Tiền lương đã được trả đúng, trả đủ?
Chúng ta chưa làm được tiền lương cho ra tiền lương. Nhưng nếu làm đúng rồi mà giữ nguyên bộ máy thì tiền hết nhiều quá.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động, mức tăng 14,3% lương tối thiểu vùng năm 2015, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới đáp ứng được 78 – 83%).

Người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực tư nhân và FDI được hưởng lợi khi điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Tiền lương cơ bản tăng giúp họ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động. Tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Vì trên thực tế nhiều doanh nghiệp FDI trả lương theo thời gian, chỉ trả lương cho người lao động theo hợp đồng cao hơn khoảng 10 – 12% lương tối thiểu vùng.

Tiền lương luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động

Tiền lương luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động

Năm nay, câu chuyện lương lại bắt đầu “nóng” khi Hội đồng lương quốc gia chuẩn bị họp cho việc tăng lương năm 2016. Xung quanh cách tính lương hiện nay, theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Giá trị lao động người lao động mang lại theo đúng yêu cầu của công việc với giá trị phải trả cho yêu cầu công việc đó phải tương ứng. “Nói như vậy để thấy rằng, hiện nay mình đang xác định tiền lương không đúng. Vì nó không đáp ứng được cuộc sống. Còn việc lựa chọn con người để làm việc trong những tổ chức ấy là chuyện khác. Không đảm bảo chất lượng công việc thì phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Chúng ta đang lẫn lộn trong việc xác định chế độ cho phù hợp với năng lực thực hiện. Đây là hai chuyện khác nhau”.

Với quan điểm như vậy, theo ông Đặng Như Lợi, nếu bàn chế độ thì từ trước tới nay chúng ta chưa làm được tiền lương cho ra tiền lương. Nhưng nếu làm đúng rồi mà giữ nguyên bộ máy thì tiền hết nhiều quá. Vì số người đáp ứng được công việc chỉ được một nửa, một nửa không đáp ứng được.

Là người nghiên cứu kỹ về tiền lương ở Việt Nam, ông Đặng Như Lợi nhớ lại: Từ khi cải cách tiền lương được trình ra năm 1991, chúng tôi đã khảo sát và báo cáo, nước ta có 1/3 công chức làm việc tốt với trách nhiệm, năng lực và cũng là chủ chốt hiện nay; 1/3 thì chỉ đâu đánh đó; 1/3 thì không làm được gì. Cái này do lịch sử để lại nên không thể giải quyết được. Có những người tốt thì rất tốt nhưng năng lực không có. Loanh quanh mãi đến bây giờ vẫn không xử lý dứt điểm được câu chuyện này”.

Theo ông Lợi, từ năm 1991, những người làm công tác tiền lương đã đề xuất lương sản xuất phải do DN quyết định, DN xây dựng thang bảng lương, đăng ký và cơ quan quản lý chỉ kiểm tra việc họ đăng ký, nếu sai thì xử lý.

Tại sao lại như vậy? Thứ nhất, toàn bộ chi phí sản xuất gồm có chi phí vật chất chiếm đến hơn 80%, vậy thì ai quản lý, định mức nào, chi phí ra sao? Chúng ta chỉ quản lý bằng cơ chế tài chính là gì, chứng từ có hợp lệ hay không. Còn nội dung chưa hợp lệ thì ai kiểm soát? Cái không hợp lệ này chiếm bao nhiêu phần trăm và rơi vào túi ai? Nhà nước không quản lý vì giao quyền tự chủ cho người quản lý rồi, đó là đội ngũ giám đốc. Mình thực hiện theo hình thức tín chấp, đó là bổ nhiệm người làm giám đốc phải là đảng viên. Còn tiền lương chỉ là 6% thôi, còn lại là lợi nhuận và các chi phí vật chất chiếm 80%.

Thứ hai, không có ông Giám đốc nào được hưởng tiền lương rõ cao. Người ta chỉ “ăn” ở chỗ khác chứ không thể trả lương người khác 2 triệu, còn lãnh đạo 100 triệu/tháng. Lãnh đạo có 10 triệu thì công nhân phải được 1,5 triệu. Có nghĩa là các lao động trong DN sẽ tự kiểm soát chuyện đó.

Một bất cập nữa được ông Đặng Như Lợi chỉ ra là trong sản xuất kinh doanh, trong cùng 1 ngành nghề, cùng một sản phẩm thì có thể sử dụng các loại công nghệ khác nhau, tổ chức quản lý lao động khác nhau, năng suất và hiệu quả khác nhau vậy thì tại sao cứ lương cùng một ngành nghề thì phải chung một thang bảng lương, cùng một tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật?

“Từ thực tế này, tôi đã đề nghị bỏ thang bảng lương từ năm 1991 chứ không phải chờ đến tháng 5/2013 mới bỏ. Đến bây giờ vẫn chưa bỏ được, vẫn sử dụng thang bảng lương theo hệ số của Nhà nước để xử lý” – ông Lợi nói.
Còn khu vực hưởng lương từ ngân sách, theo ông Đặng Như Lợi, cũng nhiều vấn đề. Làm lương tại chức vẫn phải tính đến người về hưu, người có công. “Theo tôi, khu vực chi từ ngân sách phải phân biệt đối tượng ra. Đối tượng nào điều chỉnh theo thang bảng lương, đối tượng nào thì không” – ông Lợi nói.

Ngoài ra, mức sống tối thiểu hiện nay vẫn lấy mức lương tối thiểu làm chuẩn. Thành ra, khi điều chỉnh thì các thứ khác lên theo hàng loạt, trong khi mức xác định lại không chính xác. Cụ thể như năm 2015, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia, tiền thuê nhà được tính bình quân một người là 80.000 đồng/tháng. Mức tiền thuê nhà tính trong tiền lương như vậy là rất thấp, không phản ánh đúng thực tế hiện nay, khoảng 600.000 - 800.000 đồng/gia đình/tháng.

Chính vì thế, Tổng LĐ Lao động Việt Nam đề nghị: “Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Theo VOV.VN