- Tại buổi họp báo hôm nay (15/4), ông Ngô Văn Cao, Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối văn
hóa xã hội khẳng định, kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về sai phạm
của Trường ĐH Luật TP.HCM là đúng quy định.
Ông Cao cho biết, thực hiện kế hoạch thanh tra 2014, TTCP đã thành lập đoàn thanh tra, thực hiện nghị định 43 của Chính phủ tại Bộ GD-ĐT và 5 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
TTCP cũng đã có kết luận gửi Thủ tướng, công khai kết luận ở Bộ GD-ĐT và ngày hôm nay sẽ công khai ở 5 đơn vị.
Kết luận của TTCP tại Trường ĐH Luật TP.HCM có 2 nội dung chính. Thứ nhất, các học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện làm luận văn tốt nghiệp, vi phạm điều kiện công nhận tốt nghiệp, quy định tại Quy chế đào tạo thạc sĩ kèm theo quyết định 45 của Bộ GD-ĐT. Thứ hai, một số học viên không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.
Vụ trưởng Vụ 3 Ngô Văn Cao. Ảnh: Báo Thanh tra |
Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, các lớp liên kết đào tạo của trường với các đối tác liên kết nước ngoài đều thực hiện quyết định cho phép của Bộ GD-ĐT thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 73/2012 của Chính phủ và Điều 8 Nghị định 73 của Chính phủ. Việc kiểm tra đánh giá chương trình môn học, modun được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu cấp theo văn bản của nước ngoài thì cấp theo văn bằng của nước ngoài.
Còn tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra của các học viên theo học các lớp liên kết đào tạo tại trường là do trường ĐH nước ngoài kiểm tra đánh giá chấp nhận vì đây là các lớp đào tạo do nước ngoài cấp bằng. Thi tuyển đầu vào mỗi khóa nhà trường đều phối hợp với các trường đối tác xét tuyển hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp về trình độ ngoại ngữ với người đăng ký, kể cả người có bằng. Sau đó phía đối tác sẽ xác nhận danh sách đủ điều kiện đào tạo chương trình với bộ phận quản lý của trường.
Theo ông Cao, đoàn thanh tra đã làm việc với nhà trường
Với nội dung không làm luận văn, đoàn đã căn cứ vào quyết định số 344/2011 của Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Luật TP.HCM và ĐH ở Pháp cùng nhóm đối tác thực hiện chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật chuyên ngành tư pháp quốc tế để so sánh. Học viên được tuyển, trúng tuyển khóa 1 năm 2011 là 17 học viên, khóa 2 tháng 6/2011 là 10 học viên, khóa 3 tháng 6/2012 là 7 học viên.
Năm 2012, Bộ GD-ĐT có văn bản cho phép ĐH Luật TP.HCM và trường ĐH Tây Anh Quốc thực hiện chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật. Số học viên trúng tuyến tháng 6/2011 có 2 học viên, tháng 9/2012 có 1 học viên.
"Chúng tôi cho rằng việc Trường ĐH Luật TP.HCM áp dụng khoản 1 điều 8 Nghị định 73 năm 2012 có hiệu lực từ ngày 15/1/2012 để cho rằng các học viên không cần làm luận văn bảo vệ tốt nghiệp là không có cơ sở", ông Cao nhấn mạnh.
Ông giải thích, thời điểm Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện liên kết đào tạo, tiến hành tuyển sinh đào tạo thì Nghị định 73 chưa được ban hành. Việc tuyển sinh nêu trên ngoài tuân thủ quy định thông tư 15 hướng dẫn Nghị̣ định 18/2011 và hoạt động các cơ sở văn hóa giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, quyết định 45 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ, thông tư 10/2011 của Bộ GD-ĐT về đào tạo thạc sĩ đều vi phạm.
Qua kiểm tra cho thấy, tại thời điểm các học viên chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật đều không thực hiện làm luận văn tốt nghiệp, trường không cung cấp được sổ lên lớp thể hiện số giảng viên lên lớp, theo quy định phải có sổ theo dõi.
Ngoài ra, một lớp đào tạo thạc sĩ phải thực hiện 60 tín chỉ, nhưng khi thanh tra yêu cầu cung cấp thì trường không cung cấp, chứng minh được giáo sư nước ngoài nào giảng dạy, giáo sư nào của Việt Nam giảng dạy, hoặc 60 tín chỉ đó đủ hay không.
Thêm nữa, bản lưu luận văn tốt nghiệp cũng không lưu được, bản đăng ký đề tài phân công hướng dẫn luận văn, biên bản chấm điểm của hội đồng bảo vệ luận văn đối với học viên của trường ĐH Tây Anh Quốc cũng không cung cấp được. Hay cũng không chứng minh được việc thu tiền học viên rồi giảng dạy có đảm bảo chất lượng hay không.
Ông Cao chỉ ra "Việc học viên không làm luận văn vẫn được tốt nghiệp vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT. Quy định đã đào tạo thạc sĩ phải đạt yêu cầu và Thông tư 10 của Bộ GD-ĐT cũng quy định như vậy".
Tiếp theo, trước ý kiến của nhà trường về không đạt yêu cầu ngoại ngữ có 6 trường hợp, nhà trường nói không có bằng nhưng phỏng vấn được thì vẫn được, ông Cao so sánh "việc không có chứng chỉ ngoại ngữ cũng như không có bằng lái xe".
"Chúng tôi cho rằng không đúng, chẳng khác gì anh biết lái ô tô, nói tôi biết lái xe tôi không cần bằng, ra đường công an tuýt còi ngay. Hay nói tôi có bằng cứ thế đi lái xe, khối anh ở đây có bằng nhưng không dám lái xe ra đường" và ông khẳng định "kết luận của TTCP là đúng quy định".
Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cũng cho biết thêm, có 2 vấn đề liên quan đến trình độ ngoại ngữ, trong quyết định của Bộ̣ GD-ĐT dùng liên từ “và”, tức là phải thỏa mãn đồng thời như tiếng Pháp B1 và phải thỏa mãn chương trình đào tạo đó.
Theo quy định đào tạo thạc sĩ trong nước phải có luận văn tốt nghiệp, nhưng ở nước ngoài lại có 2 loại: thạc sĩ nghiên cứu bắt buộc có luận văn; loại 2 là thạc sĩ nghề và thạc sĩ thực hành thì lại không bắt buộc làm luận văn mà chỉ làm báo cáo tốt nghiệp.
Ông Lượng cho rằng, "việc chưa tương thích pháp luật VN" nằm ở điều này và yêu cầu đặt ra là cần phải xử lý như nào.
"Chúng tôi đã kiến nghị̣ với Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT - với tư cách quản lý nhà nước về lĩnh vực này - xem xét công nhận hay không công nhận bằng đó, vừa đảm bảo quyền lợi của người học và kỷ cương pháp luật", ông Lượng cho biết.
Hồng Nhì