Lý Huy Sáng, giữa Đông và Tây
"Con học từ cha thực tiễn, để mềm mại hóa những kiến thức quản trị, ngược lại cha học từ con lối tư duy logic, không quá cảm tính. Có những lúc hai cha con tôi tranh cãi quyết liệt, vì cả hai đều nóng tính".
Doanh nhân Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long 1
Doanh nhân Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long 1
Chiếm 50% GDP cả nước, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước, hình thành một thế hệ kinh doanh đầy bản lĩnh. Trải qua chặng đường dài, thế hệ khởi nghiệp hầu hết đã bắt đầu nhường chỗ cho những “công chúa, hoàng tử” mà họ đã dày công vun đắp.
Nhưng liệu những hạt giống này có nảy nở và sinh sôi một cách mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh đầy thử thách? Làm thế nào để cuộc chuyển giao thế hệ thành công và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp? Đó là nội dung của chuyên đề “Người kế nghiệp sáng giá” do BizLIVE thực hiện.
Âm thầm nâng cao nội lực cả về nhân sự, kỹ thuật để chuẩn bị cho một sức bật mới, thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam đang thoát khỏi tầm vóc một công ty gia đình, để trở thành công ty da quốc gia.
Người tạo nên điều đó là Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long, con trai trưởng của ông Lý Ngọc Minh, với một phong cách quản trị hiện đại mang màu sắc phương Tây, nhưng vẫn dựa trên triết lý nhân sinh kiểu phương Đông.
Tự khách hàng sẽ quảng bá cho thương hiệu
Minh Long đang chuẩn bị sức bật để bước vào một giai đoạn mới, anh có thể cho biết chiến lược kinh doanh và chiến lược con người của Minh Long trong 5 năm tới có gì khác biệt?
Cũng có nhiều cái khác, nhưng không khác nhiều. Chúng tôi sẽ mở rộng dải sản phẩm gốm sứ sang các lĩnh vực gia dụng khác chứ không chỉ dừng ở sản phẩm chén đĩa.
Thực sự thì đã có sản phẩm rồi, nhưng đang nghiên cứu thêm về thiết kế, mẫu mã, thị trường, truyền thông, bao bì… để chuẩn bị tung ra sản phẩm, mở rộng biên độ đồ gốm sứ ra với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm Minh Long với tiêu chí bốn không - không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác -  và bốn có - có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách, có hồn - nên không giới hạn một thị trường nào.
Thị trường trong nước đang cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…, về giá chắc chắn họ đắt hơn mình, nhưng lợi thế của mình là chất lượng cao, nên không ngại so sánh.
Minh Long cũng đang mở rộng tuyển dụng người vào lĩnh vực mới có kỹ năng chuyên môn hơn, đặc biệt trong mảng kỹ thuật và kinh doanh. Song song là đào tạo thêm vì hẩu hết doanh nghiệp luôn thiếu người hữu dụng. Đào tạo bồi dưỡng để họ có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn là điều bắt buộc.
Nhà máy mới đi vào hoạt động liệu sẽ nâng chất lượng và năng suất của Minh Long như thế nào?
Đây là công trình chuẩn bị cho sự phát triển của Minh Long 20 năm tới, đang từng bước sử dụng hạ tầng chứ chưa khai thác hết năng suất, do chúng tôi khá bảo thủ, không vội tăng năng suất lên quá nhanh.
Nhà máy mới sẽ giúp khách hàng khi tham quan thấy rõ hơn quy trình được hiện đại hóa trong cách bố trí mặt bằng sản xuất, thiết bị hiện đại hơn, năng suất ổn định.
Nhà máy không chỉ là nơi sản xuất, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Gia đình tôi muốn tạo nên dấu ấn của ngành gốm sứ Việt Nam, nên tất cả chất liệu đều biến thành gốm sứ hết, đòi hỏi thời gian nghiên cứu, chế tác.
Trong thời buổi khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cắt giảm marketing, nhưng anh lại chủ trương đẩy mạnh?
Tôi nghĩ việc kinh doanh giống như chạy marathon, ai cũng có giới hạn về sức lực và thời gian. Bằng cách tiên liệu của mình phải biết phân bổ sức lực và thời gian để đến được đích. Nếu để mất sức giữa chừng thì không thể cạnh tranh với đối thủ.
