Trong đoạn giới thiệu của bộ phim bom tấn “Mission: Impossible - Rogue Nation” với sự tham gia của tài tử điện ảnh Tom Cruise xuất hiện một điều đặc biệt. Đó là logo của hãng Alibaba Pictures - chi nhánh sản xuất phim của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, Trung Quốc.
Điều này phần nào cho thấy tham vọng của Jack Ma đưa Alibaba trở thành ông trùm truyền thông toàn cầu. Thực tế tại quê nhà Trung Quốc, Jack Ma đã có một đế chế tương tự thông qua hàng loạt thương vụ mua lại, thâu tóm gần đây.
Cụ thể, Alibaba đã mua China Vision Media (và sau này đổi tên thành Alibaba Pictures), họ cũng có cổ phần tại Huayi Brothes, kiểm soát Youku Tudou - cổng video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc. Jack Ma cũng bỏ tiền túi để đầu tư vào Wasu Media - một công ty truyền thông kỹ thuật số đang trong tiến trình đàm phán để đưa Netflix tấn công thị trường Trung Quốc.
Trong khi ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đang phải tách mảng phim ảnh và truyền hình ra khỏi mảng tin tức thì Jack Ma làm điều ngược lại. Cụ thể, ông quyết định đầu tư vào hàng loạt nhà xuất bản trong nước, bao gồm tờ China Business News hay mới đây nhất là động thái mua lại South China Morning Post - tờ báo bằng tiếng Anh có tuổi đời 112 năm của Hong Kong.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Jack Ma lại muốn lấn sân sang mảng truyền thông?
Đa phần các tờ báo in hiện đều chứng kiến tình trạng kinh doanh ảm đạm và tờ South China Morning Post cũng không phải ngoại lệ. Ngoài ra, tiếng Anh vốn không phổ biến tại Trung Quốc đại lục vì vậy thương hiệu của tờ Post thực chất không được nhiều người Trung Quốc biết đến.
Tuy nhiên, có lẽ Alibaba đang nhìn thấy cơ hội ứng dụng những hiểu biết và kinh nghiệm sẵn có về kỹ thuật số và phân tích dữ liệu kỹ thuật số để đưa tờ Post bước vào kỷ nguyên truyền thông xã hội.
Bản thân tỷ phú Jack Ma mới đây cũng đã nói về lợi ích của việc sử dụng trang tin tức để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ mua quảng cáo. Ngoài ra, ông cho rằng cũng có thể sử dụng trang tin để quảng bá cho các bộ phim, show truyền hình do chính công ty sản xuất.
Mark Natkin đến từ công ty tư vấn Marbridge thì khẳng định, việc lấn sân sang lĩnh vực truyền thông và giải trí của Alibaba là hoàn toàn có “logic hợp lý”. Khi Alibaba mở rộng sang mảng giải trí và tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu, ông cho rằng cách nhanh nhất chính là mua lại những thương hiệu có sẵn thay vì tự khởi xướng từ đầu.
Ngoài ra, bản thân thị trường phim ảnh cũng hứa hẹn mang về lợi nhuân khổng lồ. Khán giả tại Trung Quốc - thị trường phim ảnh lớn thứ 2 thế giới về doanh thu phòng vé đã dành 4,77 tỷ USD để mua vé xem phim trong năm 2014. Khoảng 60% trong số đó là mua trực tuyến, theo nghiên cứu của công ty Analysys International.
“Giải trí có thể tạo ra mối liên kết trên toàn bộ các nền tảng của Alibaba. Đang có tiềm năng phát triển cực lớn trong lĩnh vực này”, theo Fu Yalong - Giám đốc nghiên cứu tại Entgroup.
Liệu có thể thành công?
Alibaba Pictures hiện là một trong những nhà sản xuất phim lớn nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn chưa thể mang về lợi nhuận. Cụ thể, nửa đầu năm 2015, Alibaba Pictures tuyên bố họ thua lỗ 151,8 triệu yuan (tương đương 23,6 triệu USD) do chi phí tăng cao trong khâu sản xuất và đầu tư vào nội dung.
Ngoài ra, trong lĩnh vực này Alibaba cũng phải cạnh tranh với đối thủ nặng ký là Tencent. Mảng sản xuất phim của Tencent đã hợp tác cùng một studio của Mỹ là Legendary Pictures để đầu tư sản xuất “World of Warcraft”.
Trước đó vào tháng 11, công ty này cũng đã ký thoả thuận phân phối trực tuyến các siêu phẩm của James Bond và những bộ phim sắp công chiếu như Star Trek. Ngoài ra, họ cũng đang sở hữu nền tảng tin nhắn WeChat với hơn 600 triệu người dùng và họ có thể mua vé trực tiếp qua ứng dụng này.
Nhìn chung, vẫn là quá sớm để đưa ra dự đoán về sự thành bại của bước tiến quân vào lĩnh vực giải trí và truyền thông của Alibaba nói chung và tỷ phú Jack Ma nói riêng.
Tuy nhiên, theo những gì Jack ma nói thì: “Với sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, nếu có thể kết hợp giữa phim, âm nhạc và điện ảnh cùng với thương mại thì thật tuyệt vời. Nó chứng tỏ sự đổi mới lớn lao của Alibaba”.
Theo Trí Thức Trẻ