Ông Bùi Pháp cho biết: “Tôi khẳng định việc kinh doanh của Tập đoàn ĐLGL đang khởi sắc, đầu tư lớn không chỉ trong nước mà còn ở 4 quốc gia khác nên chuyện chi 8-10 tỷ/năm để nuôi đội không phải vấn đề lớn. Nguyên nhân tôi giải thể đội bóng xuất phát từ chuyện VFV còn nhiều điều chưa tốt. Họ không tổ chức giải tốt, không làm truyền thông giỏi,… và nhất là không đào tạo được lực lượng trọng tài “sạch”.
Ông Bùi Pháp (cầm cúp) cùng đội Đức Long Gia Lai đón cúp vô địch quốc gia 2013 về phố núi. Ảnh: Minh Vỹ |
Bầu Pháp nói tiếp: “Trọng tài là người cầm cán cân duy trì công bằng các trận đấu nhưng lại cứ xảy ra tình trạng thiên vị, tạo ức chế cho các VĐV của Đức Long Gia Lai. HLV Bùi Quang Ngọc của Đức Long Gia Lai giỏi chuyên môn nhưng lại hay phản ứng thẳng với trọng tài nên trọng tài cũng “phản ứng lại”. Phải nói rằng, ra sân thi đấu, chúng tôi không ngán đối thủ, mà sợ nhất là trọng tài”.
Ngoài ra, bầu Pháp cũng cho biết một số nguyên nhân khiến ông không còn “mặn” với bóng chuyền là do đội bóng ĐLGL không những không đạt được mục tiêu đặt ra đầu năm 2015 là vào tốp 4 mà còn phải đi chung kết “ngược”, phong độ thất thường của một số VĐV…
Trước đó vào ngày 6-1, giới bóng chuyền VN khá ngạc nhiên khi đón nhận thông tin đội bóng chuyền nam ĐLGL chính thức bị giải tán dù họ vẫn đang là một trong những thế lực đáng gờm trên bản đồ bóng chuyền VN.
Sau khi ông Bùi Pháp tuyên bố rút lui, một số VĐV thuộc “biên chế” của đội như Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Thiện Mến, Cao Xuân Thao, Nguyễn Văn Sang,... và ban huấn luyện bỗng dưng thất nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thanh lý hợp đồng cho HLV, VĐV, bầu Pháp cho biết: “Chiều hôm trước (6-1) thông báo giải thể thì sáng hôm sau chúng tôi đã bắt tay giải quyết chế độ tiền lương, chế độ, bảo hiểm… cho các thành viên của đội. VĐV nào muốn chuyển nhượng thì tôi sẽ cho tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng đúng quy định, ai vừa hết hợp đồng sẽ tự do ra đi ngay lập tức. Tôi cam kết sẽ không thiếu họ một đồng và sẽ cố tạo điều kiện cho mọi người ra đi trong vui vẻ”.