Nghề làm nước mắm ở Phú Yên đã hình thành hàng trăm năm. Do có nguồn nguyên liệu cá cơm dồi dào cùng với phương pháp chế biến truyền thống đã giúp người dân Phú Yên sản xuất ra loại nước mắm thơm, ngon đặc trưng. Một số sản phẩm nước mắm đã có thương hiệu tại Phú Yên như Gành Đỏ, Long Thủy, Ông Già, Bà Bảy, Mỹ Quang, Ba Na, Ngân Mỹ Á, Hải Yến …Món nước chấm đặc sản này vừa được Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể.
Nói về giá trị của loại đặc sản địa phương này, ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên cho hay, nước mắm Phú Yên là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nước mắm Phú Yên được người dân sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hoặc chế biến ra nhiều món ăn hương vị thơm ngon. Không những thế, nước mắm Phú Yên còn trở thành một sản phẩm hàng hóa du lịch đặc trưng của tỉnh. “Hàng năm, Phú Yên đón gần một trăm nghìn khách du lịch viếng thăm các thắng cảnh sông núi Phú Yên. Ngoài nhu cầu thưởng ngoạn, du khách còn có nhu cầu thưởng thức món ăn ngon và mua sắm đặc sản làm quà tặng cho người thân. Nước mắm Phú Yên do đó đã trở thành một trong những món ăn ngon mà du khách không thể không thưởng thức và là thứ quà tặng có ý nghĩa cần mua trước khi ra về”, ông Đào Tứ Xuyên nói.
Tuy là đặc sản địa phương, nhưng trên quy mô thị trường lớn hơn, nước mắm Phú Yên lại chưa thể cạnh tranh với những sản phẩm có thương hiệu. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Mỹ Quan Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên: “Nước mắm Phú Yên nguyên chất, chất lượng sản phẩm rất tốt nhưng sản xuất nhỏ lẻ, không được quảng bá nên sản phẩm không được người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ hẹp”. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của nghề chế biến nước mắm của Phú Yên hiện nay là sản phẩm hiện gặp phải sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu nước mắm có uy tín.
Trong bối cảnh đó, dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Phú Yên” cho sản phẩm nước mắm của tỉnh Phú Yên do Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên chủ trì thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai.
Sau hai năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Dự án đã hoàn thành nhiều nội dung. Đó là định hình vùng sản xuất sản phẩm phục vụ dự án, đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên để bảo hộ sản phẩm, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, xây dựng phương án khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nước mắm Phú Yên, tổ chức hai điểm tiêu thụ, giới thiệu và phân phối sản phẩm nước mắm Phú Yên tại tỉnh Hưng Yên và Yên Bái, xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên…
Ông Đào Tứ Xuyên, Chủ nhiệm dự án nhận định: “Dự án cũng đã đạt mục tiêu đề ra, cho thấy nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tạo điều kiện tốt cho phát triển sản phẩm và kinh doanh ngày càng phát triển của các cơ sở nước mắm trong tỉnh”.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên cho Hội Nghề cá tỉnh. Hội đã nắm bắt được cách quản lý, điều hành và phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên. Theo đó, những doanh nghiệp, cơ sở muốn gắn nhãn hiệu tập thể Nước mắm Phú Yên vào nhãn mác sản phẩm phải có đủ điều kiện do Hội Nghề cá tỉnh kiểm tra, xác nhận. Nguyên liệu chế biến Nước mắm Phú Yên từ cá cơm, cá nục hoặc một ít loại cá khác được đánh bắt tại vùng biển ngoài khơi Phú Yên. Muối dùng để muối cá phải được sản xuất tại Phú Yên. Hầu hết các cơ sở sản xuất Nước mắm Phú Yên sử dụng muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) để chế biến nước mắm. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chính là nguyên liệu quý và ổn định để sản xuất nước mắm lâu dài.
Ông Biện Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên cho hay, việc triển khai thực hiện thành công dự án không chỉ tác động trực tiếp đến hội viên Hội Nghề cá, người sản xuất, kinh doanh tại Phú Yên, mà còn là bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong xây dựng và vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể (thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ) cho các sản phẩm khác tại Phú Yên.