Sau đó Khôi trình Thầy là con đã mài kiếm xong. Thầy hỏi:
- Sắc chưa?
- Thưa Thầy sắc lắm rồi ạ!
- Con căn cứ vào đâu mà nói là đã sắc lắm?
- Thưa Thầy con thử lướt kiếm qua cành lá thấy rất ngọt cả tán lá bị đứt phẳng lừ!
- Thế chưa phải là sắc mài tiếp đi. Thầy nói.
Khôi lại tiếp tục mài kiếm. Sau đó lại trình Thầy là kiếm đã sắc hơn trước nhiều rồi. Thầy lại hỏi:
- Con căn cứ vào đâu?
- Thưa Thầy con dùng sợi tóc phất vào lưỡi kiếm, sợi tóc đứt ngay.
- Chưa sắc! Thầy nói.
Khôi nghĩ chắc Thầy có ngụ ý gì đó, bèn nói:
- Thưa Thầy có điều gì xin Thầy chỉ giáo. Con xin đa tạ Thầy.
Thầy mỉm cười dẫn Khôi tới ban thờ Tổ. Thầy thắp nhang, Khôi quỳ dưới chân Thầy cùng vái Tổ. Sau đó Thầy lấy cây kiếm lệnh trên ban thờ Tổ rồi cùng Khôi tới một dòng suối. Thầy sai Khôi cắm hai cây kiếm hướng lưỡi ngược dòng nước. Sau đó đi về phía thượng nguồn thả một nắm lá khô xuống suối. Những chiếc lá theo nhau trôi xuống chỗ hai cây kiếm. Thầy bảo Khôi cái kiếm con vừa mài lá trôi xuống chạm vào lưỡi kiếm rồi trôi tiếp. Còn cây kiếm lệnh thờ Tổ có cái lá nào chạm vào đâu. Mới gần tới là lá đã lánh qua rồi trôi đi. Kiếm thế mới là sắc!
Học võ mà khi thi đấu hoặc lâm trận bách chiến bách thắng chưa phải là thành tựu. Mà chỉ thành tựu khi mọi đối thủ phải bỏ ý đồ xâm phạm mình! Bởi tận cùng của Võ là Văn. Văn trong Võ là Đạo lý là Đức độ để áp chế chinh phục đối phương. “Đạo cao long hổ phục. Đức trọng quỷ thần kinh”. Bản chất của võ là như vậy!