Lương y Phạm Huy Hoàng, nhà thuốc y học cổ truyền Thiện Tế Sinh |
Gia đình, dòng họ Lương y Phạm Huy Hoàng ở vùng quê Đông Hưng, Thái Bình vẫn được người dân trong vùng mến đức, mộ tài bởi nghề bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Suốt 7 đời làm thuốc, gia đình ông luôn coi đó là một nghiệp cứu người, giúp đời chứ chưa bao giờ coi đó là một nghề kiếm sống, bởi vậy, gia đình ông cũng chỉ có cuộc sống thanh bạch giống như bao gia đình khác ở miền quê nghèo Thái Bình. Của cải lớn nhất và quý nhất mà các bậc tiền nhân để lại cho con cháu là kho sách quý về các bài thuốc chữa bệnh và phước đức tích tụ suốt bao đời. Lương y Phạm Huy Hoàng lớn lên trong cái không khí thơm nồng mùi thuốc và những bài học làm người như vậy.
Tháng 4 năm 1968, sau thời gian huấn luyện tân binh, Phạm Huy Hoàng lên đường đi B chiến đấu. Trong chiến trường gian khổ, thiếu thốn thuốc men để chữa bệnh cho thương bệnh binh, những bài thuốc gia truyền của cha ông truyền lại lại được người lính Phạm Huy Hoàng đem ra để chữa trị cho đồng đội. Ông dùng vỏ cây Bằng Lăng để chữa ghẻ, lá Tai Voi, vỏ cây Thổ Phục Linh chữa tiêu chảy, sốt rét … và nhiều các loại lá rừng được ông hái về cho đồng đội ăn thay cơm những khi đơn vị hết lương thực. Trong những thứ lá ông hái về, có những loại lá ông đã biết, nhưng cũng có những loại lá chưa biết, đích thân Phạm Huy Hoàng phải tự thử trước xem có ăn được hay không rồi mới đem về cho đồng đội ăn.
Sau giải phóng, ông tham gia tiếp quản xưởng sửa chữa máy bay A75, giữ chức vụ trợ lý chính trị phụ trách công đoàn, đến năm 1986, ông được điều về đoàn 686. Năm 1990, ông về công tác tại Ban phục vụ hành khách, Tổng công ty hàng không Việt Nam, năm 1998, ông làm giám đốc chi nhánh phía Nam của Công ty in Hàng Không. Mặc dù bận rộn với công việc nhà nước, nhưng Lương y Phạm Huy Hoàng vẫn không quên nghề truyền thống của gia đình. Ban ngày đi làm việc, ban đêm ông mở phòng mạch ngay tại nhà để khám bệnh, bốc thuốc. Năm 2003, thấy thời gian còn lại của mình không còn nhiều mà kho sách của ông cha để lại còn quá lớn, chưa được khai thác hết, ông xin nghỉ hẳn việc nhà nước để về tập trung cho nghề làm thuốc cứu người.
|
Lương y Phạm Huy Hoàng, nhà thuốc y học cổ truyền Thiện Tế Sinh nhận cup "Tấm Lòng Vàng Vì Sự Phát Triển Cộng Đồng" tại nhà hát thành phố Hồ Chí Minh |
Ngoài các kiến thức của cha ông để lại, ông còn tham gia học thêm lớp Lương y đa khoa do Viện y học dân tộc mở năm 2001 và đã được Bộ Y Tế cấp chứng chỉ hành nghề. Những kiến thức được cha ông truyền cho cộng với những kiến thức được tiếp thu từ lớp lương y đa khoa và kinh nghiệm ở chiến trường đã khiến cho tay nghề của Lương y Phạm Huy Hoàng ngày càng trở nên vững vàng. Những bệnh ông chữa nhiều và thành công nhất là các bệnh về tai biến mạch máu não, tim mạch, xương khớp, hiếm muộn, phụ khoa, nam khoa, sỏi thận … bằng các loại thuốc rất dễ trồng, dễ kiếm và các phương pháp vật lý trị liệu, nắn chỉnh, bấm huyệt, châm cứu hết sức hiệu quả. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các bệnh viện lớn của Tây y phải bó tay, trả về nhà nhưng đến tay ông, với các bài thuốc gia truyền nhiều căn bệnh đã chuyển biến tích cực, nhanh đến không ngờ khiến cho nhiều bác sĩ Tây y cũng phải tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm. Điển hình như trường hợp thân mẫu của doanh nhân Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc của Công ty TNHH Gốm Sứ Minh Long 1. Cụ mắc bệnh tim hiểm nghèo, bệnh viện của Singapo đã trả về và Tây y tuyên bố đầu hàng, nhưng khi được báo tin, Lương y Phạm Huy Hoàng đã cứu chữa kịp thời, kéo dài sự sống cho cụ. Từ khi đó, gia đình Lương y Phạm Huy Hoàng và gia đình doanh nhân Lý Ngọc Minh đã trở nên thân thiết. Hay như nhiều bệnh nhân nữ nuôi con nhỏ bị tắc sữa, nếu chữa bằng Tây y thì sẽ rất tốn kém và người mẹ phải chịu đau đớn, nhưng khi gặp ông, chỉ sau độ mươi phút căn bệnh đã được giải quyết bằng những thứ hết sức đơn giản mà trong nhà ai cũng có và có thể tự làm để chữa cho mình được …
Điều đặc biệt của Lương y Phạm Huy Hoàng là ông không hề giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với tất cả bạn bè đồng nghiệp có nhu cầu. Ông không coi đó là thứ tài sản của riêng mình để mà phải giữ. Ông chỉ nghĩ giản đơn, khi mình chia sẻ với nhiều người thì sẽ có nhiều người nữa chẳng may mắc bệnh sẽ được chữa khỏi bằng những bài thuốc rẻ tiền mà hiệu nghiệm. Nếu mình chỉ giữ cho riêng mình, mai mốt mình mất đi thì những giá trị y học cổ truyền cha ông tích lũy bao đời truyền lại cũng mất theo, như vậy là mình có lỗi với tiền nhân và tổ nghiệp.
