Dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp liệu có quá muộn?
Tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang ngày càng gia tăng khiến ngành Giáo dục phải dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp.

ăm 2017.

Có lẽ chưa bao giờ việc đưa ra quyết định giảm chỉ tiêu và tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp của Bộ GD-ĐT lại cương quyết như lần này. Phải chăng là bởi Bộ đang bị sức ép từ phía xã hội về tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang ngày càng gia tăng?


Trường CĐ Đức Trí từ 5.000 SV giờ chỉ còn gần 400 em, rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. (Ảnh: CAND)

Trường CĐ Đức Trí từ 5.000 SV giờ chỉ còn gần 400 em, rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. (Ảnh: CAND)

Chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cho hàng chục nghìn, trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này đã được đề cập rất rõ trong bản tin cập nhật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố trong quý II/2015 tiếp tục gây sửng sốt với số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp lên đến 199.400 người (tăng 22.000 người so với quý I).

Theo số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng. Cụ thể: Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.

Đáng buồn nhất là để có được bất kỳ một công việc nào nhằm nuôi sống bản thân, nhiều người đã “giấu” đi tấm bằng thạc sĩ, cử nhân của mình.

Trong một thời gian ngắn, từ 5 đến 7 năm, hệ thống giáo dục đại học-cao đẳng phát triển quá nhanh chóng, với trên 450 trường nhưng ngành Giáo dục lại không kiểm soát hết được hoạt động của các trường như thế nào. Mặt khác, Bộ GD-ĐT đã cho mở ngành, nâng cấp hệ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học quá dễ dàng nhưng nhiều trường không thực hiện đúng cam kết về cơ sở vật chất, số lượng giảng viên cơ hữu đạt trình độ cao phục vụ cho giảng dạy.

Nhiều trường chỉ tập trung muốn được “nâng hạng” từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học nhằm có được càng nhiều người học, rồi cấp phát bằng cho sinh viên một cách dễ dàng mà không chú trọng đến hoạt động đào tạo cho xã hội những nhân lực thực sự có đủ năng lực, phẩm chất.

Không phải bây giờ chất lượng đào tạo từ hệ trung cấp lên đại học mới đáng báo động như hiện nay. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT vẫn cho những trường đào tạo kém hiệu quả duy trì, hoạt động cầm chừng.

Nếu Bộ GD-ĐT có quyết định cứng rắn này từ sớm hơn thì có lẽ chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sẽ chẳng như hiện nay. Vậy khi có quyết định như trên, Bộ GD-ĐT sẽ cơ cấu lại hệ thống đại học theo hướng nào?

Hiện nay, Việt Nam có hơn 450 trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập). Trong đó có nhiều trường đào tạo kém chất lượng không tuyển đủ thí sinh hoặc không có thí sinh đã cho thấy, xã hội, người học không thừa nhận chất lượng giáo dục của họ. Bởi vậy, những trường này cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu trong một thời gian được gia hạn, các trường không tự đổi mới thì Bộ GD-ĐT nên nghĩ tới việc đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc các Bộ, ngành. Những trường nào thực sự phục vụ hữu ích cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương hoặc cơ cấu ngành nghề cho xã hội thì mới nên tồn tại. Còn những trường nào hoạt động kém hiệu quả thì nên giảm bớt, cho giải thể, đóng cửa hoặc cho sáp nhập ngành nghề, giảng viên với các trường đại học có uy tín để họ có thêm nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai.

Kết thúc đợt xét tuyển của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015, nhiều trường trung cấp, cao đẳng không tuyển đủ được sinh viên theo học. Thay vì cứ để các trường hoạt động cầm chừng, ngành Giáo dục cần “mạnh tay” giải thể để hệ thống giáo dục đại học tập trung vào chất lượng, phục vụ nhu cầu đào tạo vì người học.

Cơ sở vật chất của các trường trung cấp, cao đẳng bị đóng cửa có thể để cơ quan chủ quản, địa phương quản lý, sử dụng vào việc xây dựng mới, bổ sung thêm trường từ bậc Mầm non đến THPT đang thiếu ở địa phương hoặc mở rộng cơ sở cho các trường đại học có uy tín hoạt động.

Song song với hoạt động thanh, kiểm tra các trường, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng hướng tới giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học theo hướng dựa vào năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của từng trường. Đồng thời với đó là thực hiện phân tầng, xếp hạng các trường đại học theo chiều hướng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

Việc xếp hạng các trường đại học nên thực hiện bởi các cơ quan độc lập, ngoài ngành Giáo dục để xã hội, người dân biết rõ được chất lượng hoạt động của từng trường đang ở đâu và có thể tham gia vào quá trình theo dõi, giám sát.

Theo VOV