Để gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường được đánh giá là còn chưa thực sự lành mạnh, kém hiệu quả, cần phải “gỡ” nhiều nút thắt, trong đó quan trọng là thể chế.
Thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 30 năm qua, Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Trong đó, khu vực DNNN đã có sự thu hẹp vai trò của mình trong nền kinh tế, mở cửa rộng hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nền kinh tế. Đồng thời, chuyển từ nền ngân sách mềm sang ngân sách cứng và kỷ luật thị trường, trách nhiệm giải trình. Tức là chuyển nền kinh tế luôn thiếu hụt sang nền kinh tế dư thừa, có thất nghiệp, có biến động....
Một nguyên tắc của quá trình chuyển đổi đó, theo TS Cung, là sự kết hợp giữa nhà nước và thị trường. “Nhà nước ít quá cũng không được, nhiều quá cũng không ổn. Mà nó phải là sự kết hợp hợp lý giữa nhà nước và thị trường, đây là 2 yếu tố phải cộng sinh, bổ sung nhau trong nền kinh tế thị trường”.
Muốn thế, theo ông Cung, “Nhà nước không được đứng ngoài thị trường mà phải đứng cùng thị trường. Việt Nam rất cần có sự thay đổi tư duy về vấn đề này. Sự thay đổi trước hết trong phân bổ nguồn lực”.
Tuy nhiên, trong thực tế, theo ông Cung, gần đây, chỉ số tự do kinh tế (đo lường mức độ thị trường trong nền kinh tế) ở Việt Nam không được cải thiện, thậm chí dường như không đổi mấy năm gầy đây. Dù năm 2014-2015 đã có sự cải cách thể chế, luật lệ tạo sự khác biệt so nhiều năm trước, nhưng chưa nhiều. Mức độ thị trường trong nền kinh tế của Việt nam còn khoảng cách xa so với các nước khác có nền kinh tế thị trường.
Theo quy luật bình thường, mức độ kinh tế thị trường càng cao thì thu nhập bình quân đầu người của quốc gia càng tăng lên. Điều này đã được chứng minh ở nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Một chỉ số khác nữa đánh giá nền kinh tế thị trường là mức độ quản trị quốc gia. Ở Việt Nam, “chỉ số này tương đối thấp”- ông Cung đánh giá. Trong khi đó, mức độ quản trị quốc gia càng hiệu lực thì thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên.
Với một quốc gia, “chỉ số quản trị quốc gia và tự do kinh tế càng cao thì càng dễ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Cung cho biết.
Cùng với đó, TS Cung cho hay, thể chế môi trường kinh doanh là một yếu tố đặc biệt quan trọng chi phối tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Về sở hữu, trong thực tế Việt Nam, có sự chuyển đổi từ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu. Nhưng còn nhiều quyền sở hữu chưa được xác lập rõ ràng, chủ sở hữu chưa rõ ràng. Chẳng hạn như về sở hữu đất đai. Không phải mọi tài sản đều có chủ sở hữu rõ ràng.
Một lưu ý của ông Cung là, “về pháp lý, khái niệm sở hữu toàn dân không phải là chủ thể để thực thi quyền sở hữu riêng biệt của nó. Một phần đáng kể tài sản, chẳng hạn như đất đai, rất khó chuyển quyền sở hữu. Do đó, việc chuyển đổi sở hữu ở Việt Nam chưa thực sự hoàn thành”.
Hàng ngàn điều kiện kinh doanh ban hành trái luật
Bên cạnh đó, về chỉ số gia nhập thị trường thì ở Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc. Những năm 1990-2014 có đột phá gần như đạt đến sự tự do kinh doanh cho doanh nghiệp tham gia thị trường, cho dù có nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng đã giảm chi phí, tăng chủ động cho doanh nghiệp, tăng mức độ an toàn trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhưng vấn đề ở chỗ, theo ông Cung, “Việt Nam có 267 ngành nghề có điều kiện kinh doanh, nhưng chưa xử lý được điều kiện kinh doanh, mới chỉ mang tính liệt kê mà chưa minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả….”.
