Ý tưởng làm bất động sản ''không giống ai'' của ông chủ Gia Hòa
Dự án The Art - Căn hộ trí thức trẻ có thể xem là một “giấc mơ dài” của ông Lê Hùng Mạnh, khi đẩy giá xuống thấp nhất có thể, để những sinh viên trẻ mới ra trường có thể sở hữu ngay, nhưng vẫn bảo toàn tính nghệ thuật của dự án.
Ông Lê Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - kinh doanh nhà Gia Hòa.
Ông Lê Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - kinh doanh nhà Gia Hòa.
Tìm cách đưa yếu tố nghệ thuật vào kinh doanh bất động sản, trải qua bao thăng trầm của thị trường, ông Lê Hùng Mạnh, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - kinh doanh nhà Gia Hòa, vẫn giữ giấc mơ tạo ra một khu đô thị trẻ, ấm áp và nhân văn.
“Ai mà chẳng có một chút tâm hồn nghệ sĩ”
Ông nhìn nhận thế nào về sự nóng lên của những dự án bất động sản phía đông Sài Gòn?
Quy hoạch phía Đông lâu nay bị tắc nghẽn giờ mới được khai thông. Hạ tầng giao thông phát triển với hàng loạt tuyến đường huyết mạch vươn về phía Đông đã được thi công với tiến độ gấp rút.
Đặc biệt, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua quận 1, 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức đang dần hoàn thiện và được dự báo sẽ rút ngắn đáng kể thời gian từ khu Đông vào trung tâm thành phố.
Theo thống kê, giai đoạn 2012-2020, khu Đông của TP.HCM có 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ, trong đó phân khúc cao cấp giai đoạn 2015-2017 sẽ có khoảng 30.000 căn hộ tung ra tại thị trường khu vực phía Đông.
Dĩ nhiên vẫn còn phải làm nhiều nữa để tạo nên sức sống của vùng đất này. Hiện nhà đầu tư bất động sản phía Đông đang nhắm tới phân khúc nhà thấp tầng, villa, căn hộ theo hướng cao cấp để phục vụ cho tầng lớp thu nhập cao, nhưng tôi có cảm giác các nhà đầu tư bỏ quên một mảng thị trường, đó là nhu cầu mua nhà rất lớn của tầng lớp trung lưu trở xuống.
Cũng không trách được vì kênh đầu tư vào phân khúc này lợi nhuận ít và thời gian hoàn vốn lâu hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khi thị trường bất động sản nhắm tới tầng lớp trung lưu, lúc đó mới thực sự phát triển bền vững?
Điều này nằm ngoài tầm với của một doanh nghiệp, phải có sự định hướng của Nhà nước cả về quy hoạch và chính sách tài chính. Trong điều kiện hiện nay, mỗi doanh nghiệp tự tìm phân khúc riêng để kiếm lợi nhuận tối đa, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lớn về bơm giá, làm giá.
Riêng tôi muốn làm những sản phẩm gắn liền với hiện thực xã hội, chia sẻ với tầng lớp trung lưu, đặc biệt nhóm trí thức trẻ.
Vì sao ông chọn trí thức trẻ làm đối tượng chính, và dành nhiều ưu đãi cho dự án The Art với mức giá thấp so với thị trường là 1,1 tỷ đồng?
Trí thức trẻ chính là hiền tài của đất nước, nguyên khí lớn nhất của quốc gia. Nhu cầu nhà ở cho tầng lớp này cực lớn, mỗi năm ít nhất phải có 50 ngàn căn nhà theo tịnh tiến mới đáp ứng đủ. Làm thế nào giúp các em an cư là điều tôi nghĩ ngợi suốt nhiều năm qua.
Căn hộ trí thức trẻ phát sinh từ những lần đi tặng học bổng cho sinh viên nghèo suốt 10 năm qua. Nhiều lần tôi đã tận mắt chứng kiến những em đã vượt qua nghịch cảnh. Rất nhiều em đạt điểm cao vào đại học mà thân hình tiều tụy, nhỏ thó. Các em đã có một ý chí rất mạnh.
