Phó thủ tướng khẳng định kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
Hiện dư nợ tín dụng trên 7 triệu tỷ thì hơn 1,5 triệu tỷ đổ vào bất động sản, Chính phủ cần quan tâm hơn, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đề nghị tại phiên thảo luận tổ chiều 22/10 của Quốc hội.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ - Ảnh: Quang Phúc

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ - Ảnh: Quang Phúc

Theo nhiều đại biểu, kết quả kinh tế xã hội năm 2019 theo báo cáo của Chính phủ là rất ấn tượng, nhất là tăng trưởng GDP khoảng 6,8% và kiềm chế lạm phát dưới chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên cần được quan tâm sâu sát hơn.

Đề cập câu chuyện đang rất thời sự là ô nhiễm nguồn nước sạch Sông Đà, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng cần quan tâm đến phản xạ trong các sự cố môi trường.

Ô nhiễm nước sạch làm đảo lộn cuộc sống của mấy triệu dân Hà Nội nhưng phản ứng, xử lý, đảm bảo cuộc sống cho dân thì cần xem lại, ông Khánh nói.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, nếu tính cả cho vay tiêu dùng núp bóng để đổ vào bất động sản thì dư nợ lĩnh vực này còn hơn cả 1,5 triệu tỷ.

Ông Thưởng lo tiền đổ vào nhiều như thế, nếu thị trường bất động sản mà bất ổn thì tạo ra nợ xấu, cả xã hội phải gánh, gây bất ổn cho nền kinh tế.

Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản tốt nhưng tôi thấy lo về việc này, dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo siết tín dụng bất động sản nhưng tôi vẫn muốn lắng nghe ý kiến của Phó thủ tướng (cùng tổ thảo luận có Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - PV).

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này cho biết đến tháng 8/2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Trao đổi nhanh với VnEconomy trong giờ giải lao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xác nhận con số đại biểu nêu về tín dụng bất động sản là chính xác, tuy nhiên không đáng lo. Vì cách tính mới đã gộp cả dư nợ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và cả tín dụng tiêu dùng như sửa chữa, mua nhà ở cá nhân, và Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ với giao dịch tín dụng bất động sản.

Phát biểu tại tổ sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tín dụng bất động sản mấy năm nay được kiểm soát rất chặt chẽ.

Có năm tín dụng tăng đến 33% mà GDP tăng 6%, có năm thì tín dụng lên đến 54% còn mấy năm nay đều dưới 14%, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Vẫn theo Phó thủ tướng, cơ cấu tín dụng đã tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt chẽ.

Phó thủ tướng cũng cho rằng chỉ kiểm soát chứ không dùng từ ngăn chặn, bởi một căn chung cư đi vào hoạt động thi kéo theo tiêu dùng nhiều thứ khác, từ vật liệu đến chăn ga gối đệm...

Hồi âm cụ thể thông tin đại biểu Thưởng lo lắng, Phó thủ tướng nói sở dĩ tăng trưởng tín dụng bất động sản có sự đột biến là do các năm trước thống kê dư nợ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản riêng, hai là tín dụng tiêu dùng cho nhu cầu nhà ở riêng. Năm nay cộng gộp để không chủ quan.

Mặt khác là anh nào kinh doanh bất động sản mà có số dư nợ tín dụng 5.000 tỷ thì Thống đốc 3 tháng báo cáo Chính phủ một lần và phải chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Dự nợ lớn thế mà chỉ cần một anh đổ vỡ là có chuyện nên phải kiểm soát chặt, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Xác nhận dư nợ tín dụng bất động sản cỡ khoảng 1,5 triệu tỷ (trong khoảng 7,85 triệu tỷ đồng) đại biểu nêu là chính xác, tuy nhiên Phó thủ tướng lưu ý là số dư nợ cho kinh doanh bất động sản thì chỉ có 32,7% trong 1,5 triệu tỷ đó.

Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, Phó thủ tướng tái khẳng định. 

Nguyễn Vũ - vneconomy.vn