Nhà nước sẽ sớm 'buông' độc quyền điện, xăng dầu?
Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện Nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại.
Lí do xây dựng nghị định, theo Bộ Công Thương là “khuyến khích khu vực kinh tế khác tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước đang nắm giữ nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh...”.
 
Nhưng mục đích quan trọng nhất vẫn là nhằm đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Theo đó, Nhà nước sẽ còn độc quyền trong lĩnh vực thương mại đối với 16 loại hàng hóa, dịch vụ.
 
Vẫn độc quyền sản xuất vàng miếng
 
Thông tin đáng lưu ý trong dự thảo là Nhà nước sẽ bỏ độc quyền kinh doanh điện, xăng dầu... Như vậy trong ngành điện, Nhà nước chỉ độc quyền vận hành thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân, vận hành truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia...
Theo dự thảo nghị định, Nhà nước chỉ độc quyền vận hành thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân, vận hành truyền tải. 
Với các loại hàng hoá khác Nhà nước sẽ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, nhập khẩu thuốc lá, kinh doanh xổ số kiến thiết, đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng...
 
Về lĩnh vực dịch vụ, Nhà nước độc quyền trong dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ công đảm bảo an toàn hàng hải, bảo đảm hoạt động bay, xuất bản, in, đúc tiền, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
 
Theo dự thảo, nghị định sẽ có danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thương mại Nhà nước nắm giữ độc quyền. 
 
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên danh mục này được đề cập đến. Từ năm 2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/NĐ-CP về danh mục về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế và có điều kiện.
 
Mặc dù tên gọi khác nhưng việc hạn chế cũng như yêu cầu điều kiện đối với các thành phần kinh tế khác khi tham gia do đó được hiểu như đây là “vùng cấm” đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
 
Điều đáng nói là dường như Nghị định 59 bị “quên lãng” vì trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không dựa vào danh mục này để xác định hàng hóa, dịch vụ có điều kiện hay không. 
 
Từ năm 2006 đến nay các cơ quan Nhà nước ban hành văn bản cũng không dựa vào Nghị định 59 để xác định các biện pháp quản lý tương ứng đối với các hàng hóa, dịch vụ...
 
Tiêu chí chung chung và mơ hồ
 
Dự thảo nghị định lần này được Bộ Công Rhương đưa ra với quy định: “Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định chỉ được thực hiện theo quy định của nghị định này hoặc của luật, pháp lệnh, nghị định khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn hiệu lực và được ban hành trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành...”.
 
Đây được xem là một quy định “đánh đố” doanh nghiệp ngoài Nhà nước, vì phạm vi quá rộng, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
 
Việc công khai, minh bạch các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước độc quyền thương mại là nhằm đảm bảo sự minh bạch trong chính sách và làm cho môi trường kinh doanh đầu tư ổn định.
 
Trong số những tiêu chí độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại có tiêu chí: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia...”.
 
Tiêu chí này được xem là mang tính “chung chung” khi không có giải thích thế nào là loại “hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước thấy cần phải độc quyền...”. Việc Nhà nước “thấy cần” này phải được cụ thể hóa, minh bạch hóa.
 
Bên cạnh đó, cũng chưa rõ căn cứ để xác định “các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia”. Trong thực tế mọi loại dịch vụ, hàng hóa trong giao dịch thương mại các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đều có thể tham gia, thậm chí còn làm tốt hơn Nhà nước.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, độc quyền thương mại Nhà nước chỉ nên áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ địa bàn thiết yếu liên quan đến an ninh, quốc phòng, đảm bảo lợi ích quốc gia mà việc giao cho các thành phần kinh tế khác sẽ gây ra rủi ro lớn về an ninh, quốc phòng, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.