Điểm nổi bật của chùa Phước Long chính là kiến trúc gỗ được chế tác vô cùng tỉ mĩ. Chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ, điển hình như Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn và nhiều tượng Phật bằng gỗ quý khác. Tất cả các tượng trên đều được những nghệ nhân nổi tiếng đến từ Thừa Thiên Huế chế tác. Chùa Phước Long còn thờ tượng 18 vị La Hán bằng gỗ theo đúng hình tượng của đất Phật Tây Phương. Toàn bộ kiến trúc, tượng phật của chùa được điêu khắc trong hơn 5 năm từ những thước gỗ tốt nhất mà nhà chùa bỏ công tìm kiếm.
Ngoài các tượng phật được chế tác bằng gỗ, hầu như các vật dụng, bàn ghế, bảo tháp, tủ thờ, chân đèn dầu, lư …trong chùa cũng đều bằng gỗ. Nhiều nhất có thể kể đến các bộ bàn gỗ được điêu khắc tinh xảo, vừa sang trọng lại vô cùng phù hợp với không giãn tĩnh tại của khuôn viên chùa. Không ngoa khi nói rằng du khách như đang bước đi giữa một cung điện xưa của thời vua chúa nào đó.
Chùa Phước Long khá rộng, mỗi gian thờ mang một phong cách khác nhau. Ví như ở tầng 1, phong cách sơn son thếp vàng hiện hữu rõ trên các pho tượng, nhất là 2 dãy tượng vàng thờ các vị quan đối xứng nhau. Hai dãy tượng này cũng đồng thời xuất hiện ở các gian thờ khác. Một vị hộ pháp, những cây đèn dầu cách điệu và các cặp chân đèn bằng gỗ đều có ở tất cả các gian thờ, bàn thờ. Không chỉ là một “bảo tàng gỗ” độc đáo, du khách còn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập xe cỗ, gốm sứ qua các thời kỳ…cũng như rất nhiều các vật dụng có giá trị lịch sử được nhà chùa sưu tầm, trưng bày.
Từ trên cao nhìn xuống, khuôn viên chùa tựa như bồng lai tiên cảnh nơi cõi phật. Một không gian vô cùng tĩnh lặng xen lẫn trong tiếng ngân của chuông chùa. Những hàng cây xanh ngát thấp thoáng trên mái đình cổ nhẹ nhàng, huyền dịu. Xa ra chút nữa là cảnh sông nước vây quanh, hoàn toàn ở một nơi tách biệt, không ồn ào vội vã mà phiêu bồng, lướt đi trong gió.
Nhắc đến tượng Phật chùa Phước Long, chắc chắn không thể không kể đến tượng phật nằm dài 15m, được coi là lớn nhất cả nước. Phật nằm uy nghi, oai vệ - mang một nét linh thiêng tượng trưng cho sự an bình, thịnh vượng, chào đón du khách hành hương gần xa tới thăm quan, bái Phật.
Chính vì những nét uy nghi, linh thiêng đó, Chùa Phước Long được nhiều phật tử và du khách gần xa chọn làm nơi gửi gắm những ước vọng, cầu sức khỏe, cầu tài lộc, cầu tình duyên, sự bình an…Cũng có người tìm đến chùa Phước Long đơn giản chỉ để tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống xô bồ, vứt bỏ đi những lo toan, sân si để lòng được thanh thản, nhẹ nhàng hơn.
Bằng những nét độc đáo riêng không giống bất cứ ngôi chùa nào trên địa bàn TPHCM, Chùa Phước Long dần trở thành nơi du lịch tâm linh của không ít du khách gần xa. Chùa còn được biết đến là nơi thường xuyên có nhiều công tác từ thiện thông qua sự phát tâm của chúng phật tử và sư thầy trụ trị Hòa Thượng Thích Nhật Phát. Thầy hiện là Ủy viên Ban Kinh tế - Tài chính THPG TP. HCM, Phó ban đại diện PG quận 9, Chủ nhiệm lớp sơ cấp Phật học quận 9, Ủy viên UBMTTQ quận 9, Ủy viên HCTĐ quận 9, Ủy viên Hội khuyến học quận 9… Thầy luôn dành phần lờn thời gian chăm lo cho các hoạt động từ thiện như: hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc quận 9, ủng hộ Hội khuyến học quận 9, trao học bổng cho học sinh nghèo và các tổ chức xã hội, góp quỹ xây dựng các nhà tình thương, ủng hộ quỹ của Hội phụ nữ. Ngoài ra, Thầy còn đại diện cho chùa Phước Long trao những quà tặng có ý nghĩa cho chương trình Nghĩa tình, học sinh nghèo vượt khó trong các dịp lễ Vu lan, rằm tháng 7 hay các dịp Tết Nguyên Đán hàng năm…với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Đường đến chùa Phước Long không khó, du khách có thể xuất phát từ ngã tư Thủ Đức, chạy đến hết đường Lê Văn Việt khoảng 2km, tiếp tục quẹo phải vào đường Nguyễn Văn Tăng. Tiếp đó, du khách sẽ được lênh đênh ngắm cảnh sông nước trước khi cập bến cù lao Bà Sang, hòa vào không gian linh thiêng của cảnh chùa.
Tạm gát lại mọi mệt mỏi của cuộc sống, mọi bon chen thị phi, chúng ta hãy thử một lần thả hồn mình theo làn khói êm ả cùng không gian tiên cảnh của chùa Phước Long. Chắc chắn, mọi muộn phiền sẽ tan biến, con người sẽ được là chính mình.
Kathy Nguyen