Số lượng nữ tỷ phú tại châu Á đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, theo một báo cáo về tài sản mới nhất do ngân hàng UBS và công ty kiểm toán quốc tế PwC công bố, được Financial Times trích đăng.
Cụ thể UBS/PwC tính toán rằng đến hết năm 2014, châu Á có 25 nữ tỷ phú, trong khi đó con số này vào năm 2005 mới chỉ là 3. Hơn một nửa trong số đó là tỷ phú thế hệ thứ nhất.
Số lượng các công ty gia đình do phụ nữ quản lý tại châu Á tăng nhanh hơn so với Mỹ hay châu Âu. Ngoài ra, khoảng 96% phụ nữ siêu giàu tại châu Á vẫn đang tiếp tục tạo ra tài sản trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ và châu Âu lần lượt ở mức 57% và 63%.
Ở thời điểm cuối năm 2014, thế giới có tất cả 145 nữ tỷ phú.
Kết quả của nghiên cứu trên được thực hiện sau khi UBS/PwC tiến hành khảo sát với khoảng 1.300 tỷ phú và tính toán dựa trên số liệu đã được thu nhập suốt 19 năm qua.
Bà Zhou Qunfei, một trong những người giàu nhất Trung Quốc - Ảnh: Economic Times |
Theo bản báo cáo, thời điểm 1995 trên khắp hành tinh chỉ có 289 người sở hữu khối tài sản tính bằng tỷ USD. Sau 20 năm, con số đó đã trở thành 1347. Cùng khoảng thời gian này, GDP toàn cầu tăng từ 30 nghìn tỷ USD lên thành 78 nghìn tỷ USD, trong khi tổng tài sản ròng của các tỷ phú đã được nhân lên gần 8 lần, từ 700 tỷ lên 5,4 nghìn tỷ USD.
Những nền kinh tế trẻ năng động và phát triển với tốc độ chóng mặt ở khu vực châu Á được xem là tác nhân chính dẫn đến sự gia tăng tuy không nhiều về số lượng nhưng tốc độ đang ngày càng nhanh của các doanh nhân nữ thành đạt trong ‘câu lạc bộ tỷ phú’. Mới 10 năm trước đây, châu Á mới chỉ có 3 đại diện là phái yếu, thì nay đã có tới 25 người. Quá nửa trong số họ là các doanh nhân thuộc ‘thế hệ đầu tiên’ – những người có óc sáng tạo, sự can đảm và tài năng bậc nhất.
Các nữ tỷ phú châu Á nhìn chung cũng trẻ hơn tầng lớp này ở châu Âu hay các khu vực khác (trung bình là 53 tuổi). Nhiều người trong số họ đã từng du học ở Mỹ hay châu Âu trước khi về nước lập nghiệp, áp dụng và kết hợp thực tiễn kinh doanh của thế giới với môi trường kinh doanh đặc thù của quê hương. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng sự phát triển mạnh mẽ của các nữ doanh nhân gốc Á đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện giới doanh nhân, tỷ phú toàn cầu.
Một điểm đáng chú ý của nghiên cứu trên là kết luận các chính trị gia có xu hướng “không ưa giới nhà giàu”, sau hàng loạt chính sách thuế và tài chính hà khắc, nặng nề. Báo cáo này tổng hợp ý kiến của những người tham gia khảo sát cho rằng: “Hiện nay, các chính sách của chính phủ cũng như việc đánh thuế đang là mối đe dọa lớn nhất tới việc đảm bảo tài sản của những gia đình tỷ phú”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người thuộc giới siêu giàu trên thế giới đang sẵn sàng làm những điều khiến giới chức sắc phải hoan nghênh. Có đến 1/6 các tỷ phú Mỹ hứa sẽ hiến tặng ít nhất một nửa gia tài của họ làm từ thiện từ nay cho đến hết đời. Ví dụ điển hình gần đây nhất là vợ chồng ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, đã hứa sẽ tặng 99% cố phần Facebook mà họ nắm giữ cho quỹ từ thiện mang tên họ - Chan Zuckerberg Initiative. Khối tài sản này ở thời điểm hiện tại tương đương 45 tỷ USD
(Theo Vneconomy, Thời báo Tài chính Việt Nam)