VPF đã đi sai hướng
Sự ra đời của Công ty VPF để thay mặt VFF điều hành các giải đấu chuyên nghiệp là chuyện không có gì để bàn. Thậm chí, phải 10 năm sau khi V-League ra đời mà VPF mới được thành lập là quá muộn. Chính cái sự muộn màng này đã bẻ cong khả năng phát triển của V-League.

VFF thoát được gánh nợ

Ai cũng biết là VPF được “sinh ra” sau “quả bom” của bầu Kiên tại Hội nghị tổng kết mùa bóng 2011. Vì lẽ đó, đa số đều cho rằng đấy là “cuộc cách mạng” của bóng đá Việt Nam hoặc chí ít cũng là cột mốc mang tính lịch sử.

Trên thực tế, VFF còn “cảm ơn” bầu Kiên mới đúng bởi trước đó họ loay hoay tìm cách thành lập một công ty để quản lý V-League theo khuyến cáo của AFC. Nếu không có, thậm chí bóng đá Việt Nam còn bị phạt nên khi các ông bầu cùng nhau lập ra VPF người ta thấy các lãnh đạo VFF hồ hởi tán thành, cứ như thể họ “vì sự nghiệp chung”. Thật ra, VFF vừa thoát khỏi một bàn thua. Từ khi có VPF, mỗi năm đều đều VFF nhận được 10 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ VPF mà chẳng phải làm gì. Thậm chí, sau khi bộ phận trọng tài được đưa về lại VFF thì tổ chức này còn kiểm soát toàn bộ V-League.

Sự tồn tại của VPF đến nay cho thấy VPF đang là “cánh tay nối dài” của VFF… Ảnh: Hoàng Hùng

Công bằng mà nói, khi bầu Kiên chưa dính vòng lao lý thì đúng là VFF bị lép vế thật. Đến mức, ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ còn rảnh rỗi đến mức đi tham gia các buổi hội thảo về… cỏ nhân tạo. Bầu Kiên làm quá quyết liệt, đặc biệt là vụ giành lại bản quyền truyền hình, "miếng bánh” cuối cùng mà VFF có trong tay. Kế đến, uy tín của bầu Kiên khiến các CLB thời điểm đó không còn quan tâm đến VFF dù trên nguyên tắc, CLB là thành viên và sự tồn tại do chính VFF quyết định.

VPF sai chỗ nào?

Mọi giải đấu chỉ được hình thành trên nền tảng của các CLB. Trong một nền bóng đá, VFF có rất nhiều thành viên mà các CLB chỉ là một phần. Không có các CLB, VFF chẳng “chết” nhưng VPF thì ngược lại, công ty này tồn tại và phát triển dựa trên các CLB chuyên nghiệp, những thành phần cốt lõi tạo nên các giải đấu. Như vậy, về nguyên tắc thì VPF phải là nơi đại diện cho các CLB, chăm lo cho các CLB là nghĩa vụ và quyền lợi của VPF.

Thế nên, một khi mà các CLB đứng lên phê phán VPF điều đó cũng đồng nghĩa là VPF chẳng còn giá trị gì nữa. Làm gì có chuyện các công ty con lại đi “chửi” công ty mẹ?! Từ khi không còn bầu Kiên, việc các CLB phản ứng với VPF trở thành “chuyện cơm bữa”. Tất nhiên các CLB có lý của mình bởi họ không tìm thấy lợi ích gì từ VPF, ngược lại họ chỉ thấy VPF là “cánh tay nối dài” của VFF. Điều này chẳng khác gì một CLB làm thành viên của VFF đến… 2 lần, tại sao không trả V-League về VFF cho xong.

Trên thực tế, đúng là VPF chỉ còn mang ý nghĩa của một công ty tổ chức sự kiện hơn là nhà điều hành giải đấu. Một cổ đông của họ bị xuống hạng, họ không đi thăm hỏi, tư vấn nhưng cũng chính cổ đông đó tổ chức trò vui giữa trận đấu để kiếm thêm tiền thì bị họ tuýt còi. VPF “ép” các CLB phải thực hiện các tiêu chuẩn về tổ chức, tức là bắt các CLB phải tốn thêm tiền nhưng họ lại không đem tiền về cho CLB. Họ độc quyền bán quảng cáo trên truyền hình nhưng trên thực tế, đa số các đài truyền hình địa phương đều do các CLB tự vận động bằng quan hệ riêng, nào đâu phải công lao của VPF? Đơn cử như việc đội Quảng Nam phải nhờ lãnh đạo tỉnh tác động thì Đài Quảng Nam mới truyền hình trực tiếp nhằm “phục vụ nhân dân”, hoặc VTV truyền nhiều trận của HA.GL là do khả năng truyền thông của CLB chứ có phải của VPF tạo ra đâu? Nói cách khác, những gì mà VPF đem đi bán lấy tiền đều xuất phát từ các đội bóng thế nhưng chuyện các CLB có tiền hay không thì… hên, xui.

