Tòa án Mỹ ngày 16/10 ra phán quyết yêu cầu hãng công nghệ Apple phải bồi thường cho Đại học Wisconsin-Madison 234 triệu USD vì sử dụng công nghệ của trường này cho iPhone và iPad khi chưa được cho phép.
Theo tin từ Reuters, mức bồi thường trên thấp hơn mức 400 triệu USD mà Quỹ nghiên cứu Sinh viên Wisconsin (WARF), đơn vị trực tiếp đâm đơn kiện Apple, mong muốn nhận được trong vụ này sau khi tòa kết luận “quả táo” vi phạm bằng sáng chế.
Hôm thứ Ba tuần này, tòa án chính thức kết luận Apple vi phạm bằng sáng chế của WARF về công nghệ cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ vi xử lý máy tính. Công nghệ này đã được Apple triển khai trên một số mẫu điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad.
Đơn kiện Apple được quỹ nghiên cứu này nộp lên tòa hồi đầu năm 2014. Phiên tòa xét xử vụ kiện này bắt đầu hôm 5/10.
Apple tuyên bố sẽ kháng cáo, nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào khác.
WARF hoan nghênh phán quyết của tòa và nói bảo vệ những phát minh của trường trước hoạt động sử dụng trái phép là công việc quan trọng. “Quyết định của tòa là một thông tin tuyệt vời”, Giám đốc điều hành WARF Carl Gulbrandsen nói trong một tuyên bố.
Những con chip liên quan trong vụ này bao gồm A7, A8 và A8X được sử dụng trong iPhone 5s, iPhone 6 và iPhone 6 Plus, cũng như một số mẫu iPad. Công nghệ được Apple sử dụng cho những con chip này được cho là công nghệ mà WARF được công bằng sáng chế vào năm 1998. Đó là công nghệ do giáo sư gốc Ấn Gurindar Sohi cùng 3 sinh viên của ông phát triển.
Vào năm 2009, WARF đã từng kiện hãng Intel về vi phạm bằng sáng chế với công nghệ nói trên, buộc hãng này phải bồi thường 100 triệu USD. Các luật sư của Apple cho rằng, “quả táo” đúng ra chỉ phải trả mức bồi thường thấp hơn số tiền mà Intel phải trả.
Tháng trước, WARF tiếp tục khởi kiện một vụ mới nhằm vào Apple, nhằm vào những con chip và thiết bị mới nhất của hãng này, bao gồm iPhone 6s, iPhone 6s Plus, và iPad Pro.