Theo dõi từng bước chân các em lúc vào đại học đến khi ra trường, tôi thấy sau nhu cầu có việc làm là nhu cầu an cư. Những sinh viên mới ra trường đi làm thường không có tiền tích lũy nhiều nên phải có một giải pháp mang tính kinh tế thỏa mãn được điều kiện thu nhập của họ, để họ tiếp cận nhà ở.
Nhu cầu nhà ở của đối tượng này không đơn giản, vừa ít tiền nhưng cũng thích... đẹp. Đây là bài toán vô cùng khó với riêng tôi. Mãi đến năm 2014, tôi mới giải được bài toán này bằng giải pháp thiết kế.
Sau nhiều lần làm việc với các đơn vị thiết kế trong và ngoài nước, kể cả kiến trúc sư người Pháp, cuối cùng bản thiết kế của kiến trúc sư trẻ Võ Minh Đức đã được chấp nhận, bởi đã biến căn hộ thành một không gian resort đủ tiện ích, tràn ngập không gian trong lành để sống và hưởng thụ.
Điều gì khiến một người làm kinh doanh như ông lại rất quan tâm đến yếu tố nghệ thuật trong bất động sản?
Có lẽ do trời sinh, từ kinh doanh đến cuộc sống của tôi đều hướng về nghệ thuật. Dẫu rằng chưa đủ tài năng nhưng tâm hồn tôi luôn muốn chia sẻ với xã hội để nâng giá trị phần người lên trong không gian sống mà mình đã gầy dựng.
Quy hoạch chung của các khu đô thị mới đều tích hợp những giá trị phần cứng và phần mềm. Phần cứng là hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, quy hoạch, kiến trúc… chỉ cần người kinh doanh bất động sản có tâm một chút đều làm được, nhưng phần mềm là tạo dấu ấn nghệ thuật, nhân văn, biến một đô thị lạnh lẽo thành đô thị ấm áp thì vô cùng khó.
Tôi luôn hướng tới phần mềm đó. Mỗi năm ở đây sẽ có bốn "party": rằm tháng Sáu, Trung thu, Noel và Tết Âm lịch. 10 câu lạc bộ nghệ thuật gồm hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, điêu khắc, thể thao... Người trẻ thích điều này lắm. Ai mà chẳng có một chút tâm hồn nghệ sĩ trong người để cân bằng cuộc sống và được thăng hoa…
Xây dựng tính nhân văn phải thông qua những hoạt động cộng đồng để kết nối mọi thành viên ở đây trong không gian giống như một làng quê hiện đại. Chính điều đó trở thành một nếp sống rất văn minh, ai làm gì không đúng cũng ngại, làng trên xóm dưới ai cũng biết nhau.
Có lẽ tôi là người mơ mộng quá chăng, nhưng kinh doanh bất động sản với tôi chính là thổi hồn vào đất, khi đất có hồn sẽ nở ra những đóa hoa đời. Tôi đã đi khắp mọi miền đất nước, những vùng đất địa linh đều tạo ra nhân tài.
Tôi nghĩ khi mình để hết đam mê, dồn hết cung bậc tình cảm của mình vào đất, sẽ tạo ra những đóa hoa đời. Quan sát những nước mà xã hội xây dựng được những cộng đồng tốt, sẽ tạo ra những con người tốt, có trí tuệ minh mẫn, có tấm lòng với tha nhân và tâm hồn phong phú, ba phẩm chất cốt lõi đó đẻ ra những giá trị khác.
“Sống mà khô khan quá thì tôi không chịu được”
Chỉ riêng việc đeo đuổi để xin được phép đặt tên đường những người làm văn hóa nghệ thuật với ông hình như cũng là cả một chặng đường vất vả?
