Theo cách tính khi triển khai Luật Bảo hiểm xã hội mới, từ ngày 1/1/2016, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Trong đó, người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty may Hưng Yên cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngay cả Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng nhìn nhận thực tế, thu nhập của người lao động hiện nay chưa đủ để trang trải cuộc sống.
Hai cơ quan này cũng cho rằng, cách đóng bảo hiểm xã hội sẽ áp dụng từ 1/1/2016 là hy sinh cái trước mắt để sau này người lao động được hưởng lợi cao hơn khi về già.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nếu tới đây, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên tổng thu nhập trừ đi một số khoản như tiền ăn ca, xăng xe, thưởng cuối năm thì tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng thêm khoảng 20%. Cùng với đó, lương tối thiểu vùng tăng thêm 12,4% từ năm tới sẽ khiến cho sức ép đối với doanh nghiệp. Bởi tính ra, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm khoảng 20 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ông Dương cũng lo ngại, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tìm cách “lách” luật hoặc giảm các khoản tăng thêm cho người lao động. Theo ông, cách tính đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ tăng thu cho ngành bảo hiểm, tăng phí công đoàn, còn lương của người lao động sẽ bị giảm.
Ông Nguyễn Xuân Dương nói: “Nếu cộng cả chí phí công đoàn 2% nữa thì bảo hiểm xã hội đang thu trên nền lương là 34,5%. Đó là lý do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trăn trở rằng, khi chúng ta hội nhập với cộng đồng ASEAN, hội nhập thế giới, thì các doanh nghiệp của chúng ta sẽ mất khả năng cạnh tranh. Vì thế, Nhà nước và các cơ quan khác cũng phải tính đến là hãy để cho doanh nghiệp mạnh lên đã thì việc tính lương cho người lao động sau này, 20-30 năm nữa cũng chưa muộn”.
Đối với nhiều người lao động, việc đóng bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập sẽ làm giảm mức lương hàng tháng. Ông Phạm Văn Mạnh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Với mức đóng theo thực tế sẽ rất cao trong khi thu nhập của người lao động rất bấp bênh, nay cao, mai thấp thì không thể cứ nay đóng cao, mai đóng thấp được".
"Theo tôi, mức đóng nên ở một số mức nhất định, chẳng hạn mức 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu, trong khoảng đó, người lao động lựa chọn mức đóng cho hợp lý. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khi đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng đến lúc nào đó, họ không có việc làm cho người lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nữa thì thủ tục tạm ngừng rất phiền hà”.
Nhiều người lao động tỏ ra hoài nghi về việc tăng mức đóng có giúp cải thiện cuộc sống khi họ nghỉ hưu Ngoài ra, người lao động có thể không được tính đóng bảo hiểm xã hội nếu doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, phá sản hoặc vì lý do cá nhân không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Chị Lê Thanh Hà, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Theo tôi, đóng theo mức mới thì không phù hợp vì mức lương của tôi đang còn thấp. Đóng theo thu nhập thực tế thì lương hàng tháng không đủ chi tiêu, đóng theo mức cũ tôi thấy phù hợp hơn. Nếu đóng bảo hiểm theo cách tính mới từ 2016, tôi muốn biết 20-30 năm sau, tiền lương của chúng tôi có cải thiện và đáp ứng được nhu cầu chi tiêu hàng tháng của chúng tôi hay không?”
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc thay đổi cách tính bảo hiểm xã hội là nhằm tạo ra “sân chơi” bình đẳng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội khu vực nhà nước và tư nhân. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng và góp phần cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.
Với cách tính mới này, các khoản như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ… dự kiến sẽ không được đưa vào “giỏ” tính đóng bảo hiểm xã hội.
Theo ông Phạm Minh Huân, các khoản phải đóng đều được xác định trước số tiền, không quá biến động từng tháng: “Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm xã hội của chúng ta phải đóng trên tiền lương, bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Trước hết việc đóng bảo hiểm phải trên mức lương cấp bậc, theo chức danh, theo phụ cấp lương của doanh nghiệp quy định. Các khoản bổ sung sẽ theo lộ trình"
"Tất nhiên, việc này, Bộ cũng đang nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Tôi cũng đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá tác động của chính sách bảo hiểm xã hội và có thể, nếu trong trường hợp khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị phải giãn lộ trình thêm”, ông Huân nói.
Dự kiến đầu tuần tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 115 về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Doanh nghiệp vẫn có thể quy chiếu để thực hiện theo đúng thời điểm của luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ 1/1/2016” ./.