Tại sự kiện Kết nói doanh nhân - Nhà đầu tư lớn nhất do MOVE Việt Nam phối hợp cùng Adam Khoo Education và Summit Capital tổ chức cuối tuần qua, tỉ phú người Anh Richard Branson đã chia sẻ với 4.000 khán giả tại nhà thi đấu Quân khu 7 TPHCM.
Branson nói rằng trong kinh doanh, sẽ có một lúc nào đó chúng ta thấy rằng cần tạo sự khác biệt cho những điều quen thuộc, khi nhận ra điều đó chúng ta nên rời khỏi lối mòn và hãy nhanh chóng thay đổi.
Richard Branson sinh ngày 18/7/1950, là một doanh nhân và nhà đầu tư người Anh. Ông được cả thế giới biết đến là nhà sáng lập của Virgin Group, bao gồm 400 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề.
Năm 1970, ông thành lập một công ty bán băng đĩa nhạc và xây dựng nó trở thành một chuỗi các cửa hàng bán băng đĩa vào năm 1972, tên là Virgin Records, về sau đổi tên thành Virgin Megastores.
Thương hiệu Virgin của ông bùng nổ những năm 1980 khi ông thành lập hãng máy bay Virgin Atlantic, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh của Virgin Records. Theo tạp chí Forbes đánh giá, tài sản của ông khoảng 4,9 tỷ USD và là một trong 7 người giàu nhất nước Anh. Tháng 12/1999, Richard Branson được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ trong danh sách danh dự Thiên niên kỷ cho “sự phục vụ tận tụy vì tinh thần doanh nhân”
Đặc điểm của Branson là xây dựng công ty của mình qua sự tăng trưởng hữu cơ chứ không phải mua lại. Triết lý cá nhân Branson là: “Cuộc đời ngắn ngủi, người ta phải làm cái tốt nhất, cừ nhất. Do đó, nên làm những gì bạn muốn. Nếu như công việc và sở thích của bạn giống nhau, bạn sẽ làm việc được nhiều giờ hơn vì bạn có động cơ thúc đẩy”.
Một tính cách điển hình của Richard Branson là luôn luôn thử thách chính bản thân mình bằng việc không ngừng thiết lập những kỷ lục các nhân mới. Trong số đó bao gồm cả kỷ lục vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng tàu cao tốc và đi vòng quanh trái đất bằng khinh khí cầu. Gần đây, Richard, cùng với hai con của ông là Holly và Sam, cố gắng phá vỡ kỷ lục thế giới vượt Đại Tây Dương với tàu cao tốc.
Richard Branson cho biết sự nghiệp kinh doanh hàng không của ông đến từ sự khó chịu. "Lúc đó, tôi đã rất khó chịu vì không có cách nào đến được một hòn đảo nhỏ mà tôi rất thích nên mới quyết tâm mở ra một hãng hàng không để thực hiện việc này và giúp mình loại bỏ sự khó chịu ấy", ông nói.
Và theo Richard, hầu hết điều mà ông và các cộng sự của mình đã làm không phải chỉ nhằm mục đích kiếm nhiều tiền mà là làm sao để tốt hơn những gì người khác đã làm. "Do đó, tôi nghĩ rằng, khi các bạn thấy ai đó làm điều gì chưa tốt thì đó là cơ hội để cho các bạn làm tốt hơn", ông đưa ra lời khuyên.
Trước câu hỏi, đã có rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi bắt tay vào làm một việc gì đó mới mẻ. Vậy ông đã tiếp cận sự sợ hãi như thế nào để có được sự tự tin hơn khi khởi nghiệp? Chia sẻ điều này, Richard cho biết khi bắt tay vào mua chiếc máy bay đầu tiên, tất nhiên là sẽ có rất nhiều thứ để làm và ông cũng cảm nhận được nhiều rủi ro.
Hơn nữa, từ một người chưa biết gì về lĩnh vực này, đột nhiên mở ra một hãng hàng không thì tất yếu sẽ đối mặt rủi ro lớn, nhưng ông vẫn tự tin vào bản thân mình và luôn chắc chắn rằng, làm sao thì làm nhưng sau một năm phải có khả năng phát triển thêm những chiếc máy bay khác.
"Và cuối cùng, như mọi người thấy hiện giờ chúng tôi đã có hàng trăm chiếc máy bay. Một trong những điều thú vị ở Virgin là tạo ra được môi trường tốt cho tất cả nhân viên, những người đã làm việc với chúng ta nhiều năm cũng như những người mới đến. Mỗi người đều có cơ hội để phát triển nghể nghiệp theo những cách vô cùng hứng thú và hữu ích.
Tôi có một niềm tin to lớn rằng nếu bạn chăm sóc cho nhân viên của bạn thì nhân viên của bạn sẽ dành tâm huyết để chăm sóc khách hàng của công ty. Đó là một trong những lý do mà có nhiều nhân viên đã ở lại làm việc cho Virgin trong rất nhiều năm”, ông Branson nói.
Branson cho biết hàng tỉ USD mà ông kiếm được từ kinh doanh băng đĩa và hàng không đã giúp ông thực hiện được giấc mơ thời niên thiếu. Đó là những năm 1960 khi ông rời bỏ trường phổ thông để theo đuổi giấc mơ thay đổi thế giới, bắt đầu bằng việc thành lập một tạp chí có tên Student với khuynh hướng chống chiến tranh Việt Nam năm 16 tuổi.
"Mọi người đều có thể thành công dù có là một y tá hay người lái xe buýt và những người thành công nhất là người biết chia sẻ với người khác. Tôi thấy rằng Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế nhưng cũng gặp phải những vấn đề về xã hội, môi trường và nhiệm vụ của các doanh nhân chân chính là đóng góp sức mình để giải quyết những vấn đề của cộng đồng", Richard Branson chia sẻ.
Theo Duy Khánh