Các cơ quan chức năng hiện nay đều biết đến sự có mặt của các loại tiền ảo tại VN nhưng chưa có một vụ việc nào được xử lý khi quy định còn quá lỏng lẻo.
Ba loại tiền ảo được giới thiệu với các nhà đầu tư - Ảnh: Thanh Xuân
Tiền ảo đã xâm nhập vào VN từ 2 năm trở lại đây. Ban đầu là Bitcoin và nay đến Onecoin, Gemcoin… Các hoạt động mời chào nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia hệ thống, những buổi hội thảo, giới thiệu cho NĐT phương thức đầu tư vào các đồng tiền ảo diễn ra công khai tại các khách sạn lớn.
Đăng ký kinh doanh trá hình
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề tiền ảo, vì vậy việc đi huy động vốn là hoạt động bất hợp pháp. Để diễn ra các hoạt động huy động vốn công khai thì các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Là một trong những cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Ngọc Tâm, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định loại tiền ảo chưa được cho phép giao dịch ở VN, vì vậy khó có việc cấp giấy phép kinh doanh. Nếu có, chỉ có thể trá hình thông qua hoạt động khác. Hiện nay, việc đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế đã liên thông với nhau, doanh nghiệp sau khi đăng ký xong là được gắn mã số thuế. “Hoạt động (trên giấy tờ) chưa hình thành thì làm sao thu thuế?!”, ông nói.
Trong khi đó, một cán bộ công an cho rằng việc xử lý tiền ảo “không hề dễ” vì các công ty này thường núp dưới dạng tư vấn, dịch vụ, thương mại… và các gói đầu tư được “phủ” lên với cái tên “chi phí học” để tránh cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, tiền ảo cũng là cái “mỏ vàng” ảo đầy rủi ro. Để ngăn chặn, kiểm soát tiền ảo nhằm hạn chế tổn thất cho người tiêu dùng ngay từ đầu thì các cơ quan cần kiểm tra sớm các hoạt động đăng trên website và việc huy động vốn công khai.
Cần nghiêm cấm các hoạt động tiền ảo
Từ cuối năm 2014 đến nay, một số vụ việc liên quan đến tiền ảo được phát hiện nhưng lại bị vướng luật không thể xử lý. Cuối năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 cá nhân để điều tra về tội kinh doanh trái phép. Cả 3 người này sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin để khai thác, mua bán Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Thế nhưng Viện KSND cho rằng không cấu thành tội “kinh doanh trái phép” vì kinh doanh, mua bán Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là kinh doanh tiền tệ; Bitcoin và tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm.
Một số vụ kinh doanh tiền ảo tương tự khác trên địa bàn TP.HCM được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua nhưng theo một cán bộ công an cũng không xử lý đến đâu. Trường hợp NĐT không được trả tiền đi tố cáo thì công an có cơ sở để xử lý và có thể cấu thành tội “lừa đảo”. Nhưng với hệ thống mạng lưới chi trả tiền hoa hồng cao theo kiểu đa cấp nên những người đã lỡ tham gia, biết mình bị lừa rồi thì sẽ cố gắng đi lừa lại người khác để lấy lại tiền thay vì đi tố cáo. “Chúng tôi lúng túng trong xử lý khi pháp luật không thừa nhận đồng tiền ảo nhưng lại không có quy định nào cấm”, vị công an này nói.
Một luật sư tại TP.HCM cho rằng, trước đây khi chưa có quy định cấm sàn vàng, hoạt động của các sàn vàng phát triển và quảng cáo rầm rộ. Đến khi có quy định cấm, cơ quan công an có cơ sở để xử lý những công ty kinh doanh sàn vàng. Đối với các đồng tiền ảo cũng khá giống vậy. Ngân hàng Nhà nước chỉ mới cảnh báo chung chung là pháp luật không thừa nhận đồng tiền này và NĐT tham gia không được pháp luật bảo vệ, NĐT tự chơi tự chịu trách nhiệm.
Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn về việc cấm kinh doanh, sử dụng các đồng tiền ảo, nếu không sẽ để lại nhiều hệ quả sau này.
Thanh Xuân - Hồng Sương