Một dân tộc mà vị Hoàng đế của họ xưng là Thiên hoàng (vua trời), một dân tộc từng coi văn minh Trung Hoa chỉ là thứ: "phô trương giả tạo bề ngoài"... "hung hăng tàn bạo và vô liêm sỉ không lời nào tả xiết dối trá, đê tiện..." - Lời Fukuzawa Yukichi trong Thoát Á luận; một cường quốc Hải quân từng dập vùi Hạm đội Hoa Kỳ tại Hawai, tranh bá Thái Bình Dương cùng đệ nhất cường quốc này.
Nhưng dân tộc ấy đã phải cúi đầu.
Thiết giáp hạm Yamato niềm tự hào của Hải quân đế quốc Nhật Bản bị quân đội Hoa Kỳ đánh chìm ngày 7 tháng 4 năm 1945. Ảnh sưu tầm Internet
Bại trận trong thế chiến II, Samurai không thể đem lá cờ mặt trời bao trùm khắp cõi Á Châu; nước Nhật chịu hai quả bom nguyên tử; kiếm sỹ đạo cúi đầu thúc thủ trước những tầu sân bay, thiết giáp hạm và phi cơ ném bom chiến lược B29 của quân đội Hoa Kỳ cùng quân đội đồng minh.
Chiếc ô không làm thỏa mãn tinh thần Samurai
Tinh thần samurai chuyển hóa sang một dạng thức khác; ấy là khi nước Nhật lao vào công cuộc tái thiết; nước Nhật tôn kính viên Thống chế đã đả bại chính mình là Douglas MacArthur. Chỉ vài chục năm sau, họ trở lại là một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thậm chí nền kinh tế của họ còn vượt cả Liên Sô - siêu cường phân chia thế giới cùng Hoa Kỳ.
Nhưng bị giới hạn bởi bản Hiến Pháp hòa bình, bị ám ảnh bởi sự bại trận, bom nguyên tử, vị thế chính trị, tầm ảnh hưởng quốc tế và khả năng thực thi trách nhiệm ở tầm cường quốc của Nhật Bản gần như không có gì. Bẩy mươi năm sau thế chiến II, Nhật Bản chưa từng hiện diện trong các Hội nghị phân chia tầm ảnh hưởng, hay giải quyết hậu quả các cuộc chiến tranh.
Nhưng Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc đã làm được điều đó, bằng chính những cuộc chiến tại Đông Dương, hay Triều Tiên. Hải quân China giờ đã áp sát lãnh hải bang Alaxca Hoa Kỳ như một lần biểu trưng sức mạnh ngay trong dịp China kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa Phát xít.
Vị thế của nước Nhật chưa thực sự xứng đáng với tiềm lực của quốc gia này. Đối thủ mà họ lấy làm cái cớ để tăng cường võ bị (đặc biệt là Hải quân) lại chỉ là một Bắc Triều Tiên đói kém và hung hãn. Con bài ODA không đủ để Nhật Bản tái lập tầm ảnh hưởng của một cường quốc hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương
Cạnh tranh sẽ tái tạo năng lượng, sự sáng tạo cho quá trình phát triển, thậm chí làm mới quốc gia. Không cạnh tranh, không xác định dấn thân nghĩa là anh và cả quốc gia của anh sẽ dần mờ nhạt và trở nên suy nhược. Điều đó, hẳn không làm các Samurai hài lòng? Kiếm sỹ Samurai lẽ nào lại đứng mãi dưới ô che nắng, che mưa của Hoa Kỳ?
Bất chấp việc nhiều nghị sỹ, hay người dân Nhật Bản chịu ám ảnh bởi thất bại tại Thế Chiến II, hay chịu an phận dưới ô che nắng mưa của Hoa Kỳ thì những chính trị gia lão luyện của nước này vẫn ấp ủ một tương lai Nhật Bản thực sự trở lại.
Khi Samurai bước lên
Sức mạnh của một cường quốc không chỉ là giá trị nền kinh tế mà còn là khả năng can dự, giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực, là lực lượng Hải quân nước xanh đủ mạnh để thực thi công pháp quốc tế. Năm 2014, Nhật Bản là 1 trong 7 nước chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới (47,7 tỷ USD). Đây cũng là năm mà tuần duyên Nhật đụng độ mạnh mẽ với các lực lượng cảnh sát biển, Hải giám China tại khu vực quần đảo Senkaku.
Nhật Bản đã hạ thủy tàu khu trục chở trực thăng Izumo giãn nước 19.500 tấn. Ảnh sưu tầm Internet
Hải quân Nhật đóng tàu Izumo bổ sung vào đội tầu khu trục hạm chở trực thăng mà lượng giãn nước và kết cấu không khác gì một tàu sân bay nhỏ. Lá cờ Hải quân hoàng gia Nhật tung bay có từ thời tiền Thế chiến II tung bay trên khắp các chiến hạm Nhật.
Tại khu vực Biển Đông (người Nhật gọi là Nam Dương), Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc hành xử như một cường quốc vô nguyên tắc bởi các lệnh cấm đánh bắt cá, đưa giàn khoan di động vào thăm dò dầu khí trên vùng EEZ Việt Nam, đẩy mạnh việc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo. Cả Việt Nam và Philippin dường như đã trở nên nghẹt thở trước đường lưỡi bò và các lực lượng Cảnh sát biển, Hải giám, Ngư chính và cả ngư dân nước này.
Hoa Kỳ chuyển trục sang Châu Á Thái Bình Dương, đẩy mạnh quan hệ chiến lược với Việt Nam. Thời cơ cả về lý (pháp luật quốc tế về an ninh hàng hải), tình (sự trông đợi của Việt Nam, Philippin và Hoa Kỳ) đều đã đến; giờ là lúc để những Samurai bước lên.
Hồi tháng 7/2014, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản được diễn dải theo hướng cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc trợ giúp Mỹ và các nước hữu hảo khác bị tấn công vũ trang, cho dù bản thân Nhật Bản không bị tấn công.… Nhật Bản tăng cường võ trang, đóng thêm tàu chiến, viện trợ cho lực lượng tuần duyên của Việt Nam, Philippines… (Ngày 17/9 vừa qua, Thượng viện Nhật thông qua dự luật cho phép “trợ giúp các nước hữu hảo bị tấn công vũ trang”). Những sợi dây trói buộc sức mạnh thực sự của đất nước mặt trời mọc đang được tháo gỡ dần.
Bảo đảm an ninh hàng hải, đặc biệt là an ninh hàng hải tại Biển Đông không chỉ là bảo vệ sự hùng mạnh của nền kinh tế Nhật mà còn thể hiện trách nhiệm của nước này trước sự hung hãn của một cường quốc vô nguyên tắc. Làm được như vậy, Nhật Bản sẽ được kính trọng, ám ảnh bại trận Thế chiến II sẽ vơi bớt phần nào.
Kiếm sỹ Samurai cần bước ra khỏi cái ô bình yên mà Hoa Kỳ đã che chắn bẩy chục năm qua; giá trị Nhật Bản cần được định vị trên trường quốc tế bởi khả năng giải quyết khủng hoảng và bảo đảm hòa bình. Và Hoa Kỳ hẳn sẽ hài lòng khi đồng minh chiến lược, sẵn sàng san sẻ gánh nặng, cùng tiến bước trong vị thế sen đầm quốc tế.
QUANG PHAN