Bí kíp bất khả chiến bại của Hoplite, đội quân mạnh nhất Hy Lạp cổ đại
Hoplite là một trong những đội quân nổi tiếng, có ảnh hưởng nhất và được thành lập sớm nhất trong lịch sử. Bí quyết nào khiến họ trở thành "nỗi khiếp đảm" của binh lính đối phương?

Vào khoảng thế kỷ thứ VII - thứ VIII trước Công nguyên, Hy Lạp phải đối mặt với sự nổi dậy của những thành thị độc lập có chính phủ và nền văn hóa riêng.

Mâu thuẫn và sự cạnh tranh giữa các thành thị ngày càng trở nên dữ dội để tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các vùng. Để thống nhất lại Hy Lạp, đội quân Hoplite đã được thành lập.

Mặc dù ban đầu, đội quân Hoplite được thành lập để ổn định bờ cõi trong nước.

Nhưng càng về sau, với sự trợ thủ đắc lực của những chiến binh Hoplite huyền thoại, Hy Lạp thời cổ đại trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh bậc nhất, khiến mọi kẻ thù phải dè chừng mỗi khi nhắc đến.

Họ đã gây tiếng vang trong trận chiến giữa quân Athens và Sparta hay khi quân Ba Tư tới xâm lấn Hy Lạp.


Chiến binh Hoplite. Hình minh họa

Chiến binh Hoplite. Hình minh họa

Phalanx - Chiến thuật tạo nên tên tuổi huyền thoại của Hoplite

Đúng như nghĩa của từ “Hoplite” (có nghĩa là “Người mang áo giáp”, được dùng để miêu tả vẻ ngoài với giáp và khiên của họ), chiến thuật nổi tiếng nhất của đội quân Hoplite chính là đội hình sát cánh Phalanx.

Mặc dù đội hình này được các đội quân trước đó sử dụng rất thường xuyên nhưng nó đặc biệt phát huy hiệu quả với Hoplite.

Phalanx, còn gọi là phương trận, là một đội hình quân sự số đông hình chữ nhật, thường được tập hợp hoàn toàn từ bộ binh nặng được vũ trang giáo, kích, hoặc những vũ khí tương tự như vậy.

Với đội hình này, những binh sĩ đi hàng đầu sẽ giương cao ngọn giáo sắc bén để tạo nên bức tường không thể thâm nhập.

Đội hình Phalanx của quân Hoplite, thời cổ đại đội hình phalanx, chiến binh, hoplite, Hy Lạp cổ đại, chiến binh
Đội hình Phalanx của quân Hoplite

Thêm vào đó, mỗi binh sĩ sẽ mang khiên Hoplon bên ngực trái để bảo vệ tim và phần bên phải của binh sĩ bên cạnh. Chính yếu tố này giúp họ hầu như bất khả chiến bại khi tấn công trực diện từ phía trước.

Kẻ thù không thể tấn công họ trực tiếp cũng như không thể phóng lao từ xa do hệ thống khiên rất chắc chắn.

Với đội hình dành cho bộ binh trang bị nặng và sử dụng vũ khí dài như thương, giáo, các chiến binh Hoplite xếp sát và di chuyển cùng nhau, trở thành một khối thống nhất cực kỳ vững chắc.

Những người Hy Lạp cổ (giai đoạn 750 - 350 TCN) đã sử dụng đội hình này một cách rất thành thục và nhờ đó, họ vượt trội các đối thủ khác trên chiến trường.

Sự hùng mạnh của đội quân Hoplite còn nằm ở sự huấn luyện kỷ luật nghiêm ngặt. Các chiến binh phải học cách chiến đấu cùng nhau và không được rời bỏ vị trí.

Chiến công hiển hách nhất lịch sử của đội quân Hoplite

Một trong những chiến công nổi bật nhất của Hoplite là đánh bại đội quân Ba Tư, ngăn không cho đế chế Ba Tư xâm lược châu Âu. Trận đánh này có tên là Marathon.

Trận đánh nổi tiếng diễn ra vào mùa thu năm 490 TCN trong Cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ nhất của Ba Tư. Đây là trận chiến giữa quân dân Athena, được sự giúp đỡ của Plataea, và quân đội Ba Tư do Datis và Artaphernes chỉ huy.

So với 72.000 quân của Ba Tư, 11.000 quân Hy Lạp trong trận chiến này chỉ có một tôn chỉ "thà chết tự do còn hơn sống nô lệ".

Bộ binh Athens chia làm bộ binh nặng và bộ binh nhẹ chiến đấu theo đội hình phalanx. Tuy còn khá nhiều nhược điểm, nhưng đội hình này có khả năng phòng thủ chắc và có uy lực công kích mạnh, song chỉ vận dụng được trên địa hình bằng phẳng.

Hình ảnh tạo dựng trận chiến Marathon
Hình ảnh tạo dựng trận chiến Marathon

Bộ binh nặng là nòng cốt của quân đội Hy Lạp cổ đại. Mặc dù còn những nhược điểm và hạn chế, nhưng quân Athens nhờ có chiến thuật và đội hình tốt đã chiến thắng một cách vang dội.

Đây là trận đánh điển hình có ý nghĩa trọng yếu trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược của nhân dân Hy Lạp cổ đại.

Hình tượng người chiến binh chạy một quãng đường dài 42 km, vượt qua rừng núi từ nơi diễn ra trận chiến ác liệt tới Athens để báo tin thắng trận đã trở nên tiêu biểu cho tinh thần thi đấu của bộ môn chạy Marathon ngày nay.

Sau chiến thắng này, các quốc gia châu Âu lân cận cũng học theo chiến lược hiệu quả của họ.

Quân Macedonia và quân La Mã đều học theo và cải tiến đội hình Phalanx của Hoplite. Quân Macedonia thường tăng gấp đôi độ dài của giáo, trong khi quân La Mã biến đội hình Phalanx thành đội quân lê dương Legion hùng mạnh.

Tuy không giống như quân Hoptile, đội hình La Mã vẫn giữ một số quy tắc cơ bản như đội hình chữ nhật, dùng khiên để bảo vệ và chiến đấu tập thể để đánh đuổi kẻ thù.

Bằng cách này, quân Hy Lạp đã xây dựng thành công chiến lược chiến đấu của cả châu Âu cổ đại, dẫn tới chiến thắng vẻ vang của cả quân Macedonia và La Mã.