Khoảng 500 nhà đầu tư tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2015, tổ chức ngày 1-12 tại Hà Nội. Theo đánh giá tại diễn đàn, 2015 là năm “tuyệt vời” với Việt Nam khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu - EU - (EVFTA) và tham gia sâu vào sân chơi ASEAN khi cộng đồng kinh tế chung thành lập vào cuối năm nay.
Nhận định Việt Nam cần có bước đi táo bạo để tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường và thương mại tự do, đại diện Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam, ông Davis W. Carter, đặc biệt lưu ý đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Theo ông Carter, 2 luật này được soạn thảo trên cơ sở thu thập ý kiến từ các nhà đầu tư song sẽ không hiệu quả nếu không có các nghị định và thông tư hướng dẫn rõ ràng.
Chia sẻ với sự sốt ruột của DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tất cả 6 nghị định cùng 3 thông tư hướng dẫn 2 luật nói trên đều đã ban hành, không còn “nợ” một văn bản nào. Trước lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về cơ chế kiểm soát quy trình đăng ký đầu tư và đăng ký DN, ông Vinh cam kết sẽ thông thoáng và minh bạch tối đa.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, các khảo sát gần đây cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là DN tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Đây là lực cản đáng kể để các DN không lớn lên được và quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần đi. Có tới 96% DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa đầy 2% DN cỡ vừa, chưa đầy 2% DN lớn. DN vừa và nhỏ của Việt Nam không kết nối được với các DN FDI và cũng chưa kết nối hiệu quả với các DN nhà nước lớn.
Nhấn mạnh Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ TPP với dự đoán xuất khẩu sẽ tăng đến 28,4%, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, bà Sherry Boger, cho rằng dù việc đàm phán TPP đã kết thúc thành công song TPP hiện vẫn mới là lời hứa, chưa phải thực tế.
Lo tham nhũng lan rộng
Băn khoăn về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam, bà Sherry Boger lo lắng khi tham nhũng đang ngày càng lan rộng, gây tác động mang tính chất phá hủy, nguy hại đến cả nền kinh tế và xã hội nói chung. Đã đến lúc giải quyết tham nhũng trên phạm vi rộng khắp, thông qua việc áp dụng một hệ thống nhằm giảm thiểu các cơ hội chi trả phạm pháp, tương tự như Luật Phòng chống tham nhũng quốc tế Mỹ hay Luật Chống hối lộ của Anh. Để hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, Báo cáo Nhóm Công tác Nông nghiệp VBF nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại hiện nay, không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Báo cáo đưa ra khuyến cáo cần lập một nhóm phụ trách trực tiếp vấn đề này ở một bộ để kiểm soát chặt chẽ.