''Sức mạnh mềm'' của Đỗ Duy Hiếu
“Ba thành viên gia đình cùng tham gia trong một công ty, đôi khi khó tránh khỏi xung đột trong công việc, nhưng mẹ tôi là người có đầu “lạnh” nhất, có khả năng làm nguội hai cái đầu còn lại”.
Bắt đầu bằng công việc thấp nhất của phòng tài chính, sau 4 năm trui rèn, Đỗ Duy Hiếu hiện là Giám đốc Công ty Thép Việt.
Bắt đầu bằng công việc thấp nhất của phòng tài chính, sau 4 năm trui rèn, Đỗ Duy Hiếu hiện là Giám đốc Công ty Thép Việt.
Chiếm 50% GDP cả nước, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước, hình thành một thế hệ kinh doanh đầy bản lĩnh. Trải qua chặng đường dài, thế hệ khởi nghiệp hầu hết đã bắt đầu nhường chỗ cho những “công chúa, hoàng tử” mà họ đã dày công vun đắp.
Nhưng liệu những hạt giống này có nảy nở và sinh sôi một cách mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh đầy thử thách? Làm thế nào để cuộc chuyển giao thế hệ thành công và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp? Đó là nội dung của chuyên đề “Người kế nghiệp sáng giá” do BizLIVE thực hiện.
Tốt nghiệp loại ưu khoa Quản trị kinh doanh tài chính, Đại học Houston (Mỹ), cô gái nhỏ nhắn với nụ cười dịu dàng ấy ẩn chứa một “sức mạnh mềm” đầy uy lực.
Bắt đầu bằng công việc thấp nhất của phòng tài chính, sau 4 năm trui rèn, Đỗ Duy Hiếu hiện là Giám đốc Công ty Thép Việt.
“Em là con của anh/chú...”
Hội nhập đang đặt doanh nghiệp trước thách thức rất lớn về chuyển giao thế hệ, nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã phải bán đi hoặc phá sản vì không tìm được người kế nghiệp tiếp sức đủ mạnh tạo nên sự bứt phá mới, chị suy nghĩ về điều này thế nào?
Bản chất của việc chuyển giao đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị và kế hoạch rõ ràng, nhưng trong nhiều trường hợp, các công ty gia đình Việt Nam hoặc chưa lên kế hoạch thích hợp, hoặc do phải đối mặt với sức ép quá lớn về thị trường cạnh tranh, hoặc thế hệ thứ hai trong gia đình mong muốn đi theo con đường riêng, thì các công ty này cũng nên xem mua bán và sáp nhập là một công cụ chiến lược.
Dù là chuyển giao cho người trong gia đình hay cho đơn vị thứ ba, thì một thách thức lớn vẫn là việc vượt qua cảm xúc, để đạt được mục đích cuối cùng là phát triển doanh nghiệp hiện có.
Gia đình và chính chị đã chuẩn bị cho mình như thế nào cả về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm quản trị, để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ?
Từ bé, một cách rất tự nhiên, tôi đã có cơ hội cảm nhận và tiếp cận công việc kinh doanh của cha mẹ trong lúc ông bà đang trong giai đoạn lập nghiệp.

Khi lớn hơn một chút, ông bà chủ yếu dạy tôi các bài học vể cuộc sống, cách ứng xử và các kỹ năng khác.
Ông bà khuyên tôi phải nghiêm túc học hành, nâng cao kiến thức, đồng thời khuyến khích tôi tham gia các hoạt động xã hội. Khi tôi tiếp nhận vị trí quản lý cấp trung, ba mẹ tôi cũng thỉnh thoảng góp ý nhẹ nhàng, còn thì để tôi tự giải quyết, có vấp ngã mới biết cách tự đứng lên.
Ba tôi tạo cho tôi cơ hội tìm hiểu công việc, cách vận hành của công ty. Mẹ tôi rất kiên nhẫn giải thích cho tôi nhiều việc rất mơ hồ thuộc phạm trù đúc kết từ kinh nghiệm, phải nói là rất kiên nhẫn, bởi vì tôi đôi khi cũng rất cứng đầu.
Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ ba mẹ tôi chủ yếu chuẩn bị để tôi có thể tự đi bằng đôi chân của chính mình, kiểu “quẳng đi đâu cũng có thể sống được”. Còn việc tiếp nhận trách nhiệm mới cũng là một phần trong công việc của tôi.
Sự học đối với một nhà lãnh đạo tương lai bắt đầu từ đâu? Những gì thuộc về tố chất? Những gì có thể bồi đắp từ sách vở, từ trường lớp, và quá trình tự học?
Chúng ta thường hay nghe nói “anh/chị ấy sinh ra là để lãnh đạo”. Theo tôi, tố chất dù có sẵn thì cũng phải cần được nuôi dưỡng và phát huy.
