Nghệ sĩ ưu tú Mý Thu - Ảnh do nghệ sĩ cung cấp
Khi chị theo đuổi đam mê, tham gia sân khấu cải lương chuyên nghiệp, mặc dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng mẹ chị lại rất ủng hộ chị. Bà là một fan trung thành, tận tuỵ nhất, luôn sát cánh ủng hộ con đường sự nghiệp của cô con cái út. Đó là sự động viên lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của chị.
Chị đã từng phục vụ tại rất nhiều đoàn nghệ thuật như đoàn Kim Dung, Võ Thị Sáu, Trần Hữu Trang, Văn Công Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cải lương Long An … ở bất cứ đoàn nào chị cũng cống hiến hết mình và có những đóng góp nhất định cho những thành công của đoàn, có công rất lớn trong việc đào tạo ra đội ngũ diễn viên kế cận cho nghệ thuật cải lương.
Năm 1993, chị đoạt huy chương vàng giải thưởng Trần Hữu Trang, tiếp trong nhiều năm sau đó, chị thường xuyên có mặt tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đạt huy chương vàng vào các năm 1995, 2002, 2005. Năm 1985, chị đã từng có mặt tại các điểm nóng, tham gia biểu diễn phục vụ các chiến sĩ nơi biên giới trong thời gian chiến tranh biên giới, biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, và tham gia giảng dạy, đạo diễn cũng như dàn dựng nhiều vở cải lương được khán giả yêu thích. Ghi nhận những thành công và đóng góp của chị cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp, năm 2007, chị đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đây là niềm vinh dự cho bản thân và gia đình, đồng thời cũng là động lực để chị tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật cải lương.
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Thu trong vở Tây Thi - Ngô Phù Sai
Trước thực trạng các môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương bị nhiều loại hình giải trí mới lấn át, là người nghệ sĩ, chị không khỏi có những phút giây trăn trở, chạnh lòng. Nhưng chị cũng cảm thấy có phần nào đó được an ủi khi những thế hệ các em sau này tham gia nghệ thuật cải lương vẫn rất đam mê và công chúng - không chỉ công chúng trong Nam là cái nôi của nghệ thuật cải lương mà cả công chúng ngoài Bắc cũng rất yêu mến bộ môn nghệ thuật này, như vậy có nghĩa là cải lương vẫn còn “đất sống”. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng thì chỉ sự yêu nghề của người nghệ sĩ thôi thì chưa đủ, mà còn phải có sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành văn hoá để người nghệ sĩ cải lương có thể sống được bằng nghề và bộ môn nghệ thuật này không bị mai một đi theo năm tháng.
Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, chị dần rút khỏi sân khấu chuyên nghiệp, nhường chỗ cho thế hệ đàn em có cơ hội được cọ sát, thử sức mình. Chị chuyển dần sang công tác giảng dạy và tham gia biểu diễn từ thiện tại các chùa, phục vụ bà con nghèo không có điều kiện đến các sân khấu chuyên nghiệp. Ở những nơi đó khán giả vẫn nhận ra và yêu mến chị như thuở nào.
Giờ đây, không còn phải lo cơm áo gạo tiền, cũng không vướng bận chuyện gia đình nên niềm vui chính của chị chính là được tiếp tục phục vụ khán giả và đi làm từ thiện. Hễ chùa nào tổ chức các buổi văn nghệ phục vụ cho phật tử là chị sắp xếp tham gia. Dự các hoạt động phật sự cũng là cách để chị luôn nhớ về người mẹ hiền của mình. Bà chính là người đầu tiên đưa chị đến với phật pháp, răn dạy chị phải sống tốt và biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, nương tựa tam bảo để được an lạc và hạnh phúc.
Luôn đồng hành với chị trong các hoạt động là người bạn vong niên Thuý Bích. Chị Bích là người được đào tạo bài bản về sân khấu nhưng hoàn cảnh gia đình, sau 1975 chị không có điều kiện gắn bó với nghề, bây giờ, khi kinh tế ổn định, nhớ nghề, chị cùng NSƯT Mỹ Thu phối hợp dàn dựng một số vở cải lương như Thoát Vòng Tục Luỵ, Về Nguồn … và luôn sát cánh với chị Mỹ Thu trong tất cả các chuyến từ thiện.
Cả cuộc đời gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật cải lương, cũng có được những thành công nhất định, chị chẳng đòi hỏi gì nữa cho riêng mình, chỉ nguyện làm một nốt trầm xao xuyến giữa muôn vàn thanh âm trong trẻo của nền nghệ thuật cải lương nước nhà.
Viết Cương