Và cuối cùng, cái sai lớn nhất của VPF chính là quá giống VFF ở “bệnh đổ thừa”. Như đã nói, họ đại diện cho các CLB nên lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết các CLB. Họ không thể “ép” các CLB phải đá thế này, phải tiêu chuẩn thế nọ trong khi họ biết quá rõ tình hình tài chính của những cổ đông ấy. Thay vì thế, VPF phải có phương án tổ chức V-League sao cho hay, tận dụng các nguồn lực để kiếm thêm tiền và từ đó, mới “nói chuyện” được với các CLB. Như trong một công ty, muốn thuyết phục các cổ đông thì phải làm được việc, không thể bảo các cổ đông rót thêm vốn khi mình kinh doanh thiếu hiệu quả.

Hồ Việt

***

VPF có cần thiết không?

Sự ra đời của VPF ở năm 2012 là quá muộn bởi V-League đã có được đó 10 năm và giai đoạn “thơm tho” nhất đã được VFF hưởng trọn.

Tất nhiên cũng không cần phải hỏi: VPF có cần thiết không bởi về mặt pháp lý, công ty này buộc phải có. Và cũng vì thế, sự tồn tại của VPF phải mang một ý nghĩa khác chứ không chỉ là một công ty thay mặt hay được VFF ủy quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp.

 

Hoạt động của VPF không hiệu quả như kỳ vọng của người hâm mộ. Ảnh: Quang Minh

Vì sao? Vì về cơ bản, VPF chẳng liên quan gì đến VFF cả bởi quyền hạn, trách nhiệm và những gì họ đại diện đều trong một giới hạn, thậm chí VPF thành công hay không cũng chưa chắc liên quan đến sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam.

Lấy ví dụ: giải Ngoại hạng Anh tràn ngập các cầu thủ nước ngoài, đương nhiên là phần nào đó có hại cho đội tuyển Anh nhưng sao không ai quy trách nhiệm cho BTC giải? Lý do khá cơ bản: việc của BTC là làm sao cho giải đấu hấp dẫn hơn, kiếm nhiều tiền hơn và một phần rất lớn nguồn doanh thu đó được chuyển về cho LĐBĐ Anh (FA) để phát triển tài năng trẻ. Còn chuyện các CLB Anh có sử dụng cầu thủ Anh hay không lại tùy vào các quy định của FA nhưng các quy định này lại phải tuân thủ đúng luật pháp trong đó có những vấn đề về quyền lao động của công dân châu Âu chẳng hạn. Nói chung, việc của BTC giải Ngoại hạng là hợp tác với FA nhưng họ không chịu trách nhiệm về chuyện bóng đá Anh tốt hay xấu bởi sự đóng góp lớn nhất của họ là phát triển giải Ngoại hạng, một việc FA không thể làm. Nếu còn làm luôn chuyện tạo cơ hội cho cầu thủ Anh thế thì cần gì đến FA nữa?!

So sánh thì khập khiễng nhưng về bản chất VPF cũng như BTC giải Ngoại hạng. Họ hợp tác chứ không thể lệ thuộc vào VFF. Họ tuân thủ các quy định có tính căn bản nhưng họ phải chủ động làm gì để V-League và các giải đấu khác có thể phát triển. Họ không thể “nghe theo” VFF khi mà tổ chức này không “cho tiền”, ngược lại còn lấy tiền của họ. Nếu VPF làm cho V-League phát triển, kiếm nhiều tiền thì ai có lợi đầu tiên? Chính là VFF với 30% cổ phần và những khoản hỗ trợ cố định. Đó chính là các đóng góp quan trọng của VPF đấy thôi.

Lấy ví dụ: Tại sao VFF yêu cầu đăng ký 3 đá 2 ngoại binh mà VPF vẫn nghe theo trong khi họ biết chắc là thiếu ngoại binh, độ hấp dẫn của V-League sẽ kém trong khi cái quy định của VFF chưa chắc đã tốt cho cầu thủ Việt. Giải Ngoại hạng Anh ra đời năm 1992 nhưng sau cú sốc mang tên Middlesborough khi tiến hành một loạt hợp đồng bom tấn thuê các ngôi sao ngoại như Juninho, Emerson và Ravanelli thì giải đấu này mới vượt qua biên giới nước Anh để trở thành số 1 toàn cầu. Đội tuyển Anh đúng là chẳng tốt hơn sau thời điểm đó, và vì thế mà FA phải đề ra một loạt quy định như một CLB phải có 8 cầu thủ “đào tạo tại chỗ” chẳng hạn.

Tóm lại, VPF có cần thiết hay không nằm ở trách nhiệm của họ với các CLB chứ không phải cứ làm cái gì cũng phải xin ý kiến VFF. Tức là phải làm rõ: VPF có quyền làm mọi điều để giúp cho V-League phát triển trong khi đó, VFF sử dụng các quyền hạn của mình để điều chỉnh cho phù hợp chứ không phải buộc VPF phải làm gì.

Việt Long