- Từ đúc rút sau nhiều năm đứng lớp, nhà giáo Hương Giang đã có góc nhìn khác
từ việc “nhà trường chạy đua” “giáo viên chạy đua”…tìm kiếm danh hiệu. Dù góc
khuất bài báo đề cập chưa phản ánh diện rộng nhưng cũng là thực tế đáng suy ngẫm.
Các cuộc thi được tổ chức cho học sinh ở cấp tiểu học, phần lớn do thầy cô giáo làm và mang tên học sinh. Bạn không tin ư? Nhưng rất tiếc đó lại là sự thật.
Trước đây, còn thi violympic Toán, tiếng Anh, để hỗ trợ học sinh qua các vòng thi có điều kiện dự thi cấp thị, cấp tỉnh…giáo viên thường giúp các em giải qua vòng. Ở các trường chuẩn Quốc gia, bắt buộc phải có học sinh đạt giải trong các phong trào mũi nhọn. Số lượng học sinh đạt giải càng nhiều, vị thế của thầy cô, tiếng tăm của nhà trường càng lớn. Vì thế, các giáo viên càng phải quyết tâm trong cuộc “chạy đua” tìm kiếm danh hiệu cho các em.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Năm học này, một số cuộc thi kiến thức đã bỏ. Thầy cô như trút được gánh nặng “thi hộ” trên vai.
Nhưng gần đây nhất lại rầm rộ phát động cuộc thi Giao thông thông minh trên mạng. Với 30 câu hỏi về luật giao thông, mức xử phạt, các tình huống ứng xử giao thông đưa ra. Nhiều giáo viên vào giải cũng trầy trật mãi mới qua vòng nói gì đến học sinh đang ở độ tuổi 7,8?
Có trường phát động cả học sinh lớp 2, 3…tham dự. Giáo viên về lớp chọn và lập danh sách học sinh dự thi, khuyến khích các em về nhà giải. Nhưng nhiều em không thể giải qua vòng vì quá khó. Ở trường, do không có thời gian, máy móc hạn chế, khó khăn cho việc hướng dẫn, giúp đỡ để các em làm bài. Phần lớn thầy cô về nhà giải giúp, tới vòng dự thi, các em sẽ đàng hoàng bước vào phòng dự thi một cách bình thường.
Thi hộ học sinh về kiến thức Toán học, Anh văn, Giao thông thông minh coi bộ còn khỏe hơn nhiều việc làm mô hình tham dự “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng” do trường, phòng giáo dục và tỉnh tổ chức.
Nói là của thanh thiếu niên nhưng thực chất đây là cuộc đua của phụ huynh và thầy cô giáo ở các lớp.
Ngay từ đầu năm học, giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp 4, 5 lại lo lắng cuối năm phải “vắt óc” tìm đề tài để lớp mình tham gia “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng” tổ chức từ cấp trường, cấp thị và cấp tỉnh. Để có sản phẩm tham dự cấp thị, ở mỗi trường, thường quy định học sinh từ khối 4, 5 mỗi lớp phải dự thi ít nhất 2 đồ dùng.
Vì đã là chỉ tiêu các lớp không thể không thực hiện. Giáo viên phát động, triển khai trước lớp nhưng thời gian trôi qua cũng không thấy động tĩnh.
Có lớp may mắn hơn được phụ huynh nhiệt tình họ làm giúp thì thầy cô giáo khỏe. Lớp nào học sinh không biết làm, sợ không có cái để nộp dự thi, thầy cô đành tự mình mày mò làm hoặc thuê người làm hộ. Xong xuôi, thầy cô viết lời thuyết minh và giao cho vài nhóm đứng tên, học thuộc để các em lên thuyết trình dự thi.
Năm nào tổng kết cuộc thi các cấp cũng được báo cáo là thành công vì chỉ bằng những vật liệu phế phẩm, đơn giản, nhiều sản phẩm thể hiện tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao. Nhiều mô hình, giải pháp gắn với cuộc sống, thân thiện với môi trường như súng nhặt rác dũng cảm, hệ thống tưới cây cảnh tự nhiên đã ra đời…Nhưng trong vô số những sản phẩm đoạt giải ấy có mấy cái thật sự do chính các em học sinh suy nghĩ và làm ra?
Bản chất các cuộc thi không có tội, có chăng là ở cách tổ chức, cách làm của người lớn. Giá đừng có chỉ tiêu, đừng lo thi đua, đừng áp lực nhiều về việc phải có giải…ai thật sự có kiến thức, có lòng đam mê, chính họ sẽ nhiệt tình tham gia mà không cần thầy cô phải gồng mình làm như hiện nay.
Hương Giang