Biết khi nào cần, khi nào không sử dụng tùy vào thời điểm công ty. Trong khó khăn luôn có cơ hội. Minh Long không xuất hiện với tần suất nhiều trên báo đài mà hướng đến việc làm sao cho người tiêu dùng hiểu mình, nên chọn phương thức dùng các sự kiện và cho khách hàng trải nghiệm để cảm nhận trực tiếp là tốt nhất.
Để khách hàng cảm nhận, yêu mến sản phẩm và tự họ sẽ là người quảng bá không mất tiền cho thương hiệu.
Tôi rất mê ngành ẩm thực
Gắn hình ảnh thương hiệu với vẻ đẹp ẩm thực Việt Nam qua chương trình "Chiếc thìa vàng", khó khăn lớn nhất với anh là gì, để có thể biến dự án này thành hiện thực, và tạo tiếng vang trong lòng người tiêu dùng?
Ý tưởng này Minh Long đã nuôi dưỡng từ lâu, do lịch sử luôn đi chắc, bảo thủ, khi đưa ra cách làm này gia đình rất đồng ý, vì đó là cách tiếp thị không ồ ạt, thực tế hơn. TVC hay quảng cáo đều có thể thuê, nhưng đây là một cuộc thi toàn quốc, cần rất nhiều khâu trong quảng bá, chuyên môn, nhất là người cùng cộng tác am hiểu công việc này.
Một thời gian dài chúng tôi mới tìm kiếm và chọn được đội ngũ chuyên gia ẩm thực, những người thực sự có tâm với ẩm thực văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của BSA trong việc dựng cơ sở hạ tầng cho những cuộc thi.
Khâu tổ chức rất cực, trải dài từ Nam chí Bắc, dù công việc ở công ty rất bề bộn, nhưng tôi vẫn phải sắp xếp thời gian để tham dự đầy đủ.
Ban đầu không thể giao cho nhân viên, đối tác, phải có mình vì mình biết mình muốn gì. Khi bộ máy chạy ổn mới có thể giao cho người khác. Ba chuyên gia gắn bó nhất là cô Bùi Thị Sương, cô Triệu Thị Chơi và chú Chiêm Thành Long, theo sát từ những ngày đầu, đóng góp rất nhiều ý kiến bổ ích cho cuộc thi.
Nếu không có những chuyên gia và những đầu bếp chuyên nghiệp này Minh Long không thể tố chức tốt được, cho dù mình có tiền, vì họ chính là linh hồn của cuộc thi.
Trải qua ba lần thi, tư duy của đầu bếp thay đổi rất nhiều trong việc trình bày món ăn, cơ cấu thực đơn, sự tín nhiệm của đầu bếp với "Chiếc thìa vàng" tăng lên rõ rệt.
Tôi là người rất mê ngành ẩm thực, bởi chén đĩa có quan hệ mật thiết với ẩm thực. Luôn mang lại những gì tốt nhất cho khách hàng, nhất là đầu bếp. Cuộc thi là một sân chơi để giúp họ thể hiện tài năng, cập nhật kiến thức nấu ăn với trào lưu thế giới.
Minh Long còn đang dự định đầu tư cho dự án "Con đường gia vị Việt Nam"? Mong ước của anh là gì khi đầu tư cho dự án này?
Sự khác biệt giữa các nền ẩm thực thế giới là do gia vị quyết định, để phân biệt sự khác nhau giữa món Tây, món Á, món Việt. Đi sâu vào yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt này, để cung cấp kiến thức, hệ thống hóa chuẩn nhất cho gia vị Việt Nam là cuộc nghiên cứu dài hơi.
Đơn thuần như tiêu, thường người ta chỉ nghĩ có mùi cay, các đầu bếp trong cuộc thi còn mang đến loại tiêu thơm mùi xả, mùi chanh…, hóa ra rất nhiều loại tiêu khác nhau. Phát động phong trào này mới biết có rất nhiều gia vị lạ ở ngay trên đất nước mà mình không biết.
