Nhờ sử dụng kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, các nhà khoa học phát hiện hành tinh đá gần nhất bên ngoài Hệ Mặt Trời, cách chúng ta 21 năm ánh sáng. Nó có kích thước lớn hơn Trái Đất và được đặt tên là HD 219134b.
Quỹ đạo của HD 219134b quá gần so với ngôi sao mẹ để duy trì sự sống. Chúng ta không thể quan sát HD 219134b trực tiếp bằng kính thiên văn. Tuy nhiên, ngôi sao mà nó quay xung quanh có thể nhìn thấy bằng mắt thường vào ban đêm, tại vị trí chòm sao Thiên Hậu, gần sao Bắc Đẩu.
HD 219134b cũng là hành tinh gần Trái Đất nhất được phát hiện bằng phương pháp đo ánh sáng. Khi hành tinh di chuyển qua phía trước ngôi sao mẹ, nó sẽ ngăn chặn một phần ánh sáng của ngôi sao này. Kính thiên văn quan sát những thay đổi nhỏ trong độ sáng của ngôi sao để phát hiện ra hành tinh mới.
"Hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời nói trên sẽ là một trong những thứ được nghiên cứu nhiều nhất trong vài thập kỷ tới," NASA hôm 30/7 dẫn lời Michael Werner thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) ở Pasadena, California (Mỹ), nói.
Các nhà khoa học lần đầu tiên ghi nhận HD 219134b nhờ thiết bị HARPS-North trên Kính Thiên văn Quốc gia Galileo, tại quần đảo Canary, Italia. HARPS-North sử dụng phương pháp "kỹ thuật vận tốc xuyên tâm", theo đó có thể tính toán khối lượng và quỹ đạo hành tinh dựa trên lực kéo trọng trường mà nó tác động lên ngôi sao mẹ. Đây cũng là chủ đề của một nghiên cứu công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
Những phép đo hồng ngoại của Kính viễn vọng không gian Spitzer cho thấy, HD 219134b là một hành tinh đá có kích thước gấp 1,6 lần so với Trái Đất, với tỷ trọng 6 g/cm3.
Các hành tinh đá lớn hơn Trái Đất như HD 219134b còn được gọi là siêu Trái Đất. Con người ngày càng phát hiện thấy chúng nhiều hơn trong vũ trụ.
"Nhờ sứ mệnh Kepler của NASA, chúng ta biết siêu Trái Đất xuất hiện ở khắp nơi trong thiên hà, nhưng lại biết rất ít về chúng. Bây giờ chúng ta có một hành tinh mẫu để nghiên cứu chi tiết hơn", Michael Gillon thuộc Đại học Liege, Bỉ, nói.
Lê Hùng