Đầu vào ngành Y 13 điểm: Cứu người thế nào?
"Tôi thực sự lo ngại khi có một thế hệ bác sĩ được tuyển đầu vào đại học chỉ từ 13 điểm. Bởi từ những gì chúng tôi trải qua trong 6 năm học, điều lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở".

Học Y là một việc rất ngặt nghèo. Ở đó, không có chỗ cho sự dễ dãi ở đầu vào và càng không dễ dãi trong quá trình học.

Tôi, cũng như bất cứ một sinh viên Y khoa nào, đều rất tự hào vì nói thẳng ra, không phải học sinh nào cũng có thể thành sinh viên y khoa với đầu vào rất ngặt nghèo, ở các trường Y “chính thống”.

Tôi trúng tuyển khoá 2008. Năm đó, điểm sàn của chúng tôi là 27/30. Một cuộc đấu cam go, mà phần thắng sẽ không thuộc về những người thiếu quyết tâm và học… làng nhàng.

Sinh viên nào đậu ngành Y như chúng tôi cũng đều “ngẩng cao đầu” nhưng chẳng mấy chốc, chúng tôi sẽ phải “cúi mặt xuống”.

Một câu kinh điển mà thầy cô hay nói với chúng tôi: “Thời điểm đậu Y là lúc tụi em được ngẩng cao đầu nhất. Nhưng càng lên những năm cao hơn thì càng phải cúi mặt xuống và nhiều lúc các em còn không dám nhận mình học Y nếu các em không học hành cho đàng hoàng”.

 

Bác sĩ Nguyễn Duy Hải tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hiện anh đang theo học Thạc sĩ tại chính ngôi trường này.
Bác sĩ Nguyễn Duy Hải tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hiện anh đang theo học Thạc sĩ tại chính ngôi trường này.

Chúng tôi được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành Y truyền thụ kiến thức. Nhưng cũng truyền thụ cho cái tinh thần: Làm công việc chữa bệnh cứu người không có chỗ cho những người dễ dãi, những sự dễ dãi.

6 năm, bạn cứ hình dung, chúng tôi phải trải qua 320 tín chỉ. Việc thi một tuần 2 tín chỉ là điều bình thường. Chúng tôi luôn sống chung với stress và công việc của một bác sĩ phía trước luôn là những thử thách cam go.

Có một bài báo viết về báo động bệnh trầm cảm của sinh viên y khoa. Điều đó hoàn toàn có thể, trên con đường trở thành bác sĩ của bất cứ sinh viên y khoa nào.

Khoá tôi với 450 sinh viên nhưng tốt nghiệp chỉ 400 người. Những bạn chưa tốt nghiệp không hẳn là không giỏi, mà có thể các bạn đó không chịu được những áp lực của việc học ngặt nghèo này.

Tôi nhớ, năm thứ nhất ắt hẳn là cú sốc đầu tiên trong đời mà các đồng môn của tôi đã rơi hoàn toàn những sắc thái tự tin vốn có.

Chúng tôi trong 2 học kỳ của năm 1, sẽ có số lượng kiến thức tương đương với 3 năm cấp 3 cộng lại rồi được khuyến mãi thêm một số môn đặc thù.

Môn giải phẫu chính là cánh cửa đầu tiên để bước vào thế giới y khoa. Sinh viên phải học gần như mọi thứ trên cơ thể người từ cơ xương cho đến thần kinh, mạch máu và nội tạng.

Song song với những giờ học lý thuyết buổi sáng, buổi chiều sinh viên được lên phòng xác thực tập. Đó ắt hẳn là điều không thể quên của mọi sinh viên Y.

Những năm về sau, chúng tôi đối mặt với lịch học dày đặc hơn, sáng ở bệnh viện thực tập, chiều về trường học lý thuyết, tối trực đêm.

Kiến thức thì nhiều vô kể, buổi sáng đi thực tập một môn, chiều về lại học một môn khác rồi cuối tuần lại thi một môn khác nữa.

Trung bình thì tuần nào cũng chúng tôi cũng phải thi nên bạn bè trong trường hay đùa nhau rằng: “Trường mình rất sướng vì không có mùa thi như trường khác bởi mình thi cả năm”.

Bên cạnh đó còn biết bao nỗi lo của một đứa sinh viên mà chúng tôi phải nếm trải. Cũng như sinh viên tỉnh lẻ khác, nỗi lo vật chất là thường trực với tôi, có điều là nỗi lo ấy kéo dài gấp 1.5 lần so với các trường khác vì chúng tôi học 6 năm cơ mà.

Bạn bè cùng trang lứa tốt nghiệp, đi làm còn bọn học Y chúng tôi thì vẫn chăm chỉ xin tiền nhà.

Đến năm cuối, năm của những nỗi lo thi cử khắc nghiệt hơn. Những kỳ thi tốt nghiệp lâm sàng ở bệnh viện với hình thức vấn đáp đặc trưng của trường Y chắc hẳn không ai “dám quên”.

Vì sao những kỳ thi đó căng thẳng đến vậy? Vì những thầy cô của chúng tôi đang cấp phép cho một đứa sinh viên trở thành bác sĩ, cấp phép cho một con người mang trong tay mình tính mạng của nhiều người khác.

Thời điểm đó tôi học bài như điên dại, đêm nào cũng thức đến 3h sáng để học bài, vừa nằm xuống giường thì lại bật dậy, mở sách ra vì có cảm giác là đang quên thứ gì đó. Nếu có một liệu pháp giảm cân nào hiệu quả thì đó ắt hẳn là kỳ thi tốt nghiệp lâm sàng của chúng tôi.

Giờ đã ra trường, khoác lên mình 2 chữ “Bác sĩ” cũng như đang tiếp tục học Thạc sĩ, tôi không bao giờ quên những ngày tháng đó cũng như sẵn sàng đón nhận những ngày tháng khó khăn tiếp theo của con đường Y nghiệp.

Thế đấy, học Y, học cả đời, và không bao giờ dễ dàng cả!

Đào tạo ra những con người nắm trong tay sinh mạng của nhiều người là điều không đơn giản. Các bạn làm một cái bánh bị hỏng có thể làm lại cái khác, may một cái áo bị lỗi có quyền may lại cái khác…

Nhưng, tính mạng một con người thì không cho phép các bạn làm lại!

theo Trí Thức Trẻ