Trọng tài sẽ rất phấn khởi
Nếu chúng tôi nhớ không nhầm từ cách đây dăm bảy năm, khi còn giữ chức chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia, ông Mùi đã vài lần lên tiếng về vấn đề này. Nhưng suốt bao nhiêu mùa giải đã qua, vì ban tổ chức giải kể cả khi còn trực thuộc VFF cho đến khi được chuyển giao cho VPF vẫn chưa thể đưa chuyện mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ, trọng tài vào kế hoạch hành động của mình.
Ông Mùi nói: “Tôi chưa được thông báo chính thức từ lãnh đạo VPF nhưng qua báo chí, thông tin VPF đang xúc tiến đàm phán với một số công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ, trọng tài khiến tôi rất mừng. Và chắc chắn, đội ngũ trọng tài sẽ rất phấn khởi vì thấy mình đã được quan tâm đúng mức.
Đúng như bạn nói, trước đây, tôi đã từng đề xuất ý tưởng này. Tôi đã nói rõ là nghề trọng tài tại Việt Nam tương đối nguy hiểm vì rất hay bị nhận phản ứng của các đội bóng, của khán giả trên sân, thậm chí còn bị đe dọa.
Đến mùa giải tới, VPF mới có cơ hội và điều kiện để biến ý tưởng thành hiện thực. Không thể nói là sớm nhưng cũng chưa phải là muộn. Việc mua bảo hiểm này đã phần nào thể hiện tính chuyên nghiệp của VPF và ban tổ chức giải”.
Ông Mùi tranh thủ điểm lại một số sự cố khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của trọng tài. Vụ điển hình nhất xảy ra năm 2006 trong trận đấu giữa Đồng Tâm Long An gặp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Long An.
Trợ lý Châu Đức Thành bị một khán giả quá khích ném gạch vỡ đầu khi trận đấu chưa kết thúc. Khán giả này bị lực lượng cảnh sát “tóm cổ” tại chỗ còn đầu trợ lý Thành chảy be bét máu và bộ phận y tế của ban tổ chức sân phải khâu sống 3 mũi ngay rề đường biên. Sau khi được “phẫu thuật”, trợ lý Thành lại tiếp tục công việc với băng quấn trắng xóa trên đầu.
Hai vụ khác, tuy không có có cảnh máu chảy nhưng cũng để lại dấu ấn khó quên trong trí nhớ khán giả. Trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng (ông đã mất) bị cầu thủ Chu Văn Mùi rượt đuổi trong trận Đồng Tháp thắng Công an TP.HCM năm 1996. Trọng tài Trương Thế Toàn phải nhờ đến “tài nghệ” chạy dích dắc mới thoát khỏi cú truy đuổi của cầu thủ đội Vĩnh Long ở trận gặp Đồng Tháp mùa 1999 - 2000.
Nếu bị tai nạn, có được bảo hiểm?
Người đứng đầu Ban trọng tài VFF nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, mấy năm gần đây, tuy chưa xảy ra sự cố gì quá lớn nhưng việc mua bảo hiểm cho trọng tài vẫn là hết sức cần thiết.
Ông Mùi nói: “Nhưng tôi cũng chưa rõ, VPF sẽ mua gói bảo hiểm nào, là gói dành cho trọng tài khi chỉ làm nhiệm vụ trên sân hay trong suốt quá trình đi làm nhiệm vụ, từ lúc đặt chân đến địa phương có trận đấu cho đến khi rời khỏi địa phương. Nếu trọng tài không may bị tai nạn trong những ngày này thì có được bảo hiểm hay không?”.
Trọng tài Nguyễn Trọng Thư cũng bày tỏ quan điểm: “Từ lâu trên thế giới, cầu thủ và trọng tài được mua bảo hiểm thân thể khiến họ rất yên tâm hành nghề. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng cảm thấy hơi bất an một chút, nhất là khi được giao nhiệm vụ điều hành những trận đấu nóng.
Mặc dù bản thân mình luôn ý thức là phải nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt trận đấu, nhưng không thể biết xui rủi gì sẽ xảy ra với mình. Vì thế, tôi và các đồng nghiệp sẽ rất vui vì từ mùa giải 2016, sẽ được VPF mua bảo hiểm thân thể. Quyền lợi của cầu thủ và trọng tài sẽ được đảm bảo qua việc VPF sẽ chọn mua những gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Tôi nghĩ rằng, ngoài VPF, các CLB cũng nên trích một phần tiền để mua bảo hiểm thân thể cho chính cầu thủ của mình, chứ không nên trông cậy vào hết VPF. Tôi lấy ví dụ CLB bỏ ra 500 triệu đồng hay 1 tỉ đồng để mua bảo hiểm sẽ tốt hơn vì nếu không mua, cầu thủ không may bị chấn thương thì chính CLB đó lại chi hàng trăm triệu, thậm chí gần 1 tỉ đồng để chữa trị thì cũng thế thôi à. Như trường hợp của Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng), chi phí lên tới 800 triệu đồng và có thể vẫn còn phát sinh thêm”.
Ông Nguyễn Văn Mùi cho biết: “VPF đã có động thái tích cực để đôi ngũ trọng tài yên tâm làm việc. Ngược lại, đội ngũ trọng tài cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức, bản lĩnh để nâng cao trình độ.
Ở mùa giải 2015, số lượng thẻ vàng đã tăng so với mùa trước - điều này thể hiện thái độ cương quyết của trọng tài. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi vẫn phải yêu cầu trọng tài cần nghiêm khắc hơn trước những pha bóng bạo lực ở mùa giải tới, tuyệt đối không được xuê xoa, làm ngơ. Trong khóa học giảng về luật đầu mùa 2016, chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu này. Trọng tài phải tiếp thu và học hành tử tế, đến nơi đến chốn. Nếu học qua loa, sẽ không tiến bộ được”. |
Lan Phương