Tôi đi khắp đất nước, thấy nơi nào cũng đặt tên đường những danh nhân, nhưng ít ai chú ý vinh danh người làm văn hóa nghệ thuật. Đẻ ra ý tưởng xin đặt tên đường những văn nghệ sĩ đã để lại giá trị bất biến cho đời sau, kiên trì suốt 6 năm trời mới được thành phố chấp nhận.
Mình có một kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú và đa dạng, đó là tài sản, là vũ khí, là cái đẹp rất lớn của dân tộc đã được gìn giữ qua bao thăng trầm của lịch sử, không khoe ra cho thế giới biết thì uổng lắm.
Ước mơ của tôi là mỗi tỉnh thành sẽ dành một phần đường để đặt tên những nghệ sĩ, điều này phải cần có thời gian mới làm được, nhưng tại sao lại không?
Tôi dành con đường đẹp nhất bên dòng sông Rạch Chiếc để đặt tên Trịnh Công Sơn, cùng với bức tượng khắc họa chân dung anh của nhà điêu khắc Trương Đình Quế. Từ nhỏ tôi đã mê nhạc Trịnh, triết lý nhạc Trịnh đã thấm đẫm trong kinh doanh của tôi.
Hồi xưa làm Nhà nước, dù luôn hoàn thành công việc, nhưng tôi từng bị kỷ luật vì tính lãng du của mình. Nhưng nếu không bay bổng thì không làm việc được. Tôi đang kết hợp với Hội Mỹ thuật để tổ chức cuộc thi sáng tác những tác phẩm điêu khắc vui nhộn, hài hước cho cộng đồng nơi đây, để mỗi góc phố, công viên đều tràn ngập sự yêu đời.
Sống mà khô khan quá thì tôi không chịu được. Rất vui là cư dân ở đây cảm nhận được những giá trị tinh thần mà mình tạo dựng, và cảm thấy tự hào khi được sống ở đây.
Khó khăn lớn nhất với ông là gì khi theo đuổi giấc mơ suốt 9 năm qua, từ khi nơi đây chỉ mới là đầm lầy nước đọng, với bao trồi sụt bất thường của thị trường địa ốc?
Điều đó gắn với triết lý sống của riêng tôi. Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình mưu cầu điều gì trong cuộc sống? Danh hay lợi?
Hạnh phúc lớn nhất của con người phải chăng là được chia sẻ? Giàu cỡ Bill Gates cuối cùng cũng quay lại làm từ thiện. Mình không giàu, chỉ làm trong khả năng của mình nên vội vàng, không bị cuốn vào thị trường lúc đóng băng cũng như khi nóng lên.
Suốt 9 năm qua, tôi vẫn giữ được sự tự tại, khi khó khăn thì hạn chế trở lại, không phiên lưu. May có chút tích lũy để duy trì công ty và trả lương nhân viên bằng tiền lãi ngân hàng nên tôi đã vượt qua hai năm khủng hoảng nhất của thị trường.
Triển khai dự án giai đoạn 1 là 110 triệu USD, giai đoạn 2 là 90 triệu USD, quan điểm kinh doanh của tôi là chỉ làm một dự án nhưng phải tới bờ tới bến, dựa vào tiềm lực tài chính của mình, hoàn toàn không vay ngân hàng.
Có lẽ nhờ thế nên tôi không bị chi phối nhiều. Trong giới kinh doanh bất động sản tôi không phải là tên tuổi lớn, nhưng nổi tiếng vì toàn đam mê chuyện viển vông.
Tôi đang viển vông nữa khi muốn lập quỹ nhà ở cho trí thức trẻ, để sinh viên có thể vay mua nhà. Các em sẽ góp tùy theo điều kiện và được chia lãi cho đến khi nào đủ sức mua nhà. Dĩ nhiên quỹ phải có tài chính minh bạch và tạo được lòng tin.
Theo tính toán của tôi, sau 5 năm làm việc, với thu nhập của hai vợ chồng trẻ khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng là có thể sở hữu căn hộ.
Nghệ thuật đã giúp ông làm giàu có hơn cho tâm hồn mình như thế nào?
