Chị Ngô Bích Toàn và mẹ |
Khi chia sẻ với phóng viên về mẹ, chị Ngô Bích Toàn cho biết: Có thể nói, người mẹ hiền chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự trưởng thành và nhân cách của chị. Chị thừa hưởng ở mẹ chị rất nhiều những nét đẹp của người phụ nữ Kinh Bắc từ hình thể đến tâm hồn.
Nhà đông con, mẹ chị một mình tề gia, nội chợ, chăm sóc con cái để chồng yên tâm công tác, đến khi các con trưởng thành mẹ chị mới bắt đầu tham gia các công tác xã hội. Bà tham gia trong hội phụ nữ phường 9, quận 10 trong vai trò là một chuyên viên tư vấn hôn nhân, chống bạo hành gia đình và tham gia làm hội thẩm nhân dân quận 10. Ngoài ra, bà còn tham gia các hoạt động từ thiện, cứu giúp người nghèo, xây cầu, làm đường, thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo, bà cũng là hạt nhân văn nghệ tích cực trong các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm và phong trào văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đoàn thể tại địa phương …
Ban ngày năng nổ với công tác xã hội, đến tối bà vẫn tụng kinh, nghe pháp để thấm nhuần Phật Pháp, áp dụng giáo lý nhà Phật vào trong đối nhân, xử thế, nuôi dạy con cái. Trong các công tác, bà cũng khéo léo vận dụng Phật pháp vào công việc để đạt được hiệu quả cao nhất, thuyết phục, vận động các gia đình sinh sống hoà thuận, tuân thủ luật pháp, vì vậy, bà được đoàn thể các cấp hết sức tin tưởng, nhân dân yêu mến.
Bà luôn dạy các con sống và làm việc luôn phải có cái tâm. Đây là điều mà chị Toàn luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời mình, từ khi chị là người chiến sĩ công an cho đến khi chị trở về đời thường, lúc nào chị cũng ghi tạc lời mẹ dạy.
Trong công tác, chị luôn đặt lợi ích của nhân dân lên làm đầu, việc gì chị cũng cố gắng giải quyết sao cho nhanh chóng, linh hoạt để nhân dân đỡ tốn tiền bạc, thời gian đi lại. Từ những ngày đầu mới bước chân vào ngành cho đến lúc trở về làm một công dân bình thường, chị không làm việc gì để phải hổ thẹn với lương tâm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân, gia đình và đơn vị.
Gia đình chị Ngô Bích Toàn |
Sau khi rời ngành công an, chị bắt tay vào làm kinh doanh. Chị nghĩ kinh doanh không nhất thiết cứ phải buôn gian bán lận mới là kinh doanh, chị chỉ tính toán sao để lợi nhuận vừa đủ cho mình nuôi sống gia đình và tái đầu tư, giữ vững cái tâm trong kinh doanh như lời mẹ răn dạy chứ không cố đạt được lợi ích bằng mọi giá.
Sự thật thà của chị trong thương trường cũng có lúc phải trả giá, nhưng những lúc như vậy, mẹ chị luôn có mặt bên chị, dạy chị vững tin ở chánh pháp và hướng dẫn chị đọc kinh, niệm Phật. Vâng lời mẹ, chị tìm về với Phật pháp và Phật pháp đã mở ra cho chị những con đường mà chị không ngờ tới. Những khó khăn dần qua, những cơ hội mới lại đến giúp chị lấy lại động lực tiếp tục đầu tư kinh doanh.
Noi gương của mẹ, chị cũng nhiệt tình tham gia các công tác từ thiện. Khi còn công tác, chị thường dành tiền lẻ để cho những người nghèo khổ mà chị gặp qua đường. Lúc ấy chị chỉ giúp đỡ người khác một cách hoàn toàn bản năng, đơn giản là người ta khổ hơn mình thì mình giúp, nhưng sau này, khi có điều kiện tiếp xúc nhiều với các quý thầy, được nghe pháp chị mới được khai minh ra nhiều điều, rồi từ đó chị giúp đỡ người khác một cách có trách nhiệm và có chọn lọc hơn để làm sao sự giúp đỡ của mình thật sự hữu ích. Chị tham gia cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ các trung tâm từ thiện, trẻ mồ côi … và thường xuyên lên chùa lễ Phật, nghe pháp.
Có một điều rất may mắn đối với chị là chồng con chị cũng rất ủng hộ chị trong các công tác từ thiện. Hàng tháng, cả gia đình chị đều tham gia khoá tu một ngày tại Viện Chuyên Tu, xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai để nuôi dưỡng Phật Tâm, cũng như duy trì truyền thống vị tha, nhân ái trong gia đình.
Viết Cương