt động Branding thành công của các doanh nghiệp.

Như vậy, bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn phân biệt được 4 khái niệm Branding, Marketing, Quảng cáo, PR. Việc nắm vững những khái niệm này sẽ giúp bạn thuận lợi và đúng đắn hơn trong việc lựa chọn cách đưa tên tuổi của mình tiến xa hơn về phía công chúng. Tuy nhiên, tùy vào tình hình của mỗi doanh nghiệp, vận dụng những hoạt động này ra sao cho phù hợp lại là bài toán khó. Để có thể đi đúng hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp nên có nhân sự phụ trách chuyên về vấn đề này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ không đủ kinh phí thành lập một bộ phận riêng để quản trị thương hiệu thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các công ty chuyên về PR, Marketing và xây dựng thương hiệu để có được lời khuyên hữu ích nhất. Nhưng để làm được việc đó thì chủ doanh nghiệp cũng phải có được nhận thức đúng đắn về vấn đề này mới có sự quan tâm và đầu tư đúng mức.