Có đầu bếp còn dùng trái giác đem làm nước chấm, làm bánh, chế rượu rất ngon. Hoa phượng xay ra làm nước mắm cho màu rất đẹp và hương thơm rất lạ. Khi hoàn chỉnh hệ thống gia vị này, tôi nghĩ người Việt Nam sẽ ngạc nhiên, vì rất nhiều thứ mình chưa nghe qua, chưa được nếm trải.
Qua mỗi quá trình thi, Minh Long sẽ lưu giữ lại thành những cuốn sách, để quảng bá cho mọi người cùng biết.
Để đào tạo chuyên sâu cho lớp lãnh đạo trẻ, Minh Long còn mời gọi GS. Dương Nguyên Vũ về giảng dạy về phương pháp lãnh đạo theo bản thể học và hình thể học? Điều gì thú vị nhất với anh khi tham dự lớp học này?
Khi qua Singapore tham dự khóa học này, tôi tình cờ gặp GS. Dương Nguyên Vũ. Học xong cảm thấy rất thú vị, tôi nghĩ anh Vũ có kinh nghiệm sư phạm, đem về Việt Nam dạy sẽ thay đổi rất nhiều cuộc đời mỗi người. Đây không phải là một khóa học hàn lâm, mà là những kỹ năng sống.
Tôi cho hai đứa em trai đi học ngay, muốn các em thay đổi hết sự hình dung của mỗi người về lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo công ty mà lãnh đạo chính mình. Sau đó cho hết lãnh đạo trong công ty đi học. Bản thân mình phải thay đổi mới giúp cho nhân viên thay đổi chứ.
Trước giờ, mình nói hoài liêm chính, chính trực, nhưng hiểu nó thì rất mù mờ, bởi lời hứa đâu phải lúc nào cũng giữ được. Lớp học cho mình tư duy và giải pháp để không phải hổ thẹn với lương tâm của mình.
Điều đó rất cần, cả trong cuộc sống gia đình, với người xung quanh, sống được với chính mình nhiều hơn, cho mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn, vì trong cuộc sống không phải lúc nào cũng giữ được cam kết.
Lời hứa giống như một hợp đồng, nếu không giữ lời phải có sự bù đắp, đưa ra những đền bù thỏa đáng. Những động tác nhỏ nhặt thay đổi hành động của mình rất nhiều, tạo cách làm việc tốt hơn với đối phương
Soi lại nghệ thuật lãnh đạo của mình, anh đã phát huy sức mạnh bản thể như thế nào, để tạo ra phong cách lãnh đạo riêng, vừa hiện đại, vừa tiếp nối các giá trị truyền thống?
Thông thường muốn nhân viên làm việc người chủ thường hứa lương bổng, nhưng tiền cũng sẽ quen đi, người ta không thấy có động lực. Phải tìm ra được mong muốn của người cộng tác với mình, đương nhiên họ sẽ cống hiến hết mình, họ làm cho họ chứ không làm cho mình.
Thực sự lãnh đạo là làm chủ bản thân mình, bất cứ ai cũng cần, nếu mỗi nhân viên biết làm chủ thì sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn nhiều. Mọi người đều làm chủ thì không có việc lãn công, vô trách nhiệm.
Anh nghĩ gì về tính chính trực vẹn toàn của người lãnh đạo? Trong môi trường kinh doanh đầy bất trắc của Việt Nam, giữ được tính chính trực vẹn toàn có là một thách đố?
Xưa nay Minh Long vẫn đi theo hướng đó, bán cái người tiêu dùng cần chứ không phải bán cái mìnnh có. Chưa bao giờ giảm chất lượng để tìm kiếm lợi nhuận.
Nhân viên khi làm việc tiêu chí đầu tiên là hướng đến chất lượng. Đó là lý do tại sao sản phẩm Minh Long được tín nhiệm suốt bao năm nay. Tiêu chí đó không phải là đòi hỏi của ban giám đốc, mà thôi thúc của chính mỗi nhân viên.
Cá tính tôi trước giờ rất thẳng thắn, bộc trực, việc gì cũng đem ra nói ngay để làm rõ mình muốn gì, có lẽ vì thế nhiều người cho tôi là nóng tính.