Vì vậy, sự học đối với một lãnh đạo tương lai có thể bắt đầu từ khi chúng ta biết nhận thức và quan sát. Tư chất thông minh, sáng tạo cùng với bản tính hướng thiện, hướng ngoại và khát vọng thành công… là điểm căn bản về tố chất lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển phải không ngừng học hỏi và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề… thì mới có thể trở thành người lãnh đạo thực thụ.
Điểm lại những doanh nghiệp dẫn đầu, có thể thấy cuộc chuyển giao nào cũng chịu áp lực từ cái bóng quá lớn của người sáng lập? Chị đã xử lý điều này như thế nào?
Những người sáng lập công ty chắc chắn là những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hình ảnh và các mối quan hệ của công ty đó.
Rất thường xuyên, khi tôi có cơ hội gặp gỡ với đối tác hoặc khi tôi tham gia các hoạt động khác, câu nói tôi hay nghe nhất sau khi đối tác đọc tên danh thiếp là “Em là con của anh/chú...”.
Tôi không quá sức chú tâm đến việc chịu áp lực từ những cái bóng lớn này, mà tập trung nhất vào hiệu quả công việc. Hơn nữa, “cái bóng lớn” này còn giúp mang lại cho tôi những ấn tượng đầu tiên, việc tôi cần làm là sống và làm việc tử tế.
Đối với nội bộ công ty, phong cách làm việc của tôi chắc chắn có sự khác biệt với những người đi trước. Hơn nữa, khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải dịch chuyển để thích ứng. Tôi vẫn trân trọng những giá trị cốt lõi của công ty, những sự thay đổi của tôi chỉ mang tính bổ sung và cập nhật với tình hình hiện tại.
Điểm mạnh của công ty tôi là đội ngũ có nền tảng và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người tự đề ra các phát kiến để có thể đạt được hiệu quả trong công việc, hoạch định thời gian cho mọi người hiểu và chấp nhận cái mới, đồng thời sát cánh với họ trong công việc.
Chị đã từng tranh luận nảy lửa với cha, mẹ mình? Cách điều hành của chị có gì khác với cha, mẹ?
Chắc chắn là có tranh luận, nhưng không biết là có nảy lửa hay không?
Bản thân mình cũng có những khuyết điểm, đôi khi rất chi tiết mà hơi cứng nhắc. Thường thì mình cứ nói hết quan điểm của mình trong việc đó, rồi tự suy nghĩ kĩ lại quan điểm của người khác.
Nếu thấy mình sai thì thừa nhận ngay, nếu thấy mình đúng thì tìm một cách lập luận khác thuyết phục hơn, hoặc số liệu khác xác thực hơn để thuyết phục.
Có nhân viên của tôi góp ý với tôi rằng, đôi khi tôi hiền quá, không quản được nhân viên. Tôi nghĩ có thể đây là điểm khác biệt giữa tôi và ba tôi, và tôi cần phải tìm cách làm sao để khắc phục điểm mình còn thiếu sót.
Xung đột gay gắt giữa hai thế hệ về các giá trị, thiếu một bộ quy tắc ứng xử rành mạch trong kinh doanh và gia đình… có phải là những áp lực không nhỏ với những công ty gia đình Việt Nam? Làm thế nào để đưa quản trị hiện đại vào thay thế quản trị theo sự thuận tiện một cách linh hoạt nhất?
Việc đưa quản trị hiện đại vào thay thế quản trị theo sự thuận tiện trước hết cần phải có sự đồng thuận và sự cam kết từ các nhân vật chủ chốt trong doanh nghiệp.
Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh và trong gia đình nhất thiết phải được thiết lập, nhưng quan trọng hơn là nó phải được tôn trọng và thực hiện.
Có thể không đủ khiêm tốn, đôi khi không đủ kiên nhẫn
Theo chị, điểm mạnh và điểm yếu của thế hệ mình là gì?
Những người sinh năm 1982 trở về sau có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nền văn hóa và giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.
Vì vậy, họ có thể đạt được một kiến thức nền tảng tốt, phong cách làm việc hiện đại, khoa học và phong thái tự tin. Họ sẵn sàng đối mặt với thách thức và không ngại lên tiếng bảo vệ quan điểm bản thân.
Tuy nhiên, xu hướng tự tin và kỳ vọng rất cao về bản thân và cả người xung quanh cũng có thể gây cản trở đến quá trình học hỏi và trải nghiệm, hoàn thiện bản thân của thế hệ này.
Chúng tôi có thể không đủ khiêm tốn để thật sự lắng nghe và thấu hiểu lời khuyên của những người đi trước. Chúng tôi đôi khi không đủ kiên nhẫn để làm việc với những người thế hệ trước, để vuột mất những cơ hội trải nghiệm bổ ích.
Sức chịu đựng khó khăn kém hơn người đi trước, cộng với sự cầu toàn trong công việc, có thể dẫn đến những xung đột không đáng có và kém hiệu quả trong công việc.
