Chân dung tập đoàn Singapore bị ''đồn'' bạo chi 4 tỷ USD mua cổ phần Vinamilk
Trước Thế chiến I, công ty mở rộng nhanh chóng. Tính đến năm 1914, Fraser & Neave có văn phòng và cơ sở sản xuất tại Kuala Lumpur, Malacca, Seremban, Ipoh, Penang, Bangkok và Sài Gòn.

Ngày 3/11, báo chí xôn xao với thông tin Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave đánh tiếng mua lại 45% cổ phần Vinamilk từ SCIC với giá 4 tỷ USD. Mặc dù ngay sau đó, Fraser & Neave đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, nhưng đây hiện vẫn là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk và là một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Fraser & Neave hiện đang thống trị thị trường đồ uống tại cả Singapore và Malaysia, trên đường chinh phục nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

"Bạch tuộc"

Singapore trở thành nước cộng hòa độc lập vào những năm đầu của thế kỷ 19, lột xác thành mảnh đất hứa đối với nhiều doanh nhân ưa mạo hiểm. Hai chàng trai người Scotland là John Fraser và David Chalmers Neave không phải ngoại lệ.

Fraser và Neave cùng nhau thành lập công ty đầu tiên trong lĩnh vực in ấn vào năm 1865. Trước những năm 1870, Fraser được mệnh danh là "con bạch tuộc vui vẻ" vì sự lanh lẹ và chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

Một trong những sản phẩm của ông là công ty Fraser & Co., sau này được đổi tên thành Fraser Securities Inc. Đây là công ty môi giới chứng khoán đầu tiên của Singapore và là một trong những công ty tài chính lâu đời nhất vùng Viễn Đông.

Những năm 1880, Fraser và Neave nhận ra một địa hạt kinh doanh màu mỡ mới tại đảo quốc có khí hậu ấm áp, đó là nước có ga. Năm 1883, hai người thành lập công ty Singapore and Straits Aerated Water, tuyển dụng vỏn vẹn 20 nhân viên.

Đến cuối thế kỷ, Fraser và Neave đã xây dựng được chỗ đứng cho công ty. Lên sàn niêm yết năm 1898, công ty được đổi tên thành Fraser & Neave, chuyển tới trụ sở mới tại Singapore, thu về một mối cả hoạt động sản xuất nước có ga và in ấn.

Trước Thế chiến I, công ty mở rộng nhanh chóng. Tính đến năm 1914, Fraser & Neave có văn phòng và cơ sở sản xuất tại Kuala Lumpur, Malacca, Seremban, Ipoh, Penang, Bangkok và Sài Gòn.

Liên doanh với các ông lớn

Sau khi thống lĩnh, chi phối thị trường nước giải khát tại Châu Á - Thái Bình Dương, Fraser & Neave tìm đến một thị trường mới vào đầu những năm 1930. Năm 1931, công ty liên doanh với Heineken của Hà Lan, thành lập Malayan Breweries Ltd.

Công ty mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, vài năm sau ra mắt thị trường thương hiệu bia Tiger, giờ đang nằm top thương hiệu bia được ưa thích nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Bia Tiger lọt top thương hiệu bia được ưa thích nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Năm 1936, Fraser & Neave mua giấy phép nhượng quyền đóng chai cho Coca-Cola tại thị trường Singapore và Malaysia, nhanh chóng trở thành một trong những công ty đóng chai Coca-Cola lớn nhất khu vực.

Năm 1955, Malayan Breweries Ltd thâu tóm công ty South Pacific Brewery tại Papua New Guinea. Thương vụ này gom về tay Fraser & Neave một nhãn hiệu bia cao cấp khác là SP Lager.

Năm 1959, Fraser & Neave giành quyền sản xuất một nhãn hiệu đồ uống mới nổi khác là Seven Up. Năm 1971, công ty mua nhượng quyền thương mại của nhãn hiệu Fanta và tung ra một thương hiệu mới là Zappel.

Bộ sưu tập bất động sản đồ sộ

Đồ uống - mảng thị trường là con gà đẻ trứng vàng của Fraser & Neave từng bị đe dọa. Chính sách phát triển quốc gia mới của Malaysia – một trong hai thị trường chủ đạo của công ty – giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại trong các công ty nội địa.

Buộc phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, Fraser & Neave tìm đến một động lực tăng trưởng mới, đó là bất động sản.

Thông qua công ty con Fraser Centrepoint, Fraser & Neave thâu tóm hàng loạt mảnh bất động sản “khủng” trải từ London, Paris, Dubai tới Singapore. Trong đó đáng chú ý nhất là trung tâm mua sắm Centrepoint thuộc khu Orchad Road tại Singapore và khu dân cư Riverside bên bờ sông Thames tại Anh.

Nhòm ngó thị trường mới

Năm 1994 đánh dấu bước đột phá trong chiến lược mở rộng của Fraser & Neave. Công ty tuyên bố sẽ chi 1,2 tỷ dollar Singapore để thâm nhập các thị trường mới như Việt Nam. Một chiến lược phát triển mới được công bố xoay quanh ba trụ cột: Đồ uống, bất động sản và công ty liên doanh.

Năm 2006, Fraser & Neave mua lại phân nhánh sản xuất sữa đóng hộp, sữa lạnh và nước trái cây tại Thái Lan và Malaysia. Khi thương vụ hoàn thành năm 2007, Fraser & Neave chính thức trở thành công ty sản xuất sữa đóng hộp lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2012, Fraser & Neave vướng vào một trận tranh đấu khốc liệt với Heineiken trên thị trường bia hơi châu Á. Từ lâu là đối tác trong công ty Asia Pacific Breweries (APB), Heineken sở hữu 41,9% APB, trong khi Fraser & Neave sở hữu 40%, 15% còn lại thuộc về hãng bia Nhật Kirin Holdings.

Heineken đã chào mua lại toàn bộ số cổ phần mà Fraser & Neave nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp tại APB với giá 4,1 tỷ USD.

Muốn nắm toàn bộ thương quyền của các nhãn hiệu bia như Tiger, Heineken, Anchor, Heineken đã chào mua lại tất cả số cổ phần mà Fraser & Neave nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp tại APB với giá 4,1 tỷ USD, tương đương P/E tới 35 lần.

Tuy nhiên ý định thâu tóm của Heineken liên tục bị tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi "phá bĩnh". Tỷ phú Thái Lan chào mua toàn bộ cổ phần ở Fraser & Neave với giá 9 tỷ dollar Singapore (7,3 tỷ USD) hòng ngăn chặn thương vụ.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Charoen lại quyết liệt phá vỡ thương vụ Heineken-Tiger đến vậy. Lĩnh vực sản xuất bia ThaiBev không mang lại cho tỷ phú này mức lợi nhuận mong muốn như APB. Nhãn hiệu bia Chang của ông tại Thái Lan vẫn là sản phẩm cấp thấp, chưa được nhiều người biết đến và tin dùng như Tiger. 

Sau hai tháng chống chọi, đến tháng 9/2012, Heineken chính thức giành quyền kiểm soát APB với giá 6,3 tỷ USD, trong đó ông Charoen bỏ túi 1,6 tỷ USD. Đổi lại, Heineken phải cam kết sẽ không đưa ra lời mời chào mời mua lại toàn bộ tập đoàn F&N đang nằm trong tầm ngắm của ông Charoen.

 

LỀ PHƯƠNG