Các kết quả nghiên cứu của một đề tài, dự án hoặc nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) dưới dạng hữu hình như các sản phẩm, nguyên mẫu chế thử, thiết bị, dụng cụ chế thử… và dưới dạng vô hình bao gồm các thông tin mới, có giá trị sử dụng, khai thác nhất định trong các hoạt động kinh tế, xã hội, gọi là các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án. Các tài sản trí tuệ này cần được ghi nhận và xác lập quyền sở hữu một cách kịp thời và đầy đủ như một dòng hàng đối lưu với dòng tiền đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Việc phân định tỷ lệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án trước tiên phải được giao kết về nguyên tắc trong Hợp đồng thực hiện đề tài, dự án giữa (các) cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu (sau đây gọi là các bên đầu tư) với các bên có liên quan, theo một trong hai tình huống chính sau đây:
Đối với các đề tài, dự án sử dụng 100% kinh phí từ ngân sách:
+ Tất cả các tài sản trí tuệ phát sinh về nguyên tắc sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
+ Cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách là đơn vị được Nhà nước giao trách nhiệm đại diện đứng tên xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ đó.
+ Theo quy chế phân cấp hoặc ủy quyền đã được xác lập, thủ trưởng cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách được quyền quyết định việc chuyển nhượng các phần quyền sở hữu thuộc Nhà Nước của đề tài, dự án cho các chủ thể khác, từ trước khi xúc tiến các hành vi xác lập quyền hoặc sau khi quyền tài sản đã được xác lập, theo các nguyên tắc sau đây:
(1) Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc quản lý và khai thác thương mại các tài sản trí tuệ của đề tài, dự án;
(2) Ưu tiên chuyển giao cho các bên đã cùng tham gia thực hiện đề tài, dự án hoặc các đồng sở hữu chủ khác (nếu có);
(3) Bên nhận chuyển nhượng phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của tài sản trí tuệ tương ứng.
Trong hợp đồng thực hiện đề tài, dự án cũng nên ghi nhận một thỏa thuận theo đó, quyền công bố báo cáo toàn văn và tóm tắt đề tài, dự án được chủ nhiệm và nhóm thực hiện chuỵển giao hoàn toàn cho cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu, phù hợp với các quy định tại Điều 39 và khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ.
Đối với các đề tài, dự án có huy động kinh phí hoặc cơ sở, phương tiện vật chất từ nhiều nguồn khác nhau
+ Tỷ lệ quyền sở hữu đối với toàn bộ kết quả nghiên cứu cuối cùng, thể hiện trong báo cáo toàn văn và tóm tắt đề tài, dự án, do các Bên đầu tư quyết định bằng văn bản, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng nghiệm thu đề tài, dự án, có sự đồng thuận của đơn vị chủ trì, đơn vị đặt hàng, đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác (nếu có)… Sự đồng thuận này được ghi nhận trong Biên Bản nghiệm thu đề tài, dự án.
+ Tỷ lệ quyền sở hữu đối với từng đối tượng sở hữu trí tuệ khác do các bên đầu tư quyết định bằng văn bản, trên cơ sở đề xuất của Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện, có sự thỏa thuận bằng văn bản của đơn vị chủ trì, đơn vị đặt hàng, đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác (nếu có) …
+ Quyền công bố, sử dụng các thông tin không tiết lộ được các Bên đầu tư thỏa thuận bằng văn bản, tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Các bên tham gia triển khai đề tài, dự án đã biết về các thông tin trên có nghĩa vụ bảo mật và không sử dụng, tiết lộ khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của bên đầu tư liên quan.
+ Quyền công bố đối với các tài sản trí tuệ là báo cáo toàn văn và tóm tắt đề tài, dự án cần được các bên đầu tư thỏa thuận và ghi nhận bằng văn bản, trên cơ sở của điều khoản tuyên bố chuyển giao quyền từ Chủ nhiệm và nhóm thực hiện trong Hợp đồng giao kết thực hiện đề tài, dự án.
Tuyết Trinh