Ông chia sẻ: giờ đây, điều vui nhất của ông là mỗi tháng ít nhất một lần ông trực tiếp đi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà từ thiện cho các bệnh nhân cũng như bà con nghèo, những cụ già không nơi nương tựa ở các viện dưỡng lão hay các em nhỏ ở các trại mồ côi, cô nhi viện … Khi sắp xếp được thời gian và tiền bạc là ông tự tìm đến những nơi như vậy để gúp đỡ người bệnh nghèo mà không đợi ai vận động hay thông qua bất kỳ ai. Ngoài việc chữa bệnh cứu người, ông còn có thú vui là chơi đồ cổ. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ngắm những món đồ cổ ông cảm thấy thư thái. Tuy nâng niu những món đồ quý giá của mình như vậy, nhưng ông cho biết: Nếu lúc nào đó, có ai đó cần tiền để chữa bệnh hoặc lo cho cuộc sống mà không có tiền, ông cũng sẵn sàng bán những thứ đó đi để giúp đỡ, đúng với cái tên Nhà thuốc Thiện Tế Sinh, tức là “làm điều thiện tiếp tế cho người ta sinh sống” mà ông đã lấy khi mở phòng mạch.
Cho đi mà không sợ mất đi, ngược lại phòng khám Thiện Tế Sinh phát triển ra cả nước ngoài để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh không nhỏ của bà con Việt Kiều và cả những người nước ngoài mến mộ y thuật cổ truyền của Việt Nam. Hiện nay, ngoài địa chỉ tại số 77 Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình, phòng khám Thiện Tế Sinh còn có hai cơ sở ở Hoa Kỳ và Nga, cả ba cơ sở khám chữa bệnh này đều phát huy rất tốt khả năng chữa bệnh bằng y học dân tộc, gia truyền của gia đình, dòng họ.
Ghi nhận những đóng góp và thành công trong công tác khám chữa bệnh của Lương y Phạm Huy Hoàng, nhiều cơ quan ban ngành đã tặng ông nhiều giải thưởng cao quý như: Thương hiệu uy tín Đông Nam Á, được tặng danh hiệu suất sắc và chân dung Hải Thượng Lãn Ông năm 2007 và mới đây nhất là cup Tấm Lòng Vàng Vì Sự Phát Triển Cộng Đồng 2015 do Tạp chí Văn Hóa Doanh Nhân và Trung Tâm Văn Hóa Doanh Nhân Việt Nam trao tặng.
Với hơn 40 năm hành nghề y học dân tộc, chữa bệnh cứu người, không biết bao nhiêu bệnh nhân qua tay Lương y Phạm Huy Hoàng đã vượt qua được bệnh tật hiểm nghèo, bao nhiêu gia đình tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, bao nhiều mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ … Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, ông không nề hà điều gì, hễ cảm thấy có thể giúp đỡ người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo là ông chuẩn bị đồ nghề để lên đường. Người thầy thuốc đến với bệnh nhân bằng lương tâm và trách nhiệm chứ không vì tiền bạc nên ông không phân biệt người bệnh ở tầng lớp nào, sang hay hèn, nghèo hay giàu, ai cũng như ai. Ông không đòi hỏi người bệnh phải trả ơn mình, sống nhẫn nhịn, nhu hòa với tất cả mọi người, có lẽ vì vậy mà ông luôn được mọi người tin tưởng và yêu mến, đó là phần thưởng mà Lương y Phạm Huy Hoàng cảm thấy vinh dự nhất đối với người thầy thuốc.
Viết Cương