Chứng kiến rất nhiều sinh viên mới ra trường thất nghiệp, làm trái nghề, thậm chí bỏ nghề vì theo học sai nghề do không được định hướng từ trước, và nhìn lại kinh nghiệm bản thân, chị Huỳnh Thị Anh Thư, Giám đốc công ty Thiết kế in ấn quảng cáo ATD, Công ty CP giáo dục Con Sẽ Là đã quyết tâm theo đuổi chương trình giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh, sinh viên.
Chị Anh Thư luôn trăn trở về giáo dục hướng nghiệp cho các bạn trẻ. |
Nữ doanh nhân Huỳnh Thị Anh Thư, sinh năm 1966 tại Đức Hòa, Long An. Mới một tháng tuổi chị đã phải xa mẹ để về sống với dì và bà ngoại. Đứa trẻ còn đỏ hỏn ấy thiếu đi hơi ấm và dòng sữa ấm của người mẹ thân thương, nhưng may mắn lại được bảo bọc, chở che trong vòng tay ấm của dì, của bà, rồi dần lớn lên theo năm tháng. Khi chị tròn 10 tuổi là lúc mẹ trở về, dang rộng vòng tay chở che cho đứa con sau bao ngày xa cách, nhung nhớ đến đứt ruột.
Lớn lên, Anh Thư theo học Đại học Kinh tế, rồi được phân công về làm việc tại một công ty du lịch - thương mại - quảng cáo với vị trí quản lý tour tuyến, rồi làm thư ký cho bộ phận quảng cáo... Cuộc sống chẳng êm đềm, phẳng lặng mà dường như là những làn sóng vô tình cuốn phăng mọi thứ nơi nó đi qua. Trải qua những thử thách, bon chen, đấu đá trong công việc, chị vô tình được tiếp xúc với máy tính - công cụ hiện đại lúc bấy giờ còn khá xa lạ với mọi người. Và rồi khi bước vào thế giới ấy, sự choáng ngợp có công nghệ đã cuốn chị theo. Vậy là chị bước sang một ngã rẽ mới. Một ngã rẽ chưa biết sẽ thành công hay thất bại, song chị vẫn phải bước đi.
Chị quyết định thế chấp giấy tờ chiếc xe gắn máy với số vốn 5 triệu đồng. Ban đầu chị làm những hợp đồng nhỏ lẻ như in danh thiếp, thiệp cưới, bao thư… với giá gần như làm miễn phí. Chị một thân một mình, tự thân vận động kiêm nhiệm tất cả mọi thứ từ A đến Z. Sau 3 năm, chị thành lập cơ sở thiết kế in ấn Anh Thư Design (viết tắt là ATD). Công việc kinh doanh lên như diều gặp gió, chị nâng cấp hệ thống máy vi tính lên đến 8.000 USD, một số tiền lớn lúc bấy giờ.
Chị Anh Thư cùng đoàn khảo sát đến một nhà máy để chuẩn bị chương trình hướng nghiệp thực tế cho học sinh. |
Năm 2002 chị sinh bé đầu lòng, giao công ty cho người nhà quản lý. Và đây cũng chính là lúc sóng gió nổi lên. Vì thiếu trình độ, non kém trong công tác quản lý mà nhân viên không phục, dẫn đến nguy cơ phá sản. Rồi một thời gian dài vật lộn, kiếm tìm con đường đi mới. Nỗ lực của chị cũng được đền đáp xứng đáng.
Khi con gái thứ 2 bước vào tiểu học, tiếp xúc với nhiều phụ huynh, đối tác, theo dõi các chương trình học tập của con, các cháu, rồi cách làm việc của nhân viên, chị Thư mới chợt nhận thấy rằng đa số các em học sinh hiện nay đều chỉ học tập một cách thụ động, thiếu định hướng nghề nghiệp, chọn nghề cũng chỉ theo sở thích… Cũng chính điều này mà sau khi học xong, đa phần các em thất nghiệp hoặc làm trái nghề, không đúng chuyên môn… Từ đây chị luôn trăn trở với câu hỏi đặt ra là "Mình đã nhiều lần thất bại, khó khăn cũng chỉ vì đi sai hướng, chọn sai nghề… Phải làm thế nào để giúp các em?". Vậy là chị bắt đầu bước sang một ngã rẽ mới.
Công ty cổ phần giáo dục Con Sẽ Là nhanh chóng được thành lập dưới sự hỗ trợ của hội đồng cố vấn gồm những người có chuyên môn như: GS.TSKH Phan Dũng, người sáng lập Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (TSK); Thạc sĩ Trần Thế Hưởng, Quyền Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (TSK). Ngoài ra, công ty còn nhận được sự hỗ trợ của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, chuyên ngành Giáo dục học, Viện Giáo dục, Đại học Tổng hợp Potsdam CHLB Đức - Giảng viên Bộ môn Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội; ông Lý Trường Chiến, chuyên viên cao cấp quản trị doanh nghiệp… Chính những người này đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí để chị Anh Thư có thể thực hiện các chương trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh và cộng đồng.
Chẳng bút mực nào tả xiết những khó khăn khi chị Thư bước chân vào làm công tác giáo dục hướng nghiệp, một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với kiến thức, kỹ năng trau dồi mấy chục năm. Chị chỉ biết rằng đó là những chuyến xe rong ruổi khắp nơi tìm địa điểm cho các em trải nghiệm, những buổi giới thiệu, thuyết trình cho các đối tác, doanh nghiệp… Gặp gỡ rồi bị từ chối khéo, từ chối thẳng thừng, song điều đó không làm nhụt chí, mà càng làm cho chị thêm quyết tâm. Sau đó, chị ngồi suy nghĩ xem đã làm sai điều gì, thiếu điều gì để khiến người ta từ chối… Mỗi đêm chị chong đèn tìm hướng đi, mà tới khi tắt đèn thì cũng là lúc trời rạng sáng.
Mọi khó khăn dồn dập tưởng chừng như bế tắc, có lúc chị chợt nghĩ đến việc buông bỏ, song chính các em học sinh, tương lai phía trước của các em cùng sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, các lãnh đạo nhà trường cùng bạn bè, người thân đã giúp cho chị có thêm nghị lực.
Chị Anh Thư tham gia hoạt động cộng đồng tại tỉnh Bình Thuận. |
Chị đã tổ chức những chuyến xe rộn vang tiếng cười, những bài học trải nghiệm vô giá cho các em học sinh cấp 1, 2, 3 đi tham quan, trải nghiệm tại các nhà máy, xí nghiệp. Qua đó các em đã được trải nghiệm thực tế như làm công nhân gốm, kỹ sư, cô giáo, nhà thiết kế thời trang, nông dân… Mỗi hành trình là một trải nghiệm thú vị mà các em được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu thông tin, hướng dẫn thực hành và thử nghiệm bằng chính bàn tay của mình. Dẫu rằng sản phẩm các em làm ra còn chưa được hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót, song đó chính là kỷ niệm đẹp, phần nào giúp các em định hướng tương lai cho mình.
Hiện tại dù chưa nói là thành công, song chị đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Những bằng khen, giấy khen, quà tặng kỷ niệm… như mình chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi. Con đường phía trước vẫn còn dài, cũng giống như tương lai của các mầm xanh đất nước. Khi nào chị còn sức lực thì còn chiến đấu. Và chắc chắn rằng, các em sẽ có một tương lai tươi sáng và rộng mở hơn với những bước đi thật đúng đắn, vững vàng trong tương lai.
Mai Dung