Một điểm nữa được ông Cung đặc biệt lưu ý là, ở nước ta còn rất nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo… thể hiện sự can thiệp hành chính của các cấp vào hoạt động kinh doanh. Thực tế, trong hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì có tới cả hàng ngàn điều kiện ban hành trái quy định của pháp luật. Chẳng hạn, ban hành bởi các thông tư thuộc cấp bộ, thậm chí có cả điều kiện do cấp huyện ban hành, trong khi theo luật, Chính phủ mới được quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
Do đó, muốn có nền kinh tế thị trường lành mạnh, theo ông Cung, từ 1/7/2015, những điều kiện kinh doanh trái luật này phải bị vô hiệu. Vì các điều kiện đó đang làm cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường, làm thui chột sáng tạo trong kinh doanh. “Vì ai làm không đúng điều kiện đã được áp đặt ra thì bị coi là không phù hợp pháp luật, sẽ không được làm, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí phạt tù. Trong khi đó, các điều kiện này chưa chắc đã đúng luật”- ông Cung nhấn mạnh.
Chính thực tế của điều kiện kinh doanh như thế đang làm thị trường méo mó, cung - cầu méo mó, không tạo được cân bằng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, méo mó cả phân bổ nguồn lực. Từ đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế giảm. Do đó, “khó có thể nói ta có nền kinh tế thị trường lành mạnh”.
Nói một cách hình ảnh, ông Cung đề nghị “những điều kiện kinh doanh đang như mạng nhện dây điện chằng chịt cần phải đập bỏ, không thể tháo gỡ từng dây được. Nếu không ai đứng ra dỡ bỏ các rào cản này nhiều người sẽ không thể đi đến tận cùng mục tiêu kinh doanh của mình”.
Nhà nước đang ôm quá nhiều việc
Một hạn chế nữa trong nền kinh tế từ góc nhìn môi trường kinh doanh, ông Cung chỉ ra là: Giao dịch thị trường lẽ ra phải công bằng, lành mạnh và có cạnh tranh. Nhưng ở Việt Nam giao dịch này tuy tự do nhưng chưa thực sự công bằng giữa các bên. Thị trường chưa phải yếu tố quyết định giao dịch. Tình trạng độc quyền, thống lĩnh thị trường đang phổ biến; hàng giả, hàng nhái còn phổ biến. Nó làm giảm niềm tin giữa các bên trong giao dịch.
Không những thế, theo ông Cung, vai trò Nhà nước còn như đứng ngoài, đứng trên thị trường mà chưa đứng cùng thị trường. Khối Nhà nước còn đang chèn lấn khối tư nhân. Nhà nước còn ôm đồm nhiều việc, thiếu tính chuyên nghiệp, kém hiệu quả. “Luật lệ thì đầy đủ nhưng xu hướng áp dụng luật là ít, mà áp dụng thông tư nhiều. Đây là hành động rất cần thay đổi, vì luật mới là công cụ quản lý cao nhất của nhà nước chứ không phải công văn hành chính hằng ngày”- ông Cung nói.
“Nhà cần làm đúng việc là trọng tài để đôi bên dân sự thiết lập quan hệ theo ý chí, nguyện vọng của họ”- ông Cung đề nghị.
Về giải pháp khắc phục các hạn chế, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh: “Hành động nhiều khi bị chi phối bởi tư duy. Cho nên, muốn hành động trước hết phải thay đổi tư duy. Hành động đầu tiên, là Nhà nước cần bớt làm nhiều thứ, trong đó bớt làm Thông tư. Kể cả muốn thay đổi thông tư cũng cần cân nhắc, khảo sát xem nó tác động tới doanh nghiệp như thế nào rồi mới điều chỉnh, đừng chỉ làm vì quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước”. Muốn thế, “vai trò các Bộ rất quan trọng, nhưng Bộ trưởng chính là người chịu trách nhiệm thực thi việc này. Sai hay đúng thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, không nói chung chung nữa”./.