Làm thế nào để có thể thu hút nhân tài ngoài gia đình mà vẫn dung hòa được các quan hệ trong gia đình
Trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp gia đình, nên chú trọng đến việc tách bạch giữa quyền sỡ hữu và quyền quản lý. Hơn nữa, xây dựng cách quản trị khoa học để có thể minh bạch hóa những đóng góp của từng cá nhân cho thành quả chung của công ty.
Giáo dục các thành viên trong gia đình ngay từ trước khi họ tham gia vào doanh nghiệp gia đình, tạo dựng một nền tảng đúng về đạo đức trong cuộc sống và kinh doanh, đồng thời giúp họ thấy được sự quan trọng của các nhân tài ngoài gia đình.
Chị đã tiếp nhận được từ mẹ điều gì quý nhất, để có thể trụ vững trong trọng trách mới của mình?
Trong gia đình tôi, mẹ tôi là người giữ được bầu không khí khoáng đạt trong gia đình để các thành viên có chỗ “thở”. Bà không phải là người nội trợ kiểu mẫu mà cùng tham gia công việc kinh doanh với ba tôi và tôi.
Ba thành viên gia đình cùng tham gia trong một công ty, đôi khi khó tránh khỏi xung đột trong công việc, nhưng mẹ tôi là người có đầu “lạnh” nhất, có khả năng làm nguội hai cái đầu còn lại.
Mẹ tôi là người chịu thương, chịu khó, có lối sống đơn giản và chân thật. Làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, tìm niềm vui trong công việc và biết suy nghĩ cho người khác, đó là những gì tôi phải học từ mẹ để có thể trụ vững trong công việc của mình.
Chuyện lập gia đình của chị liệu có bị áp lực quá nhiều từ cha mẹ?
Tôi không chịu áp lực quá nhiều trong chuyện lập gia đình. Ba mẹ luôn là người bạn tâm sự với tôi về các mối quan hệ bạn bè, tình yêu và các mối quan hệ khác trong cuộc sống.
Tất nhiên, có nhiều lúc chúng tôi có quan điểm khác nhau. Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ rất nghiêm khắc và khi không đồng ý về việc gì tôi làm gì chưa đúng, ba mẹ cũng rầy la, nhưng chưa bao giờ trách mắng tôi mà không cần giải thích cho tôi hiểu.
Đến khi tôi trưởng thành hơn, cha mẹ lại lắng nghe tôi nhiều hơn, cho tôi lời khuyên nhưng lại để cho tôi tự suy nghĩ và quyết định.
Quan trọng nhất là tránh đi lạc đường
Chị đã học được điều gì từ các thương hiệu gia đình hàng trăm năm của thế giới, để áp dụng vào doanh nghiệp mình?
Theo tôi, các thương hiệu gia đình muốn tồn tại được đều dựa trên ý thức của các thành viên trong gia đình. Phải đặt lợi ích công ty trên lợi ích cá nhân.
Trong doanh nghiệp phải có quy định, quy tắc ứng xử rõ ràng, cách đánh giá hiệu quả công việc minh bạch để các thành viên - dù là người trong hay ngoài gia đình - thấu hiểu định hướng của công ty, cùng nhau đóng góp công sức, để đạt được thành quả chung.
Chị đã học được từ ai nhiều nhất để hoàn thiện phong cách lãnh đạo của mình?
Trong quá trình làm việc, người gây ảnh hưởng đến phong cách làm việc của tôi nhiều nhất chính là ba tôi.
Ở ông, tôi học được tính chính trực, sự cởi mở và cách đặt niềm tin vào người khác. Khi nhận trách nhiệm mới, với vốn kinh nghiệm còn ít ỏi và không ít “thương tích”, tôi có phần nghi ngại và hơi mất niềm tin trong công việc và con người dẫn đến các khó khăn trong cách giải quyết công việc.
Ba tôi đã hướng dẫn tôi cách tiếp cận công việc tốt hơn, lắng nghe những ý kiến khác biệt, nhìn nhận một vấn đề ở các góc độ khác nhau. Ông cũng dạy tôi cách đặt niềm tin vào người khác như đồng nghiệp, đối tác, và nhìn nhận nhiều vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ba tôi, tôi cũng học được rất nhiều từ các cô chú trong gia đình, các cô chú doanh nhân là người đi trước, các anh chị doanh nhân bạn bè, các bạn đồng nghiệp hay những người từng hợp tác với tôi.

Mỗi ngày một ít, tôi quan sát và tự học, không sợ mình không biết, chỉ sợ mình không dám hỏi và phấn đấu đạt được những gì còn thiếu sót.
Xin hỏi thật lòng, chị có sợ con người mình sẽ mất dần cảm xúc khi quá lao vào kinh doanh?
Tôi tin rằng công việc kinh doanh cũng là một công việc giống như bao công việc khác. Chính việc kinh doanh cũng mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Quan trọng nhất là tránh đi lạc đường, luôn phải giữ trong đầu và trong tim mục đích làm việc của mình: làm việc để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội. Đạt được các mục tiêu này thì tôi thấy mình rất vui vẻ trong công việc và cuộc sống.

KIM YẾN