Tôi thích ca cổ, thích ngâm thơ, thích những dòng nhạc sâu lắng tải được tâm trạng, từ niềm vui đến nỗi đau của tha nhân. Tùy từng tâm trạng tôi chọn những tác phẩm phù hợp với nỗi lòng mình.
Nhìn rộng ra với cuộc đời, có điều gì khiến ông buồn nhất?
Một lần bay qua Rạch Giá, nhìn những căn nhà nông dân chơi vơi trong cánh đồng mênh mông, có gì đó thật trắc ẩn. Tôi tự đặt câu hỏi sao bao nhiêu năm giải phóng rồi mà người nông dân vẫn khổ? Có cách gì để đổi đời không?
Vì chuyện đó, tôi đã bỏ ba năm trời tìm ý tưởng, chia sẻ với các nhà nghiên cứu nông nghiệp như GS. Võ Tòng Xuân và các thầy ở đại học nông lâm để thiết kế một đô thị nông thôn cho mỗi vùng dân cư từ 500 dến 1000 hộ dân, tích hợp hết các công năng đô thị như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng…
Nông dân đâu biết quản trị, kinh doanh, họ cần doanh nhân làm đầu tàu dưới hình thức công ty cổ phần, và nông dân sẽ là những toa tàu, góp vốn bằng đất đai, để có thể chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị từ đầu tới cuối.
Sau bao nhiêu ngày lội ruộng cùng nông dân đẻ ra ý tưởng này, ai cũng OK, nhưng vướng… luật đất đai! Thế là mô hình cũng chỉ là…viển vông. Phải trả lại cho người nông dân quyền sở hữu đất đai của họ chứ, như thế là quá bất công. Nông nghiệp muốn khởi sắc phải thay đổi mô hình chính sách, không tới tận cùng khó mà đổi đời người nông dân.

Mỗi lần nghe chuyện phụ nữ Việt làm gái khắp thế giới, rồi chuyện Singapore cấm không cho phụ nữ Việt nhập cảnh, đau biết bao nhiêu.
Bạn bè vẫn quen gọi anh là “Bảy Hoàng”, đó là biệt danh thời còn hoạt động cách mạng hay còn mang ý nghĩa gì khác?
Thực ra cũng có chút tâm linh. Tôi là thứ chín trong nhà, khi đi kháng chiến lấy tên anh Bảy đặt Bảy Hoàng, cứ nghĩ lúc nào khó khăn cũng có anh hai phù độ. Rồi anh hy sinh mà tìm hoài không tìm thấy xác, có người thân chỉ lấy nắm cát để thờ. Cuộc sống có những lúc giông bão, nhưng tôi luôn tin có anh che chở.
Vợ và con gái ông hiện đang cùng anh điều hành công ty, đó có phải là hai điểm tựa vững chắc giúp ông phiêu bồng?
Con gái tôi học marketing và quản trị kinh doanh ở Úc, từng làm thuê cho công ty nước ngoài, giờ cũng về giúp tôi làm marketing. Cháu có kiến thức nhưng cũng phải từ từ để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Tôi may mắn có bà xã hiền lành, biết chia sẻ, sống thương người nên cũng thấy bình an. Có “quậy” gì thì cuối cùng cũng không vượt qua được tình cảm gia đình.
Cô ấy giúp tôi quản lý về tài chính, quản trị, những chuyện phát sinh hàng ngày, còn mình chỉ làm về chiến lược.
Điều gì lớn nhất anh muốn truyền cho con?
Sống sao cho đúng nghĩa một con người, biết chia sẻ với tha nhân. Quan niệm đó có thể là áp đặt, nhưng là áp đặt hướng thiện.
Mỗi lần làm từ thiện tôi hay dắt con theo, để con biết chia sẻ nỗi đau với cuộc đời những đứa trẻ không may mắn như con. Đó là bức tranh cuộc đời mà con phải học để lay động mình, còn cảm được đến đâu là chuyện của con.

KIM YẾN