4 cách mở rộng quy mô startup với ngân sách hạn hẹp
Khi đã biến một dự án startup trên giấy trở thành công việc kinh doanh thực tế, câu hỏi quan trọng tiếp theo là làm thế nào mở rộng quy mô và thúc đẩy sự tăng trưởng của startup đó?

Một câu hỏi lớn nữa là nguồn tài chính để mở rộng quy mô sẽ được lấy từ đâu? Hoặc làm thế nào để làm được điều đó với một nguồn ngân sách hạn hẹp?

Entrepreneur gợi ý một số cách để mở rộng quy mô, thúc đẩy tăng trưởng của startup với nguồn ngân sách hạn chế:

1. Tận dụng nguồn lao động tự do

Thị trường lao động tự do (freelance) hiện tại đang rất lớn. Nhiều freelancer có nhu cầu được làm việc với mức phí rẻ hơn so với những lao động toàn thời gian. Do đó, các startup không nên bỏ qua nguồn lao động đầy tiềm năng này.

Ramneet Kaur – COO của Rapid Skillz cho biết: “Bằng cách thuê ngoài các phần việc PR và kế toán, chúng tôi có thêm nhiều thời gian để lên kế hoạch cho sự tăng trưởng của công ty. Bằng cách ủy quyền một số phần việc với chi phí thấp, chúng tôi có thể quản lý công việc hiệu quả với nguồn ngân sách hạn hẹp. Đồng thời, một số freelancer làm việc ở những múi giờ khác còn có khả năng hoàn thành công việc nhanh hơn thời hạn đề ra”.

Hãy tận dụng lực lượng freelancer hùng hậu trên thị trường hiện nay để tạo ra một sự hợp tác win-win cho startup của bạn!
8 điều cần cân nhắc trước khi mở rộng quy mô kinh doanh với cửa hàng thứ hai
8 điều cần cân nhắc trước khi mở rộng quy mô kinh doanh với cửa hàng thứ hai LÂM NGHI

2. Tạo ra những khách hàng mới

Khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời và một sản phẩm độc nhất vô nhị, hãy đảm bảo bạn có khả năng tạo ra nhu cầu để khách hàng sử dụng nó.

“Chúng tôi luôn nhận thấy nhu cầu cần phải giúp cho khách hàng hiểu được tính năng của những sản phẩm chúng tôi đang bắt đầu sản xuất. Chỉ sau khi tính năng và tuổi thọ của các sản phẩm mới được giới thiệu ra công chúng, nhu cầu về sản phẩm mới gia tăng”, Dhruv Trehan – CEO của Shree Ram Wood Industries nói.

Còn đối với những công ty muốn tấn công vào các thị trường mới, Dhruv nhấn mạnh rằng nên mở rộng quy mô bằng cách gia tăng cơ sở khách hàng và phạm vi khu vực bán hàng.

3. Tận dụng động lực marketing

Sự bùng nổ internet và sự dễ dàng tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh với ngân sách hạn chế.

Rajat Bharat – CEO của Geekay Bikes gợi ý: “Nhờ các nhà tiếp thị chuyên về truyền thông xã hội mà chúng tôi đã có thể tăng cường doanh thu của các dòng xe đạp điện mới trong một khoảng thời gian ngắn. Thông qua các kênh truyền thông xã hội, chúng tôi có thể dễ dàng kết nối với một mạng lưới rộng lớn những người có xu hướng quan tâm đến sản phẩm cũng như đưa ra những thông tin xác nhận về sản phẩm nhanh chóng, dễ dàng hơn”.

Các kênh truyền thông xã hội như YouTube, Instagram, Facebook và Twitter giúp bạn tiếp cận hàng triệu người dùng trên đó – những khách hàng tiềm năng của công ty bạn – chỉ trong vòng vài giờ. Do đó, Ramneet Kaur nhận định, việc tận dụng phương thức tiếp thị mới này có thể giúp doanh nghiệp đạt đến lượng khách hàng tối đa với nguồn ngân sách khiêm tốn.

4. Tận dụng mạng lưới các mối quan hệ

Những sự kết nối xung quanh bạn, mạng lưới bạn bè, mentor… đều rất hữu ích. Vì vậy, hãy tham gia vào các hội, nhóm, tổ chức kinh doanh… mỗi khi có cơ hội. Bạn sẽ rất dễ dàng mở rộng kinh doanh nếu có một mạng lưới mạnh mẽ gồm những mentor và tất cả những người có khả năng chỉ bảo bạn đi đúng hướng trong sự nghiệp kinh doanh.

Như Lavish Mahajan – CEO của IGEN Solutions nói: “Một cách an toàn để quản lý startup của bạn mà không phải quay đầu nhìn lại tiếc nuối là tìm kiếm lời khuyên nơi những mentor. Dù là các vấn đề về tài chính hay những kế hoạch marketing lớn, họ đều sẵn sàng giúp đỡ”.

Bích Trâm