2 con bồ câu trống và mái cùng ở trong một chiếc tổ. Khi mùa thu tới, chúng hái về rất nhiều quả, và chất đầy tổ. Nhưng thời tiết hanh khô, chỉ mấy hôm sau, tất cả chỗ quả đó đã khô quắt lại, trông như chỉ được một nửa so với lúc đầu.
Con bồ câu trống trách con mái: “hai chúng ta đã phải rất vất vả mới hái được từng ấy quả, thế mà một mình em lại ăn hết một nửa!”.Bồ câu mái trả lời: “em đâu có ăn, chúng tự ít đi đấy chứ”. Nhưng bồ câu trống không tin, tức giận, và dùng chiếc mỏ sắc nhọn của mình mổ bồ câu cái, khiến con bồ câu cái bị chết. “Đã làm sai mà còn không nhận, cô thật là xấu xa!”
Mấy hôm sau trời mưa, các loại quả lại hút được hơi nước và nở ra như cũ, thậm chí trông có vẻ còn nhiều hơn xưa. Lúc này, bồ câu trống rất ân hận, nó cảm thấy rất đau lòng và xót xa “đúng là cô ấy không ăn thật, mình đã giết nhầm cô ấy mất rồi, em ơi..”.
Lời bình: Trong khi phát hiện ra thấy vấn đề hoặc sai sót, việc đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, phân tích nguyên nhân của vấn đề, chứ không phải là tức giận và trừng phạt ai đó. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, vấn đề ngày càng nhiều hơn. Hãy bình tĩnh để sáng suốt.
Một đứa bé mải chơi, không cẩn thận, ngã xuống sông. Cha mẹ ở gần, nhìn thấy, vội nhảy xuống vớt lên và nói: “Có bố mẹ đây, đừng sợ!”
Mấy hôm sau, đứa bé lại ngã xuống sông; cha mẹ nó lại vớt nó lên. Bà con láng giềng khuyên cha mẹ nó hãy dạy bơi cho nó, song cha đứa bé nói: “Khỏi cần, tôi biết bơi là đủ, nó ngã xuống sông, tôi sẽ cứu nó”.
Ai ngờ đứa bé lại ngã xuống sông lần thứ ba. Lần này không có cha mẹ nó ở bên cạnh, trên bờ sông cũng không có một ai, đứa bé kêu được vài tiếng thì chìm nghỉm.
Lời bình: Người cha này không lường trước được các tình huống sẽ xảy ra, nên không chú trọng đào tạo con mình. Đào tạo là rất quan trọng, đặc biệt là trong lúc khó khăn, người ta mới nhận thấy sự cần thiết của hoạt động đào tạo. Không có gì là quá trễ, hãy tập trung vào đào tạo.
Người dẫn chương trình giơ cao một ly nước và hỏi khán giả: – Quí vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?
– Điều đó còn phụ thuộc vào anh cầm nó trong bao lâu chứ.
– Đúng vậy, nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quí vị sẽ gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn. “Điều quí vị phải làm là đặt ly nước xuống, nghỉ một lát rồi tiếp tục cầm nó lên.”
Lời bình: Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta cũng gục ngã. Thỉnh thoảng chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Khi bạn trở về nhà, hãy quẳng lo âu về công việc ngoài cửa. Ngày mai bạn sẽ nhặt nó lên và tiếp tục mang.