Cổ trà trên đỉnh Hoàng Liên
Ẩn mình trên đỉnh Hoàng Liên Sơn trầm mặc ở độ cao trên dưới 2.500 mét so với mặt nước biển có những rừng chè cổ thụ ngàn năm tuổi lặng lẽ sinh sôi, lẫn trong sương mờ bảng lảng suốt cả ngàn năm không ai lui tới, cũng không ai biết rừng chè đó từ đâu mà có và có từ bao giờ.

tả liên sơn

Đỉnh Tả Liên Sơn quanh năm mây phủ nơi có những rừng chè cổ thụ ngàn năm

Mãi đến năm 2000, một vị lương y lặn lội vào rừng hái thuốc mới tình cờ phát hiện ra rừng chè cổ thụ này. Rừng chè nguyên sơ, cây chè như những cây rừng, chưa bao giờ có người thu hái, chăm sóc nên chúng cao chót vót, rễ bám trên đá, ngọn chìm trong mây, chắt lọc những tinh hoa thuần khiết nhất của đất trời mà lớn lên.


Ở độ cao này, môi trường khắc nghiệt, giá lạnh thấu xương, mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng, cây chè phải nhọc nhằn hút dinh dưỡng từ đá, do đó, lớn rất chậm. Theo tính toán của các nhà khoa học Nhật Bản, ở độ cao hơn hai ngàn mét so với mặt nước biển, mỗi năm đường kính thân cây chè chỉ lớn thêm được 1mm. Với những cây chè cổ thụ thì tốc độ lớn còn chậm hơn nhiều. Chính vì thế, một cây chè bằng bắp chân, có thể có tuổi đời hàng trăm năm, còn cây một người ôm không xuể, tuổi có thể đã ngàn năm. Chúng sống như thể hóa thạch giữa rừng già, trường tồn và thách thức thời gian. Chúng là những cây chè quý hiếm, độc đáo và lớn nhất thế giới mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho Việt Nam.

Người đi rừng chỉ phát hiện ra rừng chè cổ thụ khi tình cờ thấy những nụ hoa chè rụng trên thảm mục

Khi thông tin về rừng chè cổ thụ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cũng rất ít người có thể đặt chân đến những khu rừng chè này vì đường đi quá khó khăn. Nhưng điều đó cũng không cản bước được những người mê trà tìm đến để trực tiếp thưởng thức. Có du khách người Nhật đã bỏ dở chuyến chinh phục đỉnh Fansipan, hạ trại nơi này cả tuần chỉ để thưởng thức thứ trà mà theo ông là ngon nhất thế giới, không nơi nào có được.

Chúng ta cứ tưởng tượng, rừng chè ấy đã sinh trưởng vạn năm lẫn trong mây xanh, những cây chè đã tích tụ dưỡng chất suốt cả trăm, thậm chí cả ngàn năm, thì chúng sẽ cho ra vị trà tinh túy như thế nào? Có lẽ, hương của trời, vị của đất đã thấm đẫm trong những lá chè đó.

Thân cây chè bạc phếch và rêu mốc, rất khó nhận ra giữa rừng già
 

Trà xanh của Việt Nam thường có vị đắng chát, màu và mùi đều khá đậm, hơi khó uống, còn giống trà này uống không bị chát mà lại thanh nhẹ, màu nước xanh rất lợt, nhưng khi uống thì vị đậm đà, ngọt thanh cứ nấn ná mãi nơi cuống họng. Nhấp một ngụm nước trà Bạch Long, ngậm một chút trong miệng rồi mới nuốt, cảm thấy vị trà thấm vào từng tế bào, sảng khoái và tỉnh táo đến khó tả.

Dù chưa có nghiên cứu và khảo sát cụ thể về vùng chè cổ thụ trong dãy Hoàng Liên Sơn nhưng có thể khẳng định rằng đây là một nguồn chè quý, xứng đáng được bảo vệ và khai thác một cách khoa học.

Viết Cương