Trải qua khóa học, tôi hiểu đó là do mình chưa giải thích rõ cho người khác hiểu. Nếu lỗi do mình, thì đâu có gì phải nổi nóng với người khác. Mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn trong cách ứng xử với mọi người và với chính mình.
Giữa anh em với nhau hiếm khi tranh cãi
Anh hiểu thể nào về quyền lực của người lãnh đạo? Làm thế nào để tạo được không gian tự do cho chính mình và cho mọi người xung quanh, để có thể phát huy hết sức mạnh của từng cá nhân?
Thông thường gia đình mỗi khi thảo luận vấn đề gì, bất cứ tranh luận nào cũng phải hướng đến hiệu quả, như vậy rất dễ làm.
Quyền lực lớn nhất chính là sự hiệu quả của công ty, người nào đưa được giải pháp hiệu quả nhất sẽ được trọng dụng, đó là cách làm tốt, không phải quản trị theo kiểu phong kiến, người lớn nói người nhỏ phải nghe. Hiệu quả là cốt lõi, là linh hồn của sự sống. Nếu không hiệu quả thì miễn bàn.
Tất cả những gì mình làm nếu vì mục đích cao thượng, không vì cá nhân mình thì bất cứ biện pháp, hành động nào cũng đều thỏa đáng, không ngại ngùng người khác sẽ nghĩ gì.
Đó là quyền lực của người lãnh đạo. Tôi thường cho nhân viên thấy tất cả những việc mình chỉ đạo xuống trên nguyên tắc hướng đến mục tiêu, còn giải pháp để họ tự nghĩ ra. Thống nhất như vậy nhân viên thấy thoải mái hơn và hoàn toàn tự do để đạt tới hiệu quả.
Tôi luôn quan tâm đến việc cải tiến làm sao cho hiệu quả cao nhất, không quan tâm đến nghi lễ, nguyên tắc, bài bác những thủ tục rườm rà.
Việc đưa công nghệ thông tin vào quản trị cũng giúp cho mọi thông tin được cập nhật tức thời, công việc xuyên suốt toàn hệ thống, kể cả tổ trường, nhân viên đều nâng cao năng suất, tránh nhiều sai sót. Giải quyết được hiệu quả và độ chính xác cao hơn nhiều.
Nhìn lại sự tiếp nối của bốn anh em trong nhà với cơ nghiệp của cha, anh đánh giá thế nào về sức mạnh mỗi người? Để kết nối và tạo điều kiện tương tác chặt chẽ, đòi hỏi "người đầu tàu" như anh phải có tố chất gì?
Mọi việc đang diễn ra rất tốt vì mỗi người có cách làm khác để đạt được hiệu quả cuối cùng. Khi mọi người đều mong muốn phát triển trường tồn, trở thành công ty đa quốc gia thì cách làm sẽ thoáng hơn.
Không thể mong muốn các em giống mình. Quan trọng là phải cho họ làm chủ được chính mình.
Từ nhỏ, ba tôi cũng thấy được mỗi người có thế mạnh riêng, khi đi du học ba sắp xếp mỗi người một ngành học riêng. Không biết đó có phải là sức mạnh nội tại không nhưng đương nhiên có thế mạnh. Em trai học về chuyên hóa, mình học về quản trị, được đào tạo chuyên môn rõ ràng nên khi về dễ dàng phát huy sức mạnh.
Giữa anh em với nhau hiếm khi tranh cãi. Tôi quản lý chung, do tôi về tham gia công việc trước nên hiểu mọi khâu trong nhà máy, thông tin truyền đạt với các em cũng dễ dàng hơn.
Con học từ cha thực tiễn, để mềm mại hóa những kiến thức quản trị, ngược lại cha học từ con lối tư duy logic, không quá cảm tính. Có những lúc hai cha con tôi tranh cãi quyết liệt, vì cả hai đều nóng tính. Không ít lần cha trách cứ tôi, khi nhân sự đầu tư rất tốn kém lại bỏ ra đi.
Tôi trả lời cha: “Công ty đa quốc gia nào cũng bỏ ngân sách không nhỏ cho đào tạo, nhưng đâu phải tất cả đều gắn bó lâu dài. Đó là chi phí bắt buộc, nếu không sẽ hụt hẫng liên tục, phải chấp nhận rủi ro thôi, không có gì phải bực mình”.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều chấp nhận tranh cãi, tham vấn nhau, phân tích tới cùng, để ai cũng thông tỏ trước khi đưa ra một chính sách mới, và khi đã đưa ra thì ai cùng phải chấp hành.
Sự ra đời của dòng sản phẩm mang tên họ Lý là Ly’Horeca có phải là câu chuyện mà anh muốn kể về thế hệ thứ tư này?
Xuất phát từ việc cái tên Minh Long xây dựng bị sao chép nhiều quá, nhà sách Minh Long, giỏ xe Minh Long, trường Minh Long… Chúng tôi rất bực mình vì chuyện đó, vì giải pháp bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam không có.
Nhiều khi tiếp xúc với đối tượng khách nước ngoài, cái tên Minh Long rất bất lợi về ngôn ngữ vì Việt Nam quá. Nghĩ hoài, lấy chữ Lý của dòng họ mình làm tên dòng sản phẩm, để tạo nên sự trường tồn chứ không của riêng cá nhân nào.
Mặt khác, sản phẩm Minh Long quá rộng, quá nhiều phân khúc nên rất khó đi tới đỉnh cao. Bài toán giải quyết marketing là chia thương hiệu ra mỗi phân khúc khác nhau với tên gọi mới.
Tốt cách mấy mà không ai sử dụng cũng không để làm gì. Ly’Horeca nhắm vào đối tượng nhà hàng khách sạn, khó nhất là chế tạo để có chất lượng tốt và giá cả hợp lý, để luôn trường tồn. Phải đột phá về công nghệ để giải quyết bài toán về chi phí.
Ly’Horeca phát triển rất tốt trong hai năm qua, chiếm trên 50% thị phần dành cho nhà hàng khách sạn trong khoảng một thời gian ngắn, đó là tín hiệu đáng mừng.
Điều gì đang giúp anh giữ được cân bằng giữa áp lực kinh doanh và những sở thích đam mê của riêng mình?
Công ty là hoài bão lớn nhất của cha mẹ, cha mẹ thương yêu, nuôi nấng, cho mình học thành tài, tin tưởng giao lại cho mình sản nghiệp ấy. Đền đáp lại cho cha mẹ vui là công việc mình phải làm, nghĩ thế tự nhiên thấy bình thường không còn áp lực nữa.
Cuộc sống doanh nhân chắc chắn luôn bị áp lực về tài chính, nhân sự, không thể có lựa chọn khác, chọn sứ mệnh làm doanh nghiệp rồi thì thấy không còn gì là áp lực nữa.
Lão Tử có nói một câu rất thú vị, nếu bạn muốn sướng một ngày thì hãy đi ngủ, muốn sướng một năm thì hãy kế thừa việc của cha mẹ, muốn sướng suốt đời thì phải làm theo ý mình. Khi mình chọn cách nhìn như vậy mọi việc sẽ qua đi.
Con người mình đam mê rất nhiều, việc mình làm may mắn cũng nằm trong đam mê đó, nên rất rộng đường, từ nghệ thuật, kỹ thuật, ẩm thực, cái nào cũng mê cả. Ba hay nói người khác ba hay khuyến khích nên làm cái này cái kia, nhưng với con thì ba nói đừng làm quá nhiều cùng một lúc, vì cái gì mình cũng thích.
Điều gì đang khiến anh hạnh phúc nhất?
Gia đình.
Vợ, cha mẹ, anh em có cuộc sống vui vẻ, con cái học hành tốt là hạnh phúc nhất, chứ không phải mình có bao nhiêu tiền, có sự nghiệp thế nào. Mọi người vui vẻ, bình an là đủ với mình rồi.
Nhân viên mình lương mấy triệu vẫn hạnh phúc, mình hơn họ bao nhiêu mà không thấy hạnh phúc sao? Nếu đã có điều đó thì cái khác được coi là cho thêm, vậy thì tại sao lại không hạnh phúc?

KIM YẾN