Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - Trương Văn Phước vừa có cuộc trao đổi với VnExpress xung quanh câu chuyện tái cơ cấu các nhà băng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
- Từng đi "biệt phái" tại Eximbank khi ngân hàng này bên bờ vực phá sản, nợ xấu có lúc lên tới 75%..., giờ ông đánh giá gì về tình hình tổn thất và khả năng vực dậy của 3 "nhà băng 0 đồng" là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu?
- Theo tôi biết, các khoản cho vay của 3 ngân hàng này đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề lớn là chúng có tình trạng pháp lý chưa đầy đủ, dẫn đến việc họ phải trích lập dự phòng nhiều, làm cân đối thu chi trở nên khó khăn. Cũng vì lẽ đó mà hiện xuất hiện các quan điểm khác nhau về tổn thất.
Với kinh nghiệm xử lý Eximbank trước đây, ông Trương Văn Phước tin rằng 3 ngân hàng 0 đồng có thể cần 3-5 năm để có lãi. Ảnh: Quý Đoàn |
Khi đánh giá giá trị tài sản, cổ phần của các ngân hàng 0 đồng, các bên kiểm toán độc lập và phần lớn mọi người đều nhìn nhận, cứ tài sản không có giấy tờ sở hữu hợp pháp là loại ra và coi như trị giá bằng 0. Theo tôi đây là một quan điểm không phù hợp. Tuy về mặt pháp lý nó chưa hoàn thành nhưng giá trị vật chất, giá trị tiền tệ kết tinh thì vẫn phải thừa nhận.
Năm 2000, khi chấn chỉnh Eximbank tôi cũng phải xử lý rất nhiều nợ xấu, trong đó có những tài sản của Công ty Minh Phụng không có giấy tờ hợp pháp và giá trị của nó cũng bị tính bằng 0. Tôi nghĩ nếu có sự hợp tác của các Bộ ngành trong việc xác lập lại giá trị pháp lý cho chúng thì giá trị tài sản sẽ phản ánh đúng bản chất. Vì thế tôi tin việc mất vốn và tổn thất của các ngân hàng 0 đồng không lớn như con số hiện nay ta đánh giá.
- Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất của các ngân hàng 0 đồng hiện nay?
- Việc đầu tiên và khẩn cấp là Ngân hàng Nhà nước và các cán bộ của những ngân hàng thương mại Nhà nước được chỉ định phải bằng mọi cách "cầm máu", ngưng lỗ để cân bằng thu chi. Sau đó đến bước xử lý nhanh nợ xấu. Dù làm những bước nào thì các ngân hàng này vẫn cần những người điều hành có tay nghề giỏi. Con người là yếu tố quyết định việc cứu các nhà băng này có thành công hay không.
Tuy nhiên, cần có một cơ chế đặc thù cho những người này để họ tự tin đưa ra quyết định tín dụng mới mà không phải nơm nớp lo sợ. Khi cho vay, không có ngân hàng nào tự tin rằng sẽ không xảy ra rủi ro và không có nợ xấu cả. Nhưng thử tưởng tượng đội bóng đang thua 3-0 ở phút thứ 70 mà các cầu thủ không dám xông lên tấn công bởi sợ thủng lưới thêm bàn nữa sẽ bị quy trách nhiệm nặng nề thì không thể nào gỡ các bàn thua.
Đó chính là vấn đề mà 15 năm trước tôi đối mặt khi chấn chỉnh Eximbank. Nếu vì an toàn cá nhân, tôi sẽ chỉ cho vay dựa trên khoản có tài sản thế chấp. Nhưng an toàn cho tôi thì làm sao ngân hàng có thể cạnh tranh để mở rộng tín dụng, bù đắp thua lỗ và gỡ các bàn thắng được? Vì vậy cần cởi bỏ tâm lý cho các cán bộ điều hành ngân hàng 0 đồng, cho họ một không gian rủi ro nhất định để họ hoạt động.
- Vậy theo ông nên cởi trói tâm lý cho các cán bộ điều hành ngân hàng 0 đồng như thế nào mà vẫn hạn chế được những rủi ro?
- Hồi đó, những người tham gia chấn chỉnh củng cố Eximbank, đặc biệt là tôi - tổng giám đốc - có một cơ chế theo dõi giám sát riêng của Ngân hàng Nhà nước. Miễn chứng minh được quyết định cấp tín dụng có cơ sở về mặt kinh tế, động cơ cho vay trong sáng là vị tổng giám đốc được cho vay mà không phải nơm nớp lo sợ. Ngày đó, tổ giám sát đặc biệt mà Ngân hàng Nhà nước cử vào theo dõi giám sát từng ngày từng giờ, họ xem từng hoạt động và từng hợp đồng tín dụng mới phát sinh của Eximbank.
- Theo ông mất bao lâu để các ngân hàng 0 đồng "vươn lên mặt đất" và có lãi?
- Thời gian cần để phục hồi lại 3 ngân hàng này theo tôi từ 3-5 năm. Tuy nhiên, đó là với điều kiện có hai nhân tố quan trọng: con người và cơ chế. Đội ngũ quản trị mới không chỉ có tay nghề mà cần còn có đạo đức và họ phải được trao một không gian rủi ro nhất định để "tấn công" gỡ bàn thua cho ngân hàng như tôi vừa nói.
Ngoài ra, về mặt cơ chế, Ngân hàng Nhà nước có thể cho họ một lãi suất tái cấp vốn thấp để họ có nguồn vốn, hỗ trợ họ quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giấy tờ cho tài sản đảm bảo hay miễn giảm tiền thuế nhà cửa đất đai..., kể cả có thể thanh toán ngay các khoản nợ mà VAMC mua của họ.
Tại sao lại được ưu tiên như vậy? Bởi vì tôi đang chữa căn bệnh mà các tế bào trên cơ thể này chính là người dân gửi tiền. Nếu cứu được cơ thể ấy bằng các liều thuốc dù là miễn phí đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tôi đã cứu bao nhiêu lợi ích của người gửi tiền.
- Việc Ngân hàng Nhà nước xử lý 3 tổ chức trên bằng cách mua lại cổ phần với giá 0 đồng, vẫn tạo ra những ảnh hưởng về mặt tâm lý với cổ đông của các ngân hàng khác đang hoạt động bình thường. Họ luôn lo lắng và chất vấn lãnh đạo các ngân hàng mình đầu tư về khả năng bị mua lại tương tự như VNCB, OceanBank hay GPBank. Theo ông, làm sao để giải tỏa tâm lý này?
- Đương nhiên, cách làm này không nên lạm dụng bởi không chỉ ở Việt Nam, nước ngoài họ cũng lựa chọn việc mua lại một nhà băng rất dè dặt. Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước không mua lại cổ phần của các nhà băng này thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn chỉ còn lại việc cho ngân hàng phá sản. Đó lại là giải pháp không khả thi cả về mặt pháp luật lẫn đạo lý trong giai đoạn này.
Việc các cổ đông băn khoăn lo nghĩ cũng là dễ hiểu bởi đó là tiền bạc, tài sản của họ. Nhưng tôi nghĩ với những kinh nghiệm đã có được, với quá trình tái cơ cấu hệ thống đang diễn ra như hiện nay, khả năng để xảy ra những sự cố như vậy vô cùng khó.
Thanh Thanh Lan