Trong làng báo, Hoàng Anh Sướng được biết đến với những thiên phóng sự khá kỳ công như: “Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm lầm lụi tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ”, “Hành trình tìm kiếm 4000 hài cốt liệt sĩ ở địa ngục trần gian Phú Quốc”, “Trò chuyện với Thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc”… Tuy nhiên, anh cũng là một tay viết khá nặng duyên với đất Mường.
Hoàng Anh Sướng kể, từ khi ngồi trên ghế nhà trường anh đã được nghe nhiều câu chuyện huyền bí về phép thuật nèm, chài (bùa mê, ngải lú) thần bí của những ông thầy mo Mán, Mường trên rừng xanh núi đỏ. Rằng chỉ với một dúm muối, một đôi đũa, một nhành cây… họ có thể “bó” cho đôi vợ chồng nọ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ trở nên quấn quyện, khăng khít như thuở ban đầu. Có thể chia rẽ cặp tình nhân đang say nhau như điếu đổ kia bỗng chốc trở nên hờ hững, lạnh lùng để rồi chia ly đôi ngả. Thậm chí, chỉ với một chiếc kim, một mảnh sắt quấn sợi chỉ ngũ sắc, họ có thể giết chết kẻ thù địch bằng những lời chú bí hiểm… Năm 2003, bỏ mặc cho cơn áp thấp nhiệt đới hoành hành, anh vẫn “xé gió, đội mưa” lên xứ Mường - Thanh Sơn (Phú Thọ) để quyết vén cho bằng được bức màn tâm linh kỳ bí này và cho ra đời nhiều thiên phóng sự ấn tượng.
Loạt phóng sự dài kỳ về bùa ngài xứ Mường của Hoàng Anh Sướng đăng trên một tờ tạp chí từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Mãi cho đến tận bây giờ vẫn có rất nhiều người tìm anh để nhờ giúp có được thứ bùa ngải của vùng rừng xanh núi đỏ ấy nhằm cứu vãn những cuộc tình còn nặng duyên lắm nợ.
Những bài phóng sự kỳ công ấy đã được Hoàng Anh Sướng tập hợp và in thành cuốn “Bùa ngài xứ Mường” dày 415 trang để ngõ hầu bạn đọc về một nét văn hóa tâm linh rất đỗi kỳ bí nhưng cũng đầy sự thú vị. Đây là tập phóng sự xã hội được Hoàng Anh Sướng “thai nghén” trong một thời gian dài và là đứa con tinh thần thứ 3 sau 2 tập phóng sự “Hạnh phúc đích thực” và “Tiếng vọng từ những linh hồn”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đọc tập phóng sự này đã thốt lên rằng: “Gọi “bùa ngải” nghe cứ rờn rợn, kinh kinh nhưng đó là cảm giác có thực khi ta tò mò ghé mắt, liếc xem những trang phóng sự xã hội nhuốm màu huyền bí, mê hoặc của Hoàng Anh Sướng… Tôi gọi chúng là những “lá bùa” hay cụ thể hơn là một thứ “bùa ngải” cũng vì tính thần bí, mê hoặc của nó mà ngay cả giới khoa học bây giờ cũng không dễ lý giải. Bởi vậy, những trang viết của Hoàng Anh Sướng, dù bàn đến vấn đề gì cũng thường rất hấp dẫn, lôi cuốn. Hình như nếu không có sự hấp dẫn, lôi cuốn ấy, anh sẽ không bao giờ có đủ “nhuệ khí” để cầm bút, dãi bày cùng bạn đọc.
Có thể nói, sức hấp dẫn ma quái của cuốn sách này không nằm trong văn chương. Nếu xét ở góc độ bút pháp, Hoàng Anh Sướng tỏ ra rất dung dị. Thậm chí đọc văn còn không thấy văn. Chỉ thấy đời sống. Một đời sống nóng hổi, tươi ròng. Có cảm giác như anh cứ thật thà thấy gì kể nấy. Hay nói một cách khác, anh như gã thợ đấu, cứ huỳnh huỵch xắn từng tảng đời sống mà vật lên trang giấy. Có bài anh còn “giả vờ” để ngổn ngang thô mộc như một đống tư liệu, chưa từng chế biến. Nhưng cũng vì thế mà nó lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Bởi nó chính là cuộc sống”.
Với giọng điệu vừa sáng tỏ, minh triết của một phóng viên điều tra, lại vừa ma mị như ông thầy cúng hay lão phù thủy trị tà, “Bùa ngải xứ Mường” cuốn hút người đọc vào cuộc hành trình dường như không có hồi kết. Sức hấp dẫn ma quái của “Bùa ngải xứ Mường” không nằm ở văn chương mà là một đời sống nóng hổi, tươi rói.
Hà Tùng Long