Lấy chất lượng làm trọng
Vào năm 2004, ông Ngô Xuân Cường bắt đầu xây dựng cơ ngơi trên bãi nổi giữa Sông Hồng thuộc khu vực xã Cẩm Đình – Phúc Thọ - Hà Nội. Giai đoạn đầu lập nghiệp, bao bộn bề khó khăn nhưng với cái tâm và tố chất kinh doanh thừa hưởng từ truyền thống của gia đình, đến nay ông Cường đang sở hữu khu rừng 15 năm tuổi; một nhà máy với hàng chục vạn viên gạch đỏ ra lò mỗi ngày; cánh đồng rau xanh thẳng cánh cò bay với hàng chục ha phục vụ chăn nuôi lợn và hàng ngàn gốc cây ăn trái.
Đặc biệt, trên diện tích gần 200 ha của bãi nổi, ông Ngô Xuân Cường đã cho xây dựng chuồng trại, chăn thả hơn 1.500 con lợn rừng các loại. Trong số này, có hơn 500 con lợn rừng thương phẩm, để phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên Đán. Ngoài ra, trang trại của ông còn là nơi chăn nuôi gia công với khoảng 5.000 con lợn cho Công ty CP.
Qua tìm hiểu được biết, giống lợn rừng được nuôi ở Trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình nguồn gốc từ Thái Lan, được thuần hóa, thể trọng lớn, ít hung rữ. Lợn nuôi 16 tháng có thể đạt trọng lượng tối đa 40kg. Mỗi tháng nuôi, trọng lượng tăng khoảng 2 - 2,5kg, thịt thơm ngon, ít mỡ, bì giòn, mềm.
Nói về quy mô trang trại lợn rừng được đánh giá là lớn nhất ở khu vực phía Bắc, ông Ngô Xuâ Cường cho biết, ban đầu nuôi trâu nhưng không hiệu quả. Tiếp đến là nuôi lợn rừng nhưng cũng gặp nhiều gian nan. Những năm gần đây, với sự giúp sức của nhiều chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ thú y, việc nuôi lợn rừng ngày càng cho năng suất, chất lượng cao.
Với nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, ông Ngô Xuân Cường khuyên người tiêu dùng khi chọn lợn rừng không nên chọn con còi cọc, gầy gò. Bởi những con như vậy rất dễ là lợn bị bệnh, ăn sẽ không tốt cho sức khỏe.
“Nếu mua con lợn của tôi về mổ ra, trong ruột phải có rau xanh mới chuẩn. Ai đặt mua một con lợn rừng dưới 40 kg tôi sẽ không bán. Bán như thế con lợn vẫn chưa đạt chuẩn chất lượng thịt. Nếu con lợn không đạt chuẩn, khách hàng ăn sẽ không ưng ý và sẽ mất uy tín”, ông Cường chia sẻ.
Đến nay, để từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, Trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình đã xây dựng và được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực. Hoàn thiện mẫu mã, bao gói, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mới đây nhất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cấp mã số, mã vạch cho các sản phẩm lợn rừng của ông Cường. Đây được coi là “giấy thông hành” cho sản phẩm rộng đường ra thị trường.
Nuôi lợn rừng theo hướng organic
Mới đây, trong phiên họp của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: An toàn thực phẩm là vấn đề nóng, nhất là việc sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; khuyến khích người dân sản xuất thực phẩm an toàn.
Đây cũng là vấn đề ông Ngô Xuân Cường rất trăn trở. Vấn nạn nuôi lợn sử dụng chất cấm tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc cao diễn ra phổ biến. Điều này làm ảnh hưởng chung tới việc cạnh tranh và uy tín của những cơ sở làm ăn chân chính.
“Chất tạo nạc trong thịt lợn khi người tiêu dùng sử dụng phải rất nguy hiểm tới sức khỏe. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín chất lượng”, ông Cường khuyến cáo.
Cũng chính vì hướng đến người tiêu dùng, đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, nên từ khi đi vào chăn nuôi, Trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình chỉ sử dụng cây chuối, rau cải, các loại cỏ, cám ngô, sắn tự phối trộn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Vừa qua, sau khi được mời tham gia cùng đoàn đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở Đan Mạch, ông Ngô Xuân Cường đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và quyết định hoàn thiện quy trình chăn nuôi lợn rừng của mình. Hướng tới sản xuất lợn rừng theo phương thức hữu cơ (organic), tiêu chuẩn sạch nhất của thế giới hiện nay.
Theo ông Cường: “Chăn nuôi theo phương thức hữu cơ đã được cơ sở áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đạt được vì quy trình quá nghiêm ngặt. Còn khâu tiêm phòng vaccine và khâu cho lợn con ăn thức ăn giặm lúc tách mẹ vẫn chưa giải quyết rứt điểm được. Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm các giải pháp tháo gỡ, sớm đưa lợn rừng trở thành sản phẩm hữu cơ đầu tiên được công nhận ở Việt Nam. Làm được điều này cũng là một hướng đi riêng, không phải nơi nào cũng làm được. Đó cũng chính là lợi thế để cạnh tranh giữa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và của các nước trong ASEAN hoặc trong sân chơi chung TPP”.
Trong thời gian tới, ông Cường tiếp tục đầu tư mở rộng khu chăn nuôi, khu giết mổ với quy trình tiêu chuẩn sạch, thúc đẩy sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Ngô Xuân Cường cho biết, hiện nay nhiều nhà hàng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã dần biết tới lợn rừng do Trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình chăn nuôi. Dịp tết Nguyên đán Bình Thân 2016 này, Trại sẽ đưa ra thị trường hơn 500 con lợn rừng thương phẩm, đạt tiêu chuẩn, chất lượng thịt cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng, đón Tết. |